Cắt giảm vốn đầu tư gần 97.000 tỷ đồng

08:04, 29/04/2011

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, thực hiện Nghị quyết số 11 của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại các nguồn vốn đầu tư trong năm 2011 với tổng số vốn 96.888,3 tỷ đồng, bằng 10% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011.

 

Trong đó số vốn giảm nhờ thực hiện các giải pháp không kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch năm 2011, không ứng trước vốn kế hoạch năm 2012, giảm 32% vốn trái phiếu Chính phủ, giảm 10% tín dụng đầu tư của nhà nước đã giảm khoảng 50.000 tỷ đồng và số vốn cắt giảm do thực hiện các giải pháp qui định tại Nghị quyết 11 là 46.888,3 tỷ đồng.

 

Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 11, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, tất cả các Bộ, ngành và địa phương đều quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc rà soát, cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư kế hoạch năm 2011. Một số bộ, ngành và địa phương, một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước đã thực hiện rà soát, cắt giảm và đình hoãn một số lượng khá lớn các dự án khởi công mới, các dự án chưa thật sự cấp bách, điều chuyển vốn cho các dự án hoàn thành.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng cho biết, một số địa phương triển khai chậm và đến nay vẫn chưa có báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về cắt giảm đầu tư, việc rà soát và điều chuyển các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư nhà nước, xổ số kiến thiết, vốn vay... chưa được quan tâm đúng mức.

 

Để nâng cao hiệu lực thực hiện Nghị quyết 11, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc kiến nghị Chính phủ qui định đến ngày 31/5, các Bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành việc rà soát cắt giảm vốn đầu tư theo Nghị quyết. Sau thời điểm này, nếu Bộ, ngành và địa phương nào chưa cắt giảm, điều chuyển hết số vốn bố trí cho các dự án khởi công mới theo Nghị quyết của Chính phủ sẽ thu hồi về ngân sách Trung ương. Thu hồi toàn bộ số vốn bố trí sai mục tiêu, vốn đã phân bổ cho các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, các dự án đầu tư kém hiệu quả, các dự án được bố trí kế hoạch vốn nhiều năm nhưng triển khai thực hiện quá chậm./.