Để đầu tư ra nước ngoài hiệu quả

10:11, 16/05/2011

Doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) ngày càng mạnh mẽ, nhằm tìm lợi nhuận và hỗ trợ phát triển kinh tế trong nước. Tuy nhiên, gần đây dư luận băn khoăn về việc số vốn ĐTRNN tăng nhanh có thể nảy sinh hiệu ứng không tích cực đối với kinh tế trong nước.

 

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đến nay, Việt Nam có 587 dự án ĐTRNN, tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD, vốn thực hiện đạt hơn 2 tỷ USD. 4 tháng đầu năm nay có 26 dự án được cấp giấy chứng nhận ĐTRNN, với tổng vốn đăng ký 1,74 tỷ USD; trong đó có 4 dự án đầu tư quy mô lớn, tập trung ở Lào, Campuchia và Peru. Cụ thể là các dự án: Nhà máy Thủy điện Hạ Sê San II tại Campuchia, có tổng vốn đầu tư 806 triệu USD; viễn thông của Tập đoàn Viettel tại Peru, tổng vốn đầu tư 408 triệu USD; thủy điện Sê Kông 3 Thượng và Hạ lưu tại tỉnh Sê-Kông (Lào), tổng vốn đầu tư 275,2 triệu USD; Thủy điện Nậm Công 2 và 3 của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, tổng vốn đăng ký 134,5 triệu USD... Tôi cho rằng, những dự án này phù hợp với định hướng ĐTRNN của Việt Nam. Hầu hết DN đã triển khai dự án tốt, một số dự án đã hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận chuyển về nước và đóng góp cho quốc gia tiếp nhận đầu tư.

 

DN Việt Nam ngày càng đa dạng hóa lĩnh vực và địa bàn đầu tư. Tuy nhiên, quá trình thực hiện ĐTRNN, DN Việt Nam gặp không ít những khó khăn bên cạnh thuận lợi. Các dự án của DN Việt Nam đã hiện diện tại 55 quốc gia, vùng lãnh thổ và tham gia 18 phân ngành kinh tế trong hệ thống ngành, nghề kinh tế quốc dân. Kết quả này cho thấy, DN ta đã trưởng thành nhanh và đầu tư tập trung vào các địa bàn, lĩnh vực chúng ta ưu tiên: khai thác tài nguyên, phát triển nguồn năng lượng; phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản và một số lĩnh vực dịch vụ, vừa tạo ra giá trị gia tăng cao vừa có tính chất hỗ trợ cho hoạt động đầu tư khác, như văn phòng, khách sạn, viễn thông, hàng không, ngân hàng, phân phối sản phẩm…

 

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mặc dù đã có tác động tiêu cực, nhưng cũng mở ra một số cơ hội để DN Việt Nam có điều kiện tiếp cận, đầu tư vào thị trường các nước, mở ra những lĩnh vực mà trước đây chúng ta khó có thể tiếp cận. Tuy vậy, ĐTRNN cũng có một số khó khăn. Đó là, tiềm lực tài chính của DN còn nhỏ, nên chưa thể đầu tư lớn cũng như tạo ra giá trị gia tăng lớn trong tương lai gần. DN chưa nắm vững luật pháp nước ngoài, dễ dẫn đến những rủi ro trong đầu tư, kinh doanh. Một số DN chưa liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại nước sở tại, nên hoạt động đơn lẻ, đôi khi còn xung đột về lợi ích.

 

Có ý kiến cho rằng, việc ĐTRNN nhiều như thời gian gần đây sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho kinh tế trong nước. Về vấn đề này, ông Hoàng cho biết: Phải khẳng định rằng, không thể dễ dàng cấp giấy chứng nhận ĐTRNN một cách ồ ạt, mà việc cấp phép phải căn cứ theo quy trình do pháp luật quy định. Sau khi được cấp giấy chứng nhận ĐTRNN, nhà đầu tư phải được nước sở tại cấp phép hoặc chấp thuận đầu tư, sau đó nhà đầu tư phải có báo cáo, đăng ký tiến độ chuyển vốn ĐTRNN và phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về tiến độ đưa ngoại tệ ra nước ngoài. Việc mang ngoại tệ ra nước ngoài phải căn cứ theo tiến độ thực hiện dự án đã phê duyệt.

 

Theo tôi, nhiều dự án ĐTRNN của DN Việt Nam đã, đang góp phần vào việc thực hiện chiến lược phát triển KT-XH trong ngắn hạn và dài hạn. Ví dụ, việc đầu tư Dự án Thủy điện tại Lào và Campuchia sẽ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng vì khi các dự án này hoạt động sẽ cung cấp một phần điện năng cho Việt Nam. Nhìn chung, các dự án được cấp phép đều đúng định hướng, góp phần tăng cường khả năng hội nhập kinh tế quốc tế. Thông qua đầu tư, các DN có thể kết hợp xuất khẩu hàng và mang lại lợi ích lớn hơn là chúng ta đã đặt chân vào chuỗi phân phối sản phẩm quốc tế. Vì vậy, nên duy trì ĐTRNN, nhưng phải có cơ chế quản lý chặt từ khâu cấp phép, thực hiện đến theo dõi, giám sát quá trình hoạt động của dự án...