Thu hút đầu tư nhìn từ góc độ quy hoạch các khu, cụm công nghiệp

14:40, 19/08/2011

Những năm qua ngoài thu hút đầu tư thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi, tỉnh Thái Nguyên còn rất quan tâm đến vấn đề quy hoạch và bố trí quỹ đất để hình thành các khu, cụm công nghiệp tập trung tại các địa phương, khu vực.

Như chúng ta biết, khi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở địa phương nào, một trong những điều quan tâm đầu tiên của các doanh nghiệp chính là vị trí địa lý và môi trường đầu tư. Là tỉnh có lợi thế về quỹ đất, hệ thống giao thông, điện, nước, nguyên liệu đầu vào và nguồn lực lao động dồi dào, Thái Nguyên đang tập trung hình thành các khu, cụm công nghiệp theo hướng bền vững nhằm cải thiện một bước môi trường đầu tư. Điều đáng quan tâm là chúng ta có bề dày truyền thống về phát triển công nghiệp nặng, là cái nôi của ngành luyện kim cả nước. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, Thái Nguyên đã được chọn để quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Gang thép. Sau đó, KCN Gò Đầm (Sông Công) cũng được hình thành. Năm 1996, Chính phủ đã cho phép Thái Nguyên quy hoạch xây dựng KCN luyện kim Lưu Xá và KCN Sông Công. Đến nay, cùng với KCN Điềm Thuỵ (Phú Bình) và KCN Nam Phổ Yên, Tây Phổ Yên, chúng ta đang sở hữu hàng chục KCN lớn nhỏ, có sức hút đầu tư khá mạnh mẽ.

 

Theo khảo sát chuyên môn thì những năm gần đây, sau khi Thái Nguyên hình thành và đưa vào khai thác các khu, cụm công nghiệp tập trung, số lượng các doanh nghiệp đến đầu tư đã tăng lên khá rõ, trung bình mỗi năm có cả trăm nhà đầu tư đến đăng ký, tìm hiểu và xin được chấp thuận đầu tư vào tỉnh. Hầu hết các nhà đầu tư đều cho rằng, về điều kiện, Thái Nguyên đang là một tỉnh lý tưởng để xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung. Được biết, hiện nay tỉnh đang dành cả chục nghìn héc ta đất sạch trong các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Hệ thống giao thông nội tỉnh và liên vùng của Thái Nguyên khá phong phú với Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B và đường cao tốc nối với Hà Nội, đường sắt, đường sông cơ bản đã và đang hoàn thiện. Thái Nguyên có Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn, đang hình thành Nhà máy nhiệt điện An Khánh, cùng hệ thống đường dây tải điện, trạm biến áp công suất lớn; có hồ Núi Cốc cùng hệ thống sông, suối dày đặc là điều kiện cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt thuận tiện. Tỉnh có trữ lượng khoáng sản (quặng sắt, titan, chì, kẽm, than, đá vôi…) lớn, là nguồn nguyên liệu đầu vào lý tưởng cho ngành công nghiệp chế biến. Thái Nguyên còn là tỉnh trọng điểm của cả nước về đào tạo nhân lực với hàng chục trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Hơn thế nữa, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên đang có những bước bứt phá mạnh mẽ.

 

Dựa trên những điều kiện quan trọng đó, tỉnh xác định vấn đề quy hoạch các khu, cụm công nghiệp một cách bền vững là một trong những điểm mấu chốt về thu hút đầu tư, khai thác hết tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp địa phương. Theo quy hoạch định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp đến năm 2020 của tỉnh cho thấy, ngoài quỹ đất sạch, các nhà quy hoạch cũng đã tính tới vùng đệm cho KCN. Tức là dành ra một quỹ đất liền kề KCN, bình thường vẫn có thể canh tác nông nghiệp, nhưng khi cần đến sẵn sàng thu hồi để mở rộng KCN. Đây là điều mà từ trước đến giờ ít KCN nào có được. 

 

Trong các KCN tập trung có bố trí lựa chọn xây dựng một KCN điểm, đạt các tiêu chuẩn quốc gia, có thể lôi kéo được các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia tới đầu tư vào những lĩnh vực công nghiệp quan trọng để tạo vị thế cho tỉnh. Hiện nay, theo quan sát của chúng tôi thì 2 KCN là Nam Phổ Yên và Tây Phổ Yên với diện tích tổng cộng 400ha có thể đạt được những tiêu chí cũng như yêu cầu mà quy hoạch của tỉnh nêu ra. Cùng với đó, chúng ta đang chủ trương mở rộng diện tích, đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, tăng tỷ lệ lấp đầy dự án trong các KCN đã quy hoạch và xây dựng.

 

Xin nêu ra một vài dẫn chứng về quy hoạch tại một số KCN tập trung trên địa bàn tỉnh: Do được quy hoạch trên cơ sở quy mô, quỹ đất rộng 520ha, lại đảm bảo về hạ tầng, điện, nước, nên hướng ưu tiên đầu tư vào KCN luyện kim Lưu Xá (T.P Thái Nguyên) là các ngành luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng… và hiện KCN này đang dần lấp đầy dự án. Với KCN Nam Phổ Yên, do có vị trí thuận lợi, nằm trên trục Quốc lộ 3, tiếp giáp với Hà Nội nên việc quy hoạch cũng đã tính đặc thù nhằm phục vụ thị trường tiêu thụ của Thủ đô. Do vậy, với diện tích 200ha, KCN này được quy hoạch thành KCN tập trung, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư về chế biến thực phẩm, đồ uống, giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thức ăn nhanh, rau, củ, quả; dụng cụ y tế, da giầy, hàng thủ công mỹ nghệ…

 

Để tạo môi trường thu hút đầu tư rộng khắp, có thể giúp các doanh nghiệp lựa chọn vị trí phù hợp, tại mỗi địa phương, tỉnh đã chọn những địa điểm thuận lợi để quy hoạch các khu, cụm công nghiệp tiêu biểu. T.P Thái Nguyên có KCN phía Tây là KCN sạch và công nghệ cao; Thị xã Sông Công xây dựng thêm KCN nhỏ Khuynh Thạch; huyện Phú Lương hình thành 3 KCN nhỏ: Sơn Cẩm, Phấn Mễ và Động Đạt nằm sát Quốc lộ 3; Võ Nhai có KCN La Hiên nằm sát Quốc lộ 1B; Định Hoá với 4 KCN nhỏ: Trung Hội, Kim Sơn, Tân Thịnh và Bảo Cường… Các KCN này đều được quy hoạch và định hướng phát triển trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, có tính đến khả năng phát triển nhiều năm sau của địa phương đó và của cả tỉnh.

 

Với việc quy hoạch và phát triển các khu, cụm công nghiệp một cách bền vững cộng với những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt của tỉnh, sự kỳ vọng về một môi trường thu hút đầu tư lý tưởng trên địa bàn đã dần trở thành hiện thực. Điều quan trọng là chúng ta sẽ quản lý và khai thác các khu, cụm công nghiệp trong quy hoạch như thế nào cho thật sự hiệu quả, vừa đảm bảo không gây lãng phí quỹ đất vừa tránh để lọt những dự án "treo" hoặc những dự án kém chất lượng.