Theo thông tin từ Ban Quản lý khu công nghệ cao (quận 9, TP.HCM), đến nay, Ban Quản lý đã cấp phép 71 dự án đầu tư (55 dự án còn hiệu lực), trong đó có 2 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn, sử dụng diện tích đất lớn. Đó là Dự án Công ty TNHH Jabil Việt Nam, do Công ty TNHH Jabil Circuit Singapore PTE. Ltd., (Singapore) làm chủ đầu tư và Dự án Intel Products Việt Nam Ltd do Intel Asia Holding (Hồng Kông) đầu tư.
Dự án Công ty TNHH Jabil Việt Nam có tổng vốn đăng ký 100 triệu USD, diện tích đất sử dụng 5 ha, sản xuất thiết bị văn phòng và máy tính; thiết bị lưu trữ dữ liệu, thiết bị truyền thông, thiết bị y tế và các thiết bị công nghiệp điện tử tiêu dùng; chế tạo khuôn mẫu nhựa chính xác…
Theo bà Lê Bích Loan, Phó trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), Công ty Jabil Việt Nam đã thực hiện đầu tư hiệu quả tại SHTP giai đoạn I (2007 - 2012) và đã quyết định đầu tư mở rộng giai đoạn II tại SHTP thay vì đầu tư tại Ấn Độ.
“Hiện nay, nhà máy thuộc giai đoạn II của Jabil Việt Nam đã đi vào hoạt động. Ước tính, giá trị xuất khẩu hàng năm của Dự án khoảng 441 triệu USD. Khi Dự án mở rộng đi vào hoạt động, sẽ tạo công ăn việc làm cho hơn 2.000 lao động”, bà Lê Bích Loan cho biết.
Đối với Dự án Intel Products Việt Nam Ltd, mặc dù giai đoạn 2008-2009, Intel toàn cầu phải đóng cửa 5 nhà máy và cấu trúc lại chiến lược kinh doanh do khủng hoảng kinh tế, nhưng tập đoàn này vẫn nỗ lực triển khai Dự án Intel Products Việt Nam Ltd tại SHTP với quy mô 1 tỷ USD, diện tích đất sử dụng 45 ha.
Mục tiêu của Dự án là hoàn chỉnh và sản xuất các sản phẩm chip mang nhãn hiệu Intel từ màng mạch (wafer); cung cấp dịch vụ hậu mãi cho các sản phẩm nhãn hiệu Intel; thực hiện nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực thông tin kỹ thuật cao…
Hiện Dự án Intel Products Việt Nam Ltd đã hoàn thành phần xây dựng, bao gồm phòng sạch, khu dịch vụ kỹ thuật phục vụ hoạt động sản xuất tại phòng sạch, khu nhà kho, khu trạm điện, khu văn phòng. Đồng thời, Intel Việt Nam cũng đã lắp đặt toàn bộ máy móc thiết bị của khu kỹ thuật, nhà kho, trạm điện và dây chuyền đầu tiên sản xuất chipset.
Giá trị xuất khẩu của Intel Việt Nam đã tăng từ 40 triệu USD trong 6 tháng cuối năm 2010 lên 1,7 tỷ USD năm 2012. “Chúng tôi sẽ xuất khẩu thêm khoảng 1,7 tỷ USD nữa vào năm 2013 và sẽ đẩy mạnh công suất, cũng như số lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong tương lai”, lãnh đạo Intel Việt Nam cho biết.
Không dừng ở khâu sản xuất phục vụ xuất khẩu, Intel đang tiếp tục hợp tác với SHTP để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Cụ thể, Intel Việt Nam tổ chức các buổi hội thảo, hội chợ cho các nhà cung ứng nguyên phụ liệu địa phương và chia sẻ kế hoạch thực hiện, cũng như giúp họ nắm rõ các nhu cầu và điều kiện mua nguyên phụ liệu hỗ trợ của Intel.
Với những thành công của 2 dự án FDI nêu trên, có thể thấy, nếu có chiến lược đầu tư dài hạn, đúng đắn, doanh nghiệp FDI hoàn toàn có thể “cất cánh” tại thị trường Việt Nam.