Đầu tư - đất đai - xây dựng: Sẽ chỉ còn 5 nhóm thủ tục

14:30, 21/10/2013

Tính tự động trong thực hiện các thủ tục hành chính có thể sẽ là chìa khóa tháo gỡ những khúc mắc lớn trong lĩnh vực đầu tư - đất đai - xây dựng.  

Mặc dù vẫn còn một số việc phải thống nhất, song buổi họp gần như cuối cùng của Tổ soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn quy trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường đã thống nhất được 5 nhóm thủ tục cùng quy trình phối hợp và thời gian thực hiện của từng nhóm.

 

Nếu như lãnh đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi trường, Xây dựng thống nhất theo đề xuất này, thì lần đầu tiên, toàn bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực này được… “ISO hóa quy trình thực hiện”.

 

 

Ông Phan Đức Hiếu, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), Thư ký Tổ soạn thảo cho biết, với quy trình theo nhóm được công bố, cả cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư đều hình dung được các công việc, thời gian thực hiện trước khi được quyền bắt tay vào thực hiện một dự án đầu tư.

 

Đơn cử, nhóm thủ tục chấp thuận thủ tục đầu tư được gộp từ 7 thủ tục hiện hành, phục vụ mục tiêu thông tin tối thiểu mà nhà đầu tư phải có và phải biết trước khi triển khai như thông tin về chấp thuận đầu tư, giới thiệu địa điểm, quy hoạch sử dụng đất…

 

“Điểm khác biệt là trong nhiều thủ tục sẽ được quy định theo hướng tự động thực hiện. Nghĩa là, sau khi cơ quan đầu mối thực hiện xong thủ tục trong trách nhiệm của mình sẽ tự động chuyển cho cơ quan có trách nhiệm tiếp theo trong quy trình mà không cần nhà đầu tư làm lại hồ sơ trình riêng. Thời gian của các thủ tục tự động này cũng được quy định rõ”, ông Hiếu giới thiệu Dự thảo Thông tư.

 

Cũng phải nói thêm, việc lập thành 5 nhóm thủ tục không dễ dàng khi nền tảng pháp lý của hệ thống này đang dựa vào khoảng 50 văn bản các loại. Ngay trong ngày họp Tổ soạn thảo, việc bổ sung những văn bản mới có hiệu lực tiếp tục được các thành viên từ các bộ, ngành liên quan thực hiện. Trong khi đó, ở hình thức văn bản là thông tư, Tổ soạn thảo không thể có bất cứ đề xuất mang tính đột phá nào, như bổ sung, cắt bỏ hay sửa đổi thủ tục hiện có.

 

“Chúng tôi đứng cả ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư để sắp xếp các thủ tục theo quy trình, xoá bỏ chồng chéo, trùng lặp và mâu thuẫn giữa các thủ tục hiện hành. Mục tiêu chính là hài hòa hóa”, ông Hiếu nói và cho biết lý do lựa chọn mục tiêu này là vì, khi rà soát các văn bản liên quan, tổ soạn thảo đã phát hiện một thực tế đáng phải quan tâm là, từng thủ tục thì có vẻ hợp lý, nhưng để thực hiện các thủ tục này lại có nhiều bất cập.

 

Mặc dù không nhắc tới, song những bất cập mà ông Hiếu phát hiện phản ánh một điểm yếu lớn trong hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đó là tính phối hợp kém. Có thể nói, đây cũng chính là một phần nguyên do của cách thức xây dựng văn bản pháp luật phục vụ công việc của ngành dọc, không sử dụng các kết quả hành chính của các ngành khác… Hệ quả là, một hệ thống thủ tục hành chính trùng lặp, thậm chí là mâu thuẫn nhau mà các nhà đầu tư, các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ.

 

“Để giải tỏa toàn bộ các vấn đề này, hệ thống pháp luật về đầu tư và xây dựng đang được sửa đổi, bổ sung. Chính vì vậy, thông tư này chỉ có giá trị gỡ rối tạm thời trong khi chờ đợi các văn bản pháp luật được hoàn thiện. Tuy nhiên, việc làm rõ quy trình và đầu mối thực hiện sẽ đảm bảo được nguyên tắc công khai các bước thủ tục, điều mà các nhà đầu tư luôn đề nghị”, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh.

 

Rõ ràng, bước lập nhóm thủ tục mới chỉ là điều kiện cần để tạm thời gỡ những rối rắm hiện tại trong lĩnh vực đầu tư - đất đai - xây dựng. Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) đã đề nghị bổ sung điều khoản Chủ tịch UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện quy định của Thông tư. “Chỉ khi các địa phương vào cuộc thực sự, thì những sắp xếp mang tính phối hợp cao trong quy trình thủ tục mới có thể phát huy hiệu lực. Cũng cần phải công bố công khai để các nhà đầu tư cập nhật được các thay đổi này”, ông Thắng khẳng định.

 

Theo kế hoạch, Dự thảo sẽ được hoàn thiện và trình các bộ ký ban hành trong tháng 11/2013.