Bản Nác có 95% số hộ là đồng bào dân tộc Dao, thuộc diện khó khăn nhất ở xã vùng cao Liên Minh (Võ Nhai). Giao thông cách trở, khó khăn, điện lưới quốc gia cũng chưa có khiến người dân ở đây thiệt thòi nhiều thứ. Vì thế, đường điện quốc gia đang được kéo về bản như một luồng sinh khí mới đối với bà con, thỏa nỗi mong chờ, khát khao đã bao ngày.
Bản Nác xa nhất, rộng nhất (diện tích tự nhiên tới gần 2.000ha), nghèo nhất, đường sá khó khăn nhất nên lãnh đạo xã cũng dành nhiều sự quan tâm nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, động viên cán bộ và người dân ở đây... Sau khi trao đổi vài câu đại ý như vậy, ông Vương Việt Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Liên Minh trực tiếp dẫn tôi vào Nác.
Gần 10km đường từ trung tâm xã vào bản Nác khó đi đến khó tả, hết gập ghềnh sỏi đá lại đến lầy thụt, rồi dốc cao. Trong lúc giải lao trên đỉnh dốc Đèo Khế (phân định ranh giới giữa xóm Vang và bản Nác), ông Dũng bảo: Bản Nác chưa hề có mét đường nào được cứng hóa, ngay cả tuyến đường trục này hơn 10 năm trước cũng chỉ là lối mòn rất nhỏ, không đi được cả xe máy; sóng điện thoại cũng không có khiến nơi đây gần như bị cô lập với bên ngoài. Nguồn thu của bà con chủ yếu dựa vào rừng sản xuất, nhưng vì giao thông không thuận lợi nên khó tiêu thụ sản phẩm, giá bán lại thấp. Điều quan trọng nữa là điện lưới quốc gia cũng chưa có nên đời sống của bà con rất vất vả, thiệt thòi, khó thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng bấy lâu nay…
Trưởng bản Nác Triệu Văn Dũng mới 26 tuổi, đón khách với nụ cười còn mang nét hồn nhiên, rồi xăm xắn dẫn chúng tôi vào nhà anh. Không có quạt điện, 2 giờ chiều, cái nóng 38 độ C những ngày cuối tháng 7 khiến căn nhà cấp bốn như một lò lửa. Anh Dũng nói chuyện nhà mình cũng là chuyện chung của bản: Nóng như này muốn nghỉ trưa một chút cũng chẳng thể chợp mắt được anh ạ, người lớn phải thay phiên quạt cho trẻ nhỏ. Em phải cố mua bộ đầu nổ và máy phát điện mất gần chục triệu đồng. Máy chạy 1 tiếng mất khoảng 2 lít dầu, nhà nghèo nên chẳng có tiền nuôi nó thường xuyên, mỗi ngày chỉ nổ 1-2 tiếng lúc ăn cơm hoặc khi nhà có việc. Bản có khoảng 40 nhà có máy nổ phát điện nhưng anh thấy đấy, nóng đến thế mà có mấy ai nổ máy đâu, do nghèo mà.
Vì khát khao dòng điện, một số người dân trong bản đã bỏ nhiều công sức đi “ngoại giao” để xin được kéo điện từ các vùng lân cận (xã Dân Tiến (Võ Nhai), xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) và xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) về dùng. Hơn 30 hộ làm được như thế, mỗi nhà phải đóng góp ít nhất 20 triệu đồng. Anh Triệu Văn Lưu, một người dân bản Nác nói: Nhóm tôi có 4 hộ góp tiền và rất nhiều ngày công để kéo gần 5.000 mét đường dây từ bên Làng Mười (xã Dân Tiến) về từ năm 2011. Dây và cột đều tạm bợ, hao tải hơn 100% nên phải trả 4.000 đồng một “số điện”. Mà điện yếu lắm, chỉ đủ thắp sáng và một cái quạt thôi, đêm mới xem được ti vi…
Tháng 3 năm nay, công trình cấp điện nông thôn cho bản Nác (thuộc Dự án cấp điện nông thôn của tỉnh giai đoạn 2016-2020) được triển khai thi công. Bí thư Chi bộ Nác, ông Nông Văn An là người đã bao năm đại diện cho dân bản đề nghị các cấp sớm đầu tư lưới điện phục vụ bà con, ví tâm trạng của người dân bản Nác khi nghe tin này như nắng hạn gặp mưa rào. Vì thế mà chuyện vận động người dân hiến đất làm đường điện “dễ như trở bàn tay”. Hơn 20 hộ đã hiến đất, riêng gia đình Bí thư Chi bộ hiến tới 1,4ha rừng để đường dây trung thế đi qua. Diện tích rừng keo đó của nhà ông đã 4 năm tuổi phải chặt bỏ hết, giá trị nếu tính cả đất thì lên đến hàng trăm triệu đồng. Trưởng bản cũng hiến ngay một bãi đất bằng phẳng gia đình vẫn trồng hoa màu để dựng trạm biến áp. Người dân theo từng nhóm nô nức cùng nhau chặt cây, phát quang hành lang đường điện hạ thế.
Thời điểm sẽ được dùng điện chỉ còn được tính bằng ngày, nhà nhà, người người dân bản Nác đều một tâm trạng phấn chấn. Họ mua dây, mua cột điện, mua sẵn bóng điện, quạt, ti vi… để chờ ngày đóng điện. Điểm trường mầm non, trường tiểu học cũng đang được cải tạo lại đường điện vì đã xuống cấp do lắp từ nhiều năm trước để… chờ điện.
Không hẹn trước nhưng hôm tôi đến bản Nác cũng là ngày anh Nguyễn Duy Cấp, Phó Giám đốc Công ty CP Đông Đô (đơn vị thầu xây lắp, trụ sở tại tỉnh Bắc Ninh) đi kiểm tra, đôn đốc thi công giai đoạn nước rút. Theo anh Cấp thì đường điện trung thế vào bản Nác dài hơn 8km, đường dây hạ thế dài gần 18km cùng với 2 trạm biến áp và gần 700 vị trí cột điện (tính cả phát sinh). Thời điểm thi công gặp mưa quá nhiều khiến việc vận chuyển nguyên vật liệu bị trở ngại lớn, địa hình rất khó khăn nhưng đơn vị vẫn nỗ lực đáp ứng tiến độ, phấn đấu đóng điện trong tháng 8 này. “Mặt bằng không bị vướng, bà con lại rất tạo điều kiện thi công, hơn nữa là họ mong có điện từng ngày nên chúng tôi cũng phải thể hiện trách nhiệm cao” - anh Cấp nói.
Người dân bản Nác sẽ đỡ khó khăn hơn nhiều khi có điện, và theo lời Bí thư Đảng ủy xã Liên Minh Vương Việt Dũng thì tỷ lệ hộ nghèo ở đây sẽ giảm nhanh vì điện là một tiêu chí quan trọng (hiện bản Nác còn 91 hộ nghèo trên tổng số 143 hộ). Hoặc có thể nhiều hộ còn nghèo nhưng sẽ không còn bị “đói” văn hóa như bà con vẫn hay nói vui với nhau nữa.
Bản Nác là 1 trong số 4 xóm, bản của xã Liên Minh chưa có điện lưới quốc gia được đầu tư đợt này, khối lượng thi công đã cơ bản hoàn thành, trong đó có 2 xóm đã được đóng điện. Đây cũng là 1 trong số 76 xóm, bản thuộc 19 xã trên địa bàn 5 huyện (Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ và Định Hóa) được thụ hưởng Dự án cấp điện nông thôn của tỉnh giai đoạn 2016-2020, nhằm xóa các xóm, bản “trắng” điện lưới quốc gia. Trong đó, các xóm, bản trong danh mục Dự án thuộc 2 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ đang được triển khai đầu tư hạ tầng lưới điện, một số nơi đã hoàn thành. Riêng huyện vùng cao Võ Nhai có 28 xóm, bản, khối lượng thi công chung các công trình điện đạt khoảng 80%, dự kiến hoàn thành trong tháng 8 này.