Giải phóng mặt bằng ở T.P Thái Nguyên: Tăng đối thoại, giảm bức xúc (Kỳ 1)

11:46, 25/08/2017

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là vấn đề nhạy cảm, nếu không được giải quyết thấu đáo sẽ dễ nảy sinh bức xúc trong nhân dân. Trên địa bàn T.P Thái Nguyên từng có những dự án bị người dân phản đối không cho GPMB. Song những năm gần đây, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đáng lưu ý là tăng cường đối thoại với các hộ dân bị thu hồi đất, từ đó có hiệu ứng tích cực trong công tác bồi thường, GPMB...

Trước đây, việc giải phóng mặt bằng để thi công đường Việt Bắc (T.P Thái Nguyên) cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ các đơn vị chức năng thực hiện tốt nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là tăng cường đối thoại với người dân bị thu hồi đất, đến nay tuyến đường đã được hoàn thành.

Nhìn từ dự án “rùa bò”

Dự án đường Bắc Sơn, đường Minh Cầu (đoạn nối đường Bắc Sơn và khu dân cư số 1 phường Hoàng Văn Thụ) là dự án trọng điểm nằm trong quy hoạch phát triển đô thị mới của T.P Thái Nguyên. Dự án này được quy hoạch từ năm 1990 theo Quyết định của UBND tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) với tên gọi quy hoạch đường Gia Bảy - Cứu Hỏa và Phù Liễn - Minh Cầu. Năm 1994, UBND tỉnh Bắc Thái quyết định thay đổi tên dự án thành đường Bắc Sơn - Minh Cầu, được thiết kế xây dựng theo hai tuyến trong khu dân cư. Tuy nhiên, kể từ khi được phê duyệt quy hoạch, vì nhiều lý do dự án đã không thể giải phóng được mặt bằng. Đến năm 2008, Công ty Xây dựng và san nền Thái Nguyên chính thức được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư thực hiện Dự án đường Bắc Sơn. Dự án được thực hiện theo phương án Nhà nước thu hồi đất, giao cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị và khu dân cư.

Song cả một thời gian dài dự án vẫn không thể thực hiện được do không giải phóng được mặt bằng. Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, lý do dự án bị “tắc” là bởi một số hộ dân trong diện giải tỏa cho rằng việc chi trả tiền bồi thường GPMB, bố trí tái định cư không thỏa đáng nên dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài, thậm chí vượt cấp nhiều năm. Thế nhưng, giữa tháng 9-2016, công tác GPMB của dự án này đã được thành phố thực hiện dứt điểm. Nhiều hộ gia đình thuộc diện giải tỏa đã “tâm phục, khẩu phục” với cách xử lý các vấn đề nảy sinh trong quá trình đền bù, GPMB của thành phố. Bà Kiều Thị M.  ở phường Hoàng Văn Thụ cho biết: "Tôi là người dân đã theo đuổi khiếu kiện về chính sách bồi thường GPMB của dự án này từ nhiều năm nay, nhưng hiện nay gia đình tôi đã tiếp nhận quyết định tái định cư và nhận đầy đủ tiền đền bù. Lý do mà tôi chấp thuận nhận tiền đền bù và di dời để chủ đầu tư thực hiện dự án là bởi chính quyền T.P Thái Nguyên thời gian gần đây giải quyết vụ việc thỏa đáng".

Từng bước tháo gỡ khó khăn

Từ năm 2016 đến nay, T.P Thái Nguyên đã GPMB được 125,6ha đất để thực hiện 69 dự án. Trong tổng diện tích đất thu hồi có 1.932 hộ và 11 đơn vị, tổ chức bị ảnh hưởng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Trữ, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất T.P Thái Nguyên chia sẻ: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ GPMB chưa bao giờ chúng tôi thấy hết khó khăn. Lĩnh vực này cũng hay nảy sinh những bức xúc của người dân.

Có thể thấy, ngay cả một số dự án thời gian qua được cho là GPMB nhanh, gọn nhưng cũng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như việc GPMB để thực hiện Dự án xây dựng Nghĩa trang An Lạc Viên INDEVCO Thái Nguyên tại xóm Lượt 1, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên). Dự án này tiến độ GPMB nhanh hơn 2 tháng so với mục tiêu ban đầu đề ra, hiện nay đang được chủ đầu tư xây dựng bề thế, hoành tráng, nhưng ít ai mường tượng được cán bộ thực hiện công tác GPMB và chính quyền sở tại phải vất vả đến thế nào. Một bên là sức ép về tiến độ thực hiện, một bên là có những hộ dân vùng dự án chưa thông hiểu về chính sách đền bù, GPMB nên đã có thái độ bất hợp tác, cản trở, gây sức ép đối với chính quyền địa phương. Tìm hiểu nguyên nhân, một số hộ dân không nhất trí với việc triển khai dự án, bởi họ đã mất lòng tin với dự án xây dựng nghĩa trang đã từng triển khai tại địa phương trước đó và lo ngại về ảnh hưởng của dự án đến môi trường xung quanh.

Để thực hiện GPMB, ngoài việc cử những cán bộ tận tâm, tận lực, có năng lực trong công tác GPMB xuống vận động, thuyết phục người dân, Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố còn thường xuyên tham mưu với lãnh đạo Tthành phố tổ chức các cuộc đối thoại, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong dân, một mặt sau khi các hộ đồng ý với chủ trương bồi thường, Trung tâm thực hiện chi trả tiền đền bù nhanh, đúng, đủ theo quy định, từ đó các hộ dân không còn thắc mắc và sớm giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2017 các cơ quan chức năng của thành phố đã tiếp nhận gần 200 đơn thư kiến nghị, phản ánh liên quan đến vấn đề bồi thường, GPMB và các vấn đề liên quan đến đất đai, chiếm tỷ lệ khoảng 80 % so với các đơn thư kiến nghị, phản ánh của các lĩnh vực khác. Trong đó, Trung tâm phát triển quỹ đất T.P Thái Nguyên trực tiếp giải quyết 155 đơn thư, kiến nghị về thực hiện chi trả chế độ bồi thường, GPMB.

Ông Trần Hoài Nam, Phó Chánh văn phòng UBND T.P Thái Nguyên cũng thừa nhận, công tác GPMB luôn là vấn đề nhạy cảm, khi người dân không hiểu một cách thấu đáo các chính sách về lĩnh vực này thì thường hay làm đơn kiến nghị, phản ánh. Tuy nhiên, nhờ vào thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân vùng dự án, đặc biệt là tăng cường đối thoại với người dân bị mất đất, nên những vấn đề bức xúc nảy sinh liên quan đến đất đai từng bước được giải quyết, thực tế các vụ việc khiếu kiện kéo dài hay gửi đơn thư vượt cấp đã giảm nhiều so với trước kia...
(Còn nữa)