Tại kỳ họp chuyên đề lần thứ nhất HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra ngày 27-10-2017, có 2 nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều người đó là việc chuyển Dự án thành Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu (sau đây gọi tắt là Đề án sông Cầu) và điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng hạ tầng khu du lịch Hồ Núi Cốc - Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa (gọi tắt là Dự án Hồ Núi Cốc).
Mới đây, trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do của sự điều chỉnh này, đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh cho biết nguyên nhân cơ bản là do có sự thay đổi trong nguồn vốn đầu tư.
Ở Dự án Hồ Núi Cốc, đây là dự án nhóm A nên cấp quyết định chủ trương đầu tư là Thủ tướng Chính phủ; còn cấp quyết định đầu tư là UBND tỉnh. Dự án được triển khai trên địa bàn 5 địa phương, gồm: T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên và 3 huyện Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai. Để có cơ sở triển khai thực hiện Dự án, tại Nghị quyết số 107/NQ-HĐND ngày 24-3-2016 của HĐND tỉnh đã thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng đối với Dự án này; UBND tỉnh cũng đã có văn bản đăng ký bổ sung danh mục dự án đầu tư công trung hạn 2016-2020 vốn ngân sách Trung ương và Tờ trình trình Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Dự án. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách Trung ương gặp nhiều khó khăn nên Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đề nghị tỉnh rà soát, tính toán lại tổng mức đầu tư Dự án cho phù hợp với tình hình, khả năng đáp ứng về nguồn vốn của ngân sách Trung ương, địa phương, doanh nghiệp và các nguồn vốn xã hội hóa khác, phân kỳ đầu tư Dự án.
Vì vậy, tại kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh lần này, UBND tỉnh đã đề nghị điều chỉnh giảm quy mô, nguồn vốn Dự án từ 9.980 tỷ đồng, xuống còn 6.838,3 tỷ đồng, trong đó, đề xuất vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 80%, còn lại là của địa phương. Do nguồn vốn được điều chỉnh giảm nên có 3 hạng mục sẽ phải chuyển ra khỏi danh mục đầu tư của dự án, nhưng thay vào đó là cho đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) - hợp đồng BT, gồm: Đường Bắc Sơn kéo dài; Đường trục nối ĐT261 với hồ Núi Cốc; Đường ven hồ Núi Cốc.
Theo đó, có 3 nội dung được đề xuất thực hiện đầu tư. Thứ nhất là các công trình giao thông, với tổng mức đầu tư 3.025 tỷ đồng, gồm các tuyến và theo thứ tự ưu tiên: Đường nối Quốc lộ 37 với trục vào hồ Núi Cốc; Đường ven hồ; Đường nối từ thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) đến Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; đường nối từ phường Ba Hàng (T.X Phổ Yên) đến đường trục vào hồ Núi Cốc.
Thứ hai là đầu tư vào các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, với số tiền 3.663 tỷ đồng, gồm: Xây dựng hồ Nghinh Tường (Võ Nhai); làm tràn xả lũ bổ sung cho hồ Núi Cốc điều tiết trong mùa mưa lũ; xây dựng hồ Kẹm, Đại Từ; xây dựng hệ thống công trình thoát lũ hạ du hồ Núi Cốc trên sông Công; cụm công trình phục vụ dẫn nước từ sông Cầu vào kênh chính hồ Núi Cốc; xây dựng hồ Khuôn Tát Định Hóa và xây dựng hồ Đầm Làng Đại Từ.
Thứ ba là đầu tư công trình văn hóa với hạng mục Làng văn hóa các dân tộc Việt Bắc, trị giá 150 tỷ đồng, trong đó các công trình hạ tầng kỹ thuật 100 tỷ đồng; phục hồi, bảo tồn văn hóa tiêu biểu của các dân tộc vùng Việt Bắc 50 tỷ đồng. Thời gian kết thúc hạng mục cuối cùng của Dự án là năm 2025. Khi đó, Dự án được kỳ vọng là sẽ mang lại nhiều hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.
9 dự án thành phần của Đề án Sông Cầu, gồm: Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bờ Hữu và đê bờ Tả sông Cầu đoạn qua T.P Thái Nguyên (2 dự án); Xây dựng hoàn thiện hệ thống đê 2 bên bờ suối Mo Linh đoạn qua T.P Thái Nguyên; Xây dựng hệ thống kè chống sạt lở đê 2 bên sông và xây dựng 3 bến thuyền; xây dựng hoàn thiện hệ thống đường giao thông hai bên bờ sông Cầu; Nạo vét mở rộng lòng sông đoạn từ cầu Cao Ngạn đến đập Thác Huống; Xây dựng mở rộng đập Thác Huống và xây đập dâng Quang Vinh; xây dựng 6 cầu (Quang Vinh, Quang Vinh 2, Xuân Hoà, Huống Thượng, Bến Oánh, Mo Linh) và nâng cấp, sửa chữa cầu Gia Bẩy (2 dự án). |
Đối với Dự án sông Cầu, tổng mức đầu tư là 9.811,6 tỷ đồng (gồm 9 dự án thành phần), cũng thuộc dự án nhóm A nên thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư là Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do nguồn tài chính của Trung ương gặp khó khăn, cùng với đó là những thay đổi về điều chỉnh địa giới hành chính của T.P Thái Nguyên, về quy hoạch hệ thống đê điều chống lũ trên địa bàn tỉnh… nên buộc phải có sự điều chỉnh về cơ cấu nguồn vốn trong thực hiện các dự án thành phần. Bởi vậy, chủ trương đề xuất chuyển Dự án thành Đề án là cần thiết. Ngoài ra, theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì sự điều chỉnh này cũng có cả nguyên nhân chủ quan, mà cụ thể là do yêu cầu nhanh về tiến độ, thời gian nên nhà đầu tư chưa xác định được các quỹ đất thanh toán cho các dự án BT, số liệu đưa ra trong báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án chưa chính xác. Cùng với đó là sự lúng túng của các sở, ngành chức năng của tỉnh trong việc tham mưu, đề xuất khiến chưa sát với điều kiện thực tế và quy định của Nhà nước.
Theo nội dung tờ trình tại kỳ họp của UBND tỉnh, nguồn kinh phí thực hiện 9 dự án thành phần sẽ tăng từ 18.211 tỷ đồng lên 23.909 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách Nhà nước vẫn giữ nguyên là 5.611 tỷ đồng, chỉ thay đổi trong việc bố trí vốn ở từng dự án. Cụ thể, đối với kinh phí giải phóng mặt bằng các dự án BT, trong khi trước đây bố trí là 2.811,6 tỷ đồng, thì nay đề xuất tăng lên 3.143,2 tỷ đồng; ngược lại ở các dự án hoàn vốn dự án BT thì lại giảm, từ 2.800 tỷ đồng xuống còn 2.468,4 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn của nhà đầu tư được điều chỉnh tăng từ 12.600 tỷ đồng lên 18.298 tỷ đồng (tăng 5.698 tỷ đồng), trong đó kinh phí xây dựng là 10.227 tỷ đồng (trước là 7.000 tỷ đồng); kinh phí hoàn thiện hạ tầng đô thị gần 7.400 tỷ đồng (trước là 5.600 tỷ đồng); còn lại gần 700 tỷ đồng để bổ sung giải phóng mặt bằng dự án hoàn vốn. Để có kinh phí trả cho nhà đầu tư theo nguồn vốn được điều chỉnh, thay vì khoảng 34 khu đất tương đương với diện tích 700ha trước đây thì nay phương án đưa ra là sẽ trả khoảng 40 khu đất với diện tích 900ha.
Với những nội dung UBND tỉnh đề nghị điều chỉnh tại các dự án nêu trên, qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi là cơ bản nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều cán bộ, người dân, trong đó có những người nguyên là lãnh đạo tỉnh. Đa số ý kiến cho rằng, việc triển khai các dự án này là cần thiết và có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giúp thay đổi đáng kể diện mạo T.P Thái Nguyên cũng như của tỉnh… Ngoài ra, đây còn là cơ hội giúp tỉnh, các địa phương và sở, ngành chức năng của tỉnh thêm một lần có điều kiện rà soát lại quy hoạch tổng thể và của từng dự án; xác định lại kỹ thuật và giá thành từng dự án cho chính xác, minh bạch. Riêng với Đề án sông Cầu, do nguồn kinh phí trả cho nhà đầu tư bằng đất nên nhiều ý kiến đề nghị việc giao đất cho nhà đầu tư cần phải được cân nhắc, tính toán cẩn thận, nhất thiết phải theo đúng quy hoạch và được đấu thầu công khai, để giá giao đảm bảo sát thực tế, đúng quy định, tránh làm thất thoát ngân sách nhà nước.