Những năm gần đây, các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh đã tạo được sức hút lớn đối với nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Kết quả này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự nỗ lực của các cấp, ngành với công tác cải cách hành chính. Ban Quản lý các KCN tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn đã và đang đặc biệt coi trọng công tác này nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Cải cách hành chính (CCHC) luôn được Ban Quản lý các KCN tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, bởi đó là yếu tố quan trọng giúp “giữ chân” nhà đầu tư. Ông Trần Văn Long, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Chúng tôi luôn nỗ lực để các nhà đầu tư đến với KCN nhận được sự quan tâm, hỗ trợ ở mức cao nhất, đảm bảo tính công khai, minh bạch khi thực hiện thủ tục hành chính, giải quyết công việc nhanh chóng cho tổ chức, cá nhân cần giao dịch. Để đạt được mục tiêu đó, Ban tập trung vào nhân tố con người, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại.
Đội ngũ cán bộ, công chức của Ban Quản lý các KCN tỉnh đều đạt chuẩn và được xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng người, từng bộ phận trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Cán bộ, công chức được chọn trực tiếp giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả là những người giỏi về nghiệp vụ, có kỹ năng giao tiếp tốt, thân thiện, gần gũi và có tinh thần trách nhiệm cao. Cơ chế kiểm tra, giám sát nội bộ được tăng cường nhằm chấn chỉnh kịp thời những hành vi không chuẩn mực.
Chánh Văn phòng, Tổ trưởng Tổ công tác CCHC của Ban Quản lý các KCN tỉnh, bà Hoàng Thị Bích Ngọc chia sẻ: Trên tinh thần phục vụ, khi đại diện nhà đầu tư đến, chúng tôi luôn tư vấn, hướng dẫn tận tình (qua giao tiếp hoặc văn bản) để họ hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục liên quan. Kể cả ngày nghỉ, lãnh đạo và công chức của Ban cũng sẵn sàng tiếp đón, giải đáp thắc mắc hoặc đưa đại diện nhà đầu tư đi khảo sát thực địa, hoàn tất thủ tục liên quan. Vì vậy, các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài đều tỏ ra hài lòng và mong muốn hợp tác lâu dài. Từ tháng 4 năm nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh triển khai Đề án thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại. Nhằm tiếp tục khắc phục những hạn chế, bất cập và tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp. Theo đó, việc thực hiện một số thủ tục hành chính sẽ được liên thông giữa Ban với các sở, ngành liên quan giúp giảm sự phiền hà và thời gian đi lại cho nhà đầu tư; đồng thời đảm bảo sự chính xác, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Từ những yếu tố đó, việc giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch tại Ban Quản lý các KCN tỉnh (29 bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ban) luôn đảm bảo thời gian và ngày càng được rút ngắn. Ví dụ như: thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ còn 8 ngày làm việc, giảm 7 ngày so với quy định; thời gian điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ còn 6 ngày, giảm 4 ngày; thời gian cấp giấy phép xây dựng còn 12 ngày làm việc, giảm 8 ngày so với quy định; thời gian cấp giấy phép lao động còn 4 ngày, giảm 3 ngày…
Hơn 1 năm trở lại đây, ban Quản lý các KCN tỉnh đều đặn tổ chức gặp mặt hàng tháng và đối thoại hàng quý với đại diện các nhà đầu tư trong KCN nhằm lắng nghe những phản hồi, giải đáp thắc mắc và tạo sự kết nối thường xuyên. Qua những cuộc gặp gỡ, đối thoại cởi mở như vậy, nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến các doanh nghiệp đã được giải quyết kịp thời, như: tình trạng mất điện đột xuất, giảm giá nước, hoàn thiện hạ tầng nội bộ KCN… Những phản ánh của nhà đầu tư về cơ chế, thủ tục hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức cũng được lãnh đạo Ban tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp trong phạm vi thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên giải quyết.
Có thể nói, cùng với nhiều yếu tố khác, những nỗ lực trong công tác CCHC của các cấp, ngành nói chung và của Ban Quản lý các KCN tỉnh thời gian quan nói riêng đã góp phần không nhỏ vào kết quả thu hút đầu tư của tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, khi Tập đoàn Samsung triển khai xây dựng tổ hợp sản xuất tại KCN Yên Bình, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn các KCN của Thái Nguyên làm “bến đỗ”, tạo ra sự đột phá lớn trong thu hút đầu tư vào địa bàn. Hiện trong các KCN của tỉnh có 177 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 88 dự vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 7,04 tỷ USD và gần 13.000 tỷ đồng (tổng vốn đã thực hiện đạt 6,51 tỷ USD). Các doanh nghiệp trong KCN đang giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng, tạo ra tổng doanh thu tiêu thụ và giá trị xuất khẩu hàng chục tỷ USD/năm…
Tuy đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận nhưng công tác CCHC của Ban Quản lý các KCN tỉnh vẫn còn một số hạn chế từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, được lãnh đạo Ban thẳng thắn nhìn nhận. Vì vậy, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác CCHC, thu hút đầu tư, việc đẩy mạnh xây dựng nền hành chính theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại đang được Ban coi trọng thực hiện.