Niềm vui từ những cây cầu

09:13, 22/12/2017

Năm 2017, huyện Phú Lương được Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư xây dựng 4 cây cầu dân sinh, gồm: Cầu Đồng Cháy (Phủ Lý), cầu Làng Cọ (Phấn Mễ), cầu Cây Thị (Ôn Lương) và cầu Đồng Niêng (Động Đạt). Người dân xung quanh khu vực được đầu tư xây dựng cầu vui mừng khôn xiết, bởi hàng chục năm qua, họ thường phải đi qua sông, suối bằng những cây cầu tạm, hiểm nguy luôn rình rập.

Cầu Đồng Niêng, xã Động Đạt đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, phục vụ bà con đi lại trước Tết Nguyên đán năm nay. Từ khi đơn vị thi công về xây cầu, người dân nơi đây rất phấn khởi, bởi lẽ, hàng chục năm qua, bà con phải đi qua sông trên mặt mương bê tông rộng chưa đầy 1m. Nói chuyện với chúng tôi, ông Cao Văn Khoa, Trưởng xóm Đồng Niêng cho biết: Mương dẫn nước qua sông được xây dựng từ năm 1984. Vì không có cầu nên bà con đổ bê tông lên trên mặt mương để làm đường đi lại. Cũng vì mặt mương nhỏ nên không biết bao nhiêu người qua đây bị rơi xuống sông, may mắn được bà con trong xóm phát hiện sớm và cứu kịp thời, không bị thiệt mạng.

Khi đơn vị thi công xây dựng cây cầu mới, 205 hộ dân của xóm Đồng Niêng rất háo hức, vui mừng. Hai hộ dân trong xóm là gia đình ông Hoàng Văn Hính và Hoàng Văn Dìn đã tình nguyện hiến hơn 200m2 đất liền kề thổ cư để xây dựng cây cầu. Ông Hoàng Văn Hính cho biết: Gần 60 năm sống ở đây, tôi đã cứu khoảng 30 trường hợp rơi từ mặt mương xuống sông. Vì thế, khi biết Nhà nước đầu tư xây cầu, gia đình tôi sẵn sàng hiến đất. Nói thêm về những khó khăn khi phải đi trên mặt mương trước đây, bà Nhâm Thị Tăng, người dân trong xóm cho biết: Cứ khi mưa bão là mương bị ngập, bà con trong xóm bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, trẻ em phải nghỉ học, đợi đến khi nào nước rút mới dám qua.

Cùng chung niềm vui với người dân ở Đồng Niêng, bà con ở xóm Đồng Cháy, xã Phủ Lý cũng rất phấn khởi khi Nhà nước đầu tư xây dựng cầu thay thế chiếc cầu tre ọp ẹp trước đây. Ông Phạm Văn Thanh, Trưởng xóm Đồng Cháy cho biết: Chúng tôi vui lắm khi nhận được thông báo cầu tre của xóm sẽ được thay thế bằng cầu bê tông mới. Vì thế, khi khởi công xây dựng, bà con ở xóm đã hiến gần 500m2 đất các loại để phục vụ thi công. Đi cây cầu tre cũ, chúng tôi lo lắm. Năm nào cũng có vài trường hợp rơi xuống sông khi qua cầu, có người bị gãy chân đã phải nằm liệt. Từ đầu năm đến nay, trong xóm có 2 người bị rơi xuống sông, trong đó, có 1 người rơi hồi tháng 10, bị gãy xương chân phải đi mổ cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức Hà Nội.

Hiện nay, ngoài hai cầu Đồng Niêng và Đồng Cháy, đơn vị thi công cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hai cây cầu ở xóm Cọ, xã Phấn Mễ và xóm Cây Thị, xã Ôn Lương. Theo đánh giá của các phòng chuyên môn huyện Phú Lương, đến nay, 4 cây cầu trên các đơn vị thi công đã hoàn thành từ 50-80% khối lượng công việc, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2018. Công trình được đưa vào sử dụng không chỉ thuận lợi cho người dân đi lại mà còn tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế.

Ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới, huyện Phú Lương được Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư xây dựng 9 cầu dân sinh với tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Năm 2017, các đơn vị triển khai xây dựng 4 cầu, 5 cây cầu còn lại sẽ được đầu tư ở các xóm: Khe Ván, Na Biểu, xã Phủ Lý; Tân Bình 3, Tân Bình 1, xã Vô Tranh và Quyết Tiến, xã Hợp Thành trong giai đoạn 2018-2020. Đây đều là những câu cầu mang tính cấp bách cần xây dựng để đảm bảo an toàn khi người dân đi lại.