Điện đã về tới những bản làng vùng sâu

14:38, 01/01/2018

Sau 1 năm tiến hành thi công xây dựng, với nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công và sự đồng lòng của người dân, đến nay, Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016-2020 đã cơ bản hoàn thành giai đoạn đầu, với 43 xóm bản trên địa bàn được kéo điện. Dự án hoàn thành sẽ tạo động lực quan trọng giúp người dân phát triển kinh tế – xã hội, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn ở các xóm vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Xóm Nác, xã Liên Minh (Võ Nhai) được đơn vị thi công kéo điện xong và bàn giao công trình sớm nhất trong tổng số 43 xóm, thuộc giai đoạn đầu của Dự án. Khó có thể nói hết niềm vui của người dân ở đây khi mong ước có điện từ bao năm qua nay đã thành hiện thực. Ông Triệu Văn An, Bí thư Chi bộ xóm Nác chia sẻ: Trước đây, người dân trong xóm dùng đèn dầu thắp sáng, một số hộ dân có điều kiện thì tự bỏ tiền hàng trục triệu đồng kéo điện từ các xã lân cận về sử dụng. Nhưng vì đường dây quá dài (khoảng 5km) nên người dân phải mua điện với giá cao, nguồn điện lại yếu nên chỉ có thể thắp sáng, chứ không thể giúp gì cho sản xuất... Giữa năm 2017, gói thầu thi công kéo điện vào vào xóm Nác chính thức được triển khai, người dân đã đồng lòng hiến đất và tài sản trên đất, với trị giá hàng trăm triệu đồng. Sau khi các đơn vị thi công xong, huyện Võ Nhai đã tiến hành hỗ trợ cho các hộ nghèo và cận nghèo, với mức 500 nghìn đồng/hộ, giúp người dân mua sắm dây và thiết bị điện trong nhà. Đến nay, 100% hộ dân của xóm đã kéo điện về đến tận gia đình để phục vụ sinh hoạt.
 
Có mặt tại xóm Hạ Kim, xã Thần Sa (Võ Nhai) vào những ngày cuối tháng 12 này, chúng tôi cũng cảm nhận được không khí khẩn trương của gần chục tốp công nhân đang tích cực kéo dây, lắp đặt Trạm biến áp, với mục tiêu nhanh chóng đưa điện đến với bà con. Người dân trong xóm thì khẩn trương đi mua dây, thiết bị điện lắp đặt trước ở trong nhà để khi có điện có thể sử dụng được ngay. Ông Triệu Văn Kim, Trưởng xóm Hạ Kim cho biết: Xóm có 36 hộ dân (hơn 90% là đồng bào dân tộc Dao). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 60%. Người dân ở đây còn nhiều khó khăn, song khi biết Nhà nước đầu tư kéo điện về xóm đã tự nguyện hiến hơn 2.000m2 và tài sản trên đất (chủ yếu là cây rừng sản xuất)... Cùng chung niềm vui với người dân các địa phương được thụ hưởng từ Dự án, ông Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) chia sẻ: Triển khai Dự án, xã có 9 xóm được đầu tư đường điện, đến nay, tất cả các gói thầu đều đã hoàn thành và bàn giao cho ngành điện quản lý. Có điện lưới, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống...
 
Để tạo điều kiện giúp người dân có nguồn điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, cuối năm 2016, UBND tỉnh đã triển khai Dự án cấp điện nông thôn giai đoạn 2016-2020. Theo Dự án, 76 xóm, thuộc 19 xã của 5 huyện (Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa, Đại Từ) sẽ được đầu tư kéo điện. Giai đoạn đầu, Dự án khởi công vào tháng 12-2016, với 43 xóm, ở 13 xã, thuộc 2 huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ. Trong đó, huyện Võ Nhai có 28 xóm, bản; Đồng Hỷ có 15 xóm. Kế hoạch, đề ra là tất cả các gói thầu thuộc giai đoạn đầu của Dự án sẽ được hoàn thành vào giữa tháng 11 vừa qua. Song quá trình triển khai, đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi nên tiến độ bị chậm lại khoảng 2 tháng.
Tranh thủ thời tiết khô nắng, công nhân thi công đã tiến hành kéo dây điện vào xóm Hạ Kim.     
 
Ông Nguyễn Văn Chiến, cán bộ kỹ thuật, Công ty CP Xây lắp Thủ Đô (đơn vị thi công kéo điện vào xóm Hạ Kim, xã Thần Sa và xóm Na Bả, xã Phương Giao) cho biết: Từ tháng 8 đến cuối tháng 10, do trời mưa liên tục khiến việc thi công bị ảnh hưởng không nhỏ. Đường giao thông vào các xóm lầy lội không thể chuyên chở vật liệu, thiết bị để thi công; đường dây điện phải kéo qua rừng làm tăng số lượng cột so với thiết kế, cũng như san ủi khu vực nhiều hơn để tạo hành lang an toàn lưới điện. Trước những khó khăn này, tranh thủ thời tiết tạnh ráo trong những ngày gần đây, chúng tôi đã tập trung tối đa người và phương tiện để đẩy nhanh tiến độ thi công...
 
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng Quản lý điện, Sở Công Thương: Quá trình triển khai Dự án, người dân đều tích cực hiến đất nên công tác giải phóng mặt bằng tương đối thuận lợi. Để hoàn thành các gói thầu trong thời gian sớm nhất, hiện tại, chúng tôi đang đôn đốc các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, ngoài một số gói thầu đã hoàn thành và bàn giao cho ngành điện thì các gói thầu còn lại đều đạt trên 90% khối lượng và dự kiến sẽ hoàn thành trước dịp Tết Nguyên đán...
 
Còn theo đồng chí Dương Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai: Chính quyền địa phương ngoài việc phối hợp với chủ đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng, đã hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo tiền mua dây, thiết bị điện lắp đặt trong nhà, với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. 
 
Dự án cấp điện nông thôn tỉnh, giai đoạn 2016-2020 có tổng mức đầu tư 208 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn Trung ương chiếm hơn 175 tỷ đồng, tỉnh đối ứng hơn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn vốn của Trung ương chuyển về còn hạn chế, nên ngoài nguồn vốn đối ứng, tỉnh đã ứng trước gần 30 tỷ đồng để hoàn thành giai đoạn đầu của Dự án. Ngay sau khi các gói thầu kéo điện vào 43 xóm của huyện Võ Nhai và Đồng Hỷ hoàn thành, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các gói thầu của Dự án cấp điện nông thôn tại các huyện còn lại. Theo kế hoạch đến hết năm 2020, tỉnh sẽ xóa các xóm trắng về điện. 
 
Việc triển khai thực hiện Dự án cấp điện nông thôn giai đoạn 2016-2020 như một luồng sinh khí mới tạo động lực giúp người dân vùng khó phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Hy vọng trong thời gian tới, cùng với quyết tâm của tỉnh, người dân ở những xóm, bản này sẽ tiếp tục nỗ lực đoàn kết, vượt khó vươn lên, làm thay đổi diện mạo ở vùng sâu, vùng xa.