Phát triển đô thị theo hướng hiện đại

07:58, 28/04/2018

Nhận thức rõ tầm quan trọng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật (HTKT) đối với sự phát triển bền vững của đô thị, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: Giải pháp chủ yếu để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH) và đô thị theo hướng hiện đại phải nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị; tiếp tục thu hút các nguồn vốn đầu tư hạ tầng thiết yếu và mở rộng không gian công cộng tại các đô thị; thực hiện có hiệu quả dự án đô thị trọng điểm…

Là 1 trong 10 tỉnh, thành phố thuộc vùng Thủ đô Hà Nội, trung tâm KT-XH của vùng Đông Bắc và có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, hiện Thái Nguyên có tỷ lệ đô thị hoá là 34,31% (trung bình toàn quốc là 36,6%). Khu vực có tỷ lệ đô thị hoá cao tập trung tại T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên, dọc theo Quốc lộ 3 cũ và Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên - Hà Nội. Đây là khu vực tập trung khoảng 80% tổng số dân cư đô thị của tỉnh và là nơi tập trung nhiều dự án phát triển Khu công nghiệp (KCN) và các điều kiện cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho phát triển đô thị, công nghiệp.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt ra tỷ lệ đô thị hóa toàn Tỉnh theo từng giai đoạn là: 36% vào năm 2020 và tăng lên tương ứng 40,5% - 45% vào năm 2025 và 2030. Hiện toàn tỉnh có 12 đô thị từ loại I đến loại V, trong đó T.P Thái Nguyên là đô thị loại I; T.P Sông Công là đô thị loại III và T.X Phổ Yên là đô thị loại IV. Dự kiến đến năm 2035, ngoài việc nâng cấp, cải tạo 12 đô thị hiện có, tỉnh ta sẽ thành lập thêm 6 đô thị mới (Núi Cốc; Yên Bình; Hóa Thượng (Đồng Hỷ); Cù Vân, Yên Lãng (Đại Từ); Trung Hội (Định Hóa); La Hiên - Quang Sơn (Đồng Hỷ - Võ Nhai), nâng tổng số đô thị toàn tỉnh lên con số 18.

Ngoài những đô thị trên, hiện nay Sở Xây dựng đang phối hợp tích cực với 2 huyện Đại Từ, Phú Bình để rà soát, đánh giá tại 2 xã Cù Vân và Điềm Thụy về các tiêu chí và điều kiện hình thành đô thị theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh việc đẩy mạnh công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, tạo bước đột phá trong phát triển đô thị, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trong những năm gần đây, với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trên mọi lĩnh vực, tỉnh ta đã tranh thủ được nhiều nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án trên địa bàn, tạo hiệu ứng tích cực cho bộ mặt kiến trúc đô thị. Các Dự án: Đường Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên; Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên; Phát triển Đô thị động lực tại T.P Thái Nguyên; Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc; Phát triển đô thị hai bờ sông Cầu; Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc; Tòa nhà thương mại dịch vụ FCC (phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên)… cùng các dự án khu đô thị, khu dân cư, dự án xây dựng hạ tầng tại các địa phương trong tỉnh (đã hoàn thành và đang triển khai) đã tạo ra hiệu ứng tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị nhanh, bền vững.

Cũng theo ông Huy, hiện nay, hạ tầng kỹ thuật của tỉnh cơ bản đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ theo từng cấp đô thị. Tại các đô thị lớn như T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên đang có nhiều dự án lớn về lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật đô thị với hình thức đầu tư đa dạng, thu hút được nhiều nguồn lực xã hội hóa. Đặc biệt trong thời gian qua, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các khu vực trung tâm của các đô thị lớn của tỉnh đã và đang được quan tâm đầu tư cải tạo đồng bộ như: Ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông), cải tạo vỉa hè, cây xanh và hệ thống chiếu sáng… tạo lên một diện mạo mới cho các đô thị. Tuy nhiên, tại một số đô thị nhỏ, tốc độ đô thị hóa còn chậm, việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật thiết yếu chưa được quan tâm đúng mức; đầu tư các dự án dân cư đô thị còn dàn trải, chưa tập trung nên các vấn đề về khớp nối hạ tầng kỹ thuật dự án với hạ tầng khung chưa đồng bộ…đặc biệt là hệ thống thoát nước mưa nên đôi khi dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ; hệ thống điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, viễn thông tại các đô thị đa số chưa được ngầm hóa, chưa tạo được mỹ quan tốt cho đô thị.

Đi đôi với công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển đô thị, Sở Xây dựng còn quan tâm đến công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và nhà ở. Đặc biệt, để thực hiện tốt Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Thông tư 26/2016/TT-BXD ngày 26-10-2016 của Bộ Xây dựng… Sở Xây dựng đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng và nhà ở trên địa bàn. Trong thời gian qua, bên cạnh việc tăng cường công tác thẩm định các hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình, công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng công trình cũng được đơn vị quan tâm chỉ đạo triển khai toàn diện, theo đúng lộ trình kế hoạch. Ngoài ra, đơn vị còn tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật.
Về công tác phát triển nhà ở, thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 65/2009/QĐ-TTg, Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề; chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở), Sở Xây dựng đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh phê duyệt Chương trình phát triển nhà của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tính đến nay, toàn tỉnh đã triển khai được 9 dự án, 52 công trình nhà ở cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ về nhà ở cho 13.298 hộ nghèo; phấn đấu trong năm 2018, hoàn thành việc hỗ trợ 9.821 hộ người có công với cách mạng về nhà ở.

Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, Sở xây dựng tiếp tục đề ra một số mục tiêu chủ yếu và giải pháp thực hiện đối với công tác xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý chất lượng công trình và nhà ở. Trong đó chú trọng: Hoàn thiện hệ thống quy hoạch quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật vùng tỉnh làm cơ sở để thu hút đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị thiết yếu; tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát quá trình đầu tư phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật; phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp… hướng tới mục tiêu phát triển đô thị, nâng cao chất lượng sống của dân cư, tạo diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, hiệu quả và bền vững.