Nạo vét lòng hồ Núi Cốc: Bước đầu đạt các mục tiêu đề ra

07:38, 13/06/2018

Hồ Núi Cốc là công trình thủy lợi trọng điểm Quốc gia. Trải qua hơn 3 thập kỷ sử dụng, một số khu vực ở hồ Núi Cốc bị bồi lấp nên UBND tỉnh đã chấp thuận việc nạo vét để khơi thông dòng chảy, tăng khả năng trữ nước, tận thu lượng vật liệu xây dựng sẵn có, vệ sinh môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch. Sau hơn 3 năm triển khai, Dự án Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm đã đem lại những kết quả bước đầu cho Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội…

Hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 25km2, dung lượng từ 20- 176 triệu m3 nước (tùy theo mùa). Hồ chứa được xây dựng nhằm mục đích chính là cung cấp nước tưới cho 12.000 ha đất nông nghiệp của hai tỉnh: Thái Nguyên và Bắc Giang. Ngoài ra, công trình này còn cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp mỗi năm khoảng 40-70 triệu m3, cắt giảm lũ cho hạ lưu sông Công…Tuy nhiên, sau hơn 30 năm khai thác, sử dụng, hồ Núi Cốc chưa thực hiện việc cải tạo, nạo vét lần nào nên nhiều khu vực bị bồi lấp do sa thạch, bùn rác từ thượng nguồn theo dòng chảy đổ về và bị ngăn lại khi gặp các đập chính, đập phụ. Theo tính toán của các chuyên gia thủy lợi, mỗi năm lòng hồ Núi Cốc bị bồi lắng trên 500.000 m3  chất hỗn hợp gồm bùn, đất, đá, cát, sỏi, rác tự nhiên và rác sinh hoạt nên nếu không được tiến hành nạo vét sau 20 năm nữa hồ Núi Cốc sẽ bị bồi lắng với số lượng hơn 20 triệu m3 và giảm căn bản khả năng trữ nước. Ngoài ra, việc dừng các hoạt động khai thác cát sỏi tự phát trong thời gian dài cũng gây lãnh phí hàng triệu mét khối vật liệu xây dựng. Việc lòng hồ Núi Cốc bị thu hẹp, giảm độ sâu bởi lượng hợp chất bồi lắng cũng ảnh hưởng nhiều đến việc nuôi trồng thủy sản và khai thác các dịch vụ du lịch sinh thái.

Do vậy, cuối năm 2014, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản và Khoáng sản Đại Việt thực hiện đầu tư Dự án Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm trên phạm vi 1.452 ha thuộc các xã: Tân Thái, Bình Thuận, Lục Ba, Vạn Thọ (huyện Đại Từ); khu vực tập kết và sơ chế thuộc xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên). Trong đó, nhà đầu tư phải đáp ứng các mục tiêu về nâng cao tuổi thọ và tăng dung tích chứa nước công trình hồ Núi Cốc; Cải thiện môi trường, môi sinh và chất lượng nước của công trình hồ Núi Cốc nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và du lịch; Tận thu cát, sỏi và một số sản phẩm khác trong quá trình nạo vét làm vật liệu xây dựng góp phần đảm bảo cung ứng kíp thời, ổn định về giá vật liệu xây dựng trên địa bàn và một số nhu cầu khác của xã hội; Ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây ảnh hưởng đến môi trường nước, việc vận hành và an toàn của công trình thủy lợi hồ Núi Cốc.

Sau hơn 3 năm triển khai Dự án, nhà đầu tư đã giải ngân trên 100/101 tỷ đồng để trang bị tàu cuốc, xà lan, dây chuyền phân loại sản, máy xúc, ô tô và xây dựng các công trình phục vụ sản xuất khác. Dự án đi vào hoạt động nạo vét thử nghiệm 06 tháng (từ tháng 9/2015 đến hết tháng 2/2016) với khối lượng nạo vét trong giai đoạn thử nghiệm đạt 189.900 m3. Hoạt động nạo vét chính thức từ tháng 3/2016 và đến hết tháng 4/2018 khối lượng nạo vét đạt 1.244.600 m3 (trung bình công suất nạo vét đạt 622.300 m3/năm). So với công suất thiết kế giai đoạn 1 do nhà đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì công suất thực tế đạt đạt 103%. Tổng khối lượng nạo vét nhà đầu tư đã thực hiện tính đến hết tháng 4/2018 là 1.434.500 m3  và diện tích nạo vét đã hoàn thành khoảng 83,6 ha.

Ông Trần Hoài Vũ, Giám đốc Chi nhánh tại Thái Nguyên - Công ty CP Đầu tư Bất động sản và Khoáng sản Đại Việt cho biết: Đơn vị sử dụng các công nghệ chuyên dùng để nạo vét sông hồ. Cụ thể là tàu cuốc và máy xúc, xà lan để đưa về khu vực tập kết, chế xuất, sàng tuyển vào mùa mưa; sử dụng máy xúc, ô tô vận chuyển hợp chất nạo vét phần trên thượng nguồn vào mùa cạn. Tại khu chế xuất, các sản phẩm nạo vét sẽ được chia tách thành sản phẩm hữu ích được nghiền, sàng phân loại, các sản phẩm không hữu ích sẽ được đưa về các bãi thải quy định. Đặc biệt là lượng lớn bùn thải sau khi được nhà đầu tư thu gom về bãi thải và phơi khô đã có nhiều tổ chức, cá nhân đến vận chuyển để phục vụ sản xuất nông nghiệp vì có độ phì nhiêu lớn, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Dự án Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu sản phẩm đi kèm hoạt động ổn định đã giải quyết việc làm ổn định cho 90 lao động (trong đó có 40% là lao động địa phương) với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/tháng/người. Qua 11 lần kiểm tra của các sở, ngành và chính quyền T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ cho thấy chủ đầu tư Dự án Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm đã thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật. Riêng về thuế, doanh nghiệp này đã kê khai đầy đủ các loại thuế, phí và đến nay đã đóng vào ngân sách Nhà nước hơn 11 tỷ đồng, không để tình trạng nợ thuế, phí.

Về cơ bản, Dự án Nạo vét lòng hồ Núi Cốc và tận thu các sản phẩm đi kèm đã bước đầu đáp ứng được các mục tiêu đề ra, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh, nhà đầu tư thu được lợi nhuận, người dân địa phương có việc làm, thu nhập ổn định, cải thiện môi trường phục vụ phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản, ngăn chặt hiệu quả tình trạng khai thác tài nguyên tự phát, trái phép. Tuy nhiên, đây là công trình thủy lợi trọng điểm và có tác động đến nhiều lĩnh vực của địa phương nên đề nghị các ngành năng của tỉnh, chính quyền T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, giúp đỡ nhà đầu tư thực hiện Dự án đúng theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn công trình.