Bố trí tái định cư: Cách làm của nhà đầu tư Sông Đà

14:31, 28/08/2018

Đã từ lâu, quỹ đất tái định cư (TĐT) của T.P Thái Nguyên dành cho các dự án nội đô gần như cạn kiệt, nên không ít nhà đầu tư gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, đã có doanh nghiệp dám hy sinh lợi ích trước mắt, thực hiện TĐC tại chỗ, vừa đảm bảo tiến độ đề ra vừa không làm thay đổi quy mô dự án. Đó là trường hợp của Công ty CP Sông Đà 2 - chủ đầu tư Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng.

Năm 2009, sau khi tiếp quản Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng từ một nhà đầu tư nước ngoài, Công ty CP Sông Đà 2 đã tiến hành các bước thay đổi quy hoạch phù hợp với thực tế trên cơ sở tăng không gian sinh hoạt chung, tạo môi trường sinh thái trong khu đô thị. Giai đoạn 1 triển khai khá trơn tru, công tác GPMB thuận lợi do quỹ đất TĐC của T.P Thái Nguyên còn dồi dào. Bởi vậy, chỉ trong mấy năm Khu đô thị hồ Xương Rồng đã hiện hữu giữa lòng T.P Thái Nguyên như một mô hình mẫu về đầu tư không gian đô thị. Tuy nhiên, khi bước vào triển khai giai đoạn 2, khó khăn lớn nhất mà Dự án gặp phải chính là công tác GPMB. Lúc này, quỹ đất TĐC dành cho dự án đã được thành phố linh hoạt bố trí cho các công trình cấp bách hơn, nên nhà đầu tư buộc phải chịu chung những khó khăn cùng địa phương.

Theo giới chuyên môn, ở vào hoàn cảnh này, nhiều nhà đầu tư sẽ xoay trở đủ cách để dự án vẫn triển khai mà doanh nghiệp không bị thiệt. Thường thì khi quá thời gian mà mặt bằng chưa được giải phóng, chủ đầu tư sẽ tiến hành khoanh vùng vị trí vướng mắc, báo cáo cấp thẩm quyền cho phép điều chỉnh lại quy hoạch, mở rộng và nắn dự án sang khu vực khác thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu dự án khu dân cư nào cũng điều chỉnh quy hoạch như trên mỗi khi gặp khó về mặt bằng thì bộ mặt đô thị chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng mất mỹ quan.

Với trường hợp cụ thể tại Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng lại khác. Đây là dự án Nhà nước thu hồi đất nên trách nhiệm của chính quyền địa phương là GPMB và bố trí TĐC. Trong bối cảnh khó khăn, UBND thành phố đã đề nghị Công ty CP Sông Đà 2 san sẻ với địa phương, tự lo TĐC. Trước thực tế này, Công ty đã linh hoạt chuyển một phần diện tích đất thương mại để làm TĐC với giá thấp hơn nhiều giá thị trường. Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Trí Vĩnh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng cho biết, đơn vị tự cân đối và chấp nhận giảm hiệu quả nhưng không làm thay đổi phương án tài chính đã được duyệt và tiến độ đề ra. Tất nhiên, lợi nhuận sẽ giảm nhưng không ảnh hưởng đến năng lực tài chính để triển khai dự án cũng như phải điều chỉnh quy hoạch theo chiều hướng xấu.

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị hồ Xương Rồng đã bố trí TĐC tại chỗ khoảng 300 lô đất xây dựng, trong đó gần 200 lô đã bàn giao cho các hộ bị ảnh hưởng để ổn định cuộc sống. Hiện tại, vẫn còn thiếu trên 50 lô đất phục vụ nhu cầu TĐC để GPMB phục vụ phần còn lại của dự án. Trước thực tế quỹ đất còn thiếu, Ban Quản lý đã nghiên cứu quy hoạch và linh hoạt các phương án nhằm điều chỉnh cục bộ vừa đảm bảo không làm vỡ quy hoạch tổng thể, vừa đáp ứng yêu cầu TĐC tại chỗ cho người dân. Ông Ngô Trí Vĩnh cho hay, đơn vị đang trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ khu đất thương mại xây dựng Khách sạn 4 sao chuyển thành khu đất ở TĐC và điều chỉnh giá đất giao TĐC để bàn giao cho những hộ trong diện bị thu hồi đất của Dự án.

Mặc dù đã nỗ lực, linh hoạt và chịu thiệt thòi trong công tác GPMB, song hiện tại nhà đầu tư vẫn gặp một số trở ngại. Theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án, các hộ dân trong diện GPMB tại Khu đô thị hồ Xương Rồng đều yêu cầu phải TĐC tại chỗ nên rất mong UBND tỉnh sớm xem xét phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch để bố trí quỹ đất dành cho các hộ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, do tiến độ GPMB bị chậm nên chủ đầu tư cũng đề nghị được gia hạn tiến độ hoàn thành dự án đến năm 2020. Hiện còn một số hộ đang có tranh chấp đất đai, hiện trạng sử dụng đất không khớp với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một số hộ đã nhận TĐC nhưng chậm bàn giao mặt bằng, số khác chưa đồng ý bàn giao mặt bằng vì muốn nhận thêm diện tích TĐC ngoài tiêu chuẩn theo quy định… nên cũng đề nghị chính quyền T.P Thái Nguyên quan tâm phối hợp giải quyết dứt điểm.

Khu đô thị hồ Xương Rồng đang thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đến đầu tư xây dựng. Sơ bộ có trên 700 lô đất các loại đã có chủ, trong đó có khoảng 200 lô đất đã được xây dựng nhà để ở, văn phòng, nhà thương mại… Với cách làm linh hoạt, nhưng hợp lý, đúng quy định của Công ty CP Sông Đà 2 đã không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp tục triển khai dự án mà còn chia sẻ những khó khăn với chính quyền địa phương.