Còn nhiều khó khăn trong việc xây dựng nhà ở xã hội

07:57, 29/08/2018

Từ việc mạnh dạn đầu tư xây dựng Dự án Nhà ở xã hội, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG đang mang đến cơ hội cho những người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh có được chỗ ở ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Công ty đang gặp không ít khó khăn.

Năm 2015, Công ty được UBND tỉnh chấp thuận việc nghiên cứu, khảo sát và lập dự án đầu tư xây dựng 5 tòa nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 1.000 gia đình. Anh Nguyễn Cảnh Hùng, Trưởng ban Quản lý Dự án Nhà ở xã hội của Công ty cho biết: Đến nay, sau khoảng 1 năm thi công, tòa nhà đầu tiên gồm 17 tầng nổi và 1 tầng hầm ở phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) đã bước vào giai đoạn hoàn thiện, hứa hẹn sẽ cung cấp cho những người có nhu cầu khoảng 230 căn hộ (với diện tích các loại phòng 35m2, 50m2 và 70m2).

Có thể thấy, việc xây dựng nhà ở xã hội của Công ty là phù hợp với xu hướng hiện nay ở Thái Nguyên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp này đang gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty thì một trong những trở ngại trong quá trình thực hiện Dự án xây dựng nhà ở xã hội của doanh nghiệp là công bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo quy định, Dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất nhưng thực tế, chủ đầu tư vẫn phải thỏa thuận với người dân. Qua nhiều lần đối thoại, khi chủ đầu tư hỗ trợ ngoài chính sách quy định của Nhà nước, lúc đó mới có thể hoàn thành việc giải phóng mặt bằng dẫn tới tốn kém về thời gian và kinh phí.

Thêm vào đó, Nhà nước có cơ chế cho các doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi của từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam. Mức cho vay tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của dự án, thời gian cho vay tối thiểu là 5 năm, lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội là 4,8%/năm. Tương tự, người mua cũng được hưởng chính sách hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, mức cho vay tối đa bằng 80% giá trị của hợp đồng, thời hạn vay tối thiểu 15 năm và lãi suất cho vay cũng la 4,8%/năm. Quy định là vậy nhưng đến nay, cả chủ đầu tư và người mua trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Theo đó, các ngân hàng thương mại trong tỉnh cũng chưa triển khai chương trình cấp bù lãi suất theo Quyết định số 18, ngày 2-4-2018 của Thủ tướng Chính Phủ. Vì vậy, để huy động vốn thực hiện Dự án Nhà ở xã hội, doanh nghiệp phải vay vốn Ngân hàng thương mại (không được phép cho vay dự án nhà ở xã hội) nên lãi suất rất cao, lên tới 12%/năm, dẫn tới mất tính hấp dẫn và động lực cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Còn người lao động mất đi cơ hội mua nhà giá rẻ.

Một khó khăn nữa là theo quy định, có 10 nhóm đối tượng đủ điều kiện thuê hoặc mua nhà ở xã hội. Đơn cử như người có công với cách mạng; gia đình nghèo, cận nghèo ở nông thôn; hộ ở nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo ở thành thị; học sinh, sinh viên… Tuy nhiên, tại một số địa phương, những người này không có nhu cầu và cũng không có khả năng tiếp cận nhà ở xã hội. Thậm chí, để khuyến khích người lao động trong Công ty mua được nhà ở xã hội nằm trong Dự án đang triển khai, doanh nghiệp đã xây dựng chính sách ưu đãi đến 30% giá trị căn hộ nhưng đến nay mới có khoảng 10 người nằm trong đối tượng được ưu tiên đăng ký mua. Ông Thời cho rằng, điều đó dẫn đến bất cập là đối tượng chính nhà ở xã hội muốn hướng đến lại không được thụ hưởng do họ không có nhu cầu hoặc không có tiền mua. Còn chủ đầu tư xây nhà xong không bán được vì không có người mua. Trong khi những đối tượng khác (nằm ngoài các đối tượng ưu tiên) có nhu cầu thực sự, có khả năng mua, lại không mua được gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Theo chính sách của Nhà nước, các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ hạ tầng dự án. Trên thực tế, Công ty lại không được hưởng các ưu đãi này do ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn hỗ trợ. Vì thế, dự án nhà ở xã hội của Công ty chỉ được ưu đãi miễn tiền sử dụng đất. Nhưng trong quá trình thực hiện cũng phát sinh những vướng mắc không thể giải quyết được. Cụ thể, tại điều 13 của Nghị định số 123/2017/NĐ-CP quy định trình tự thủ tục miễn tiền thuê đất cho dự án nhà ở xã hội yêu cầu danh sách người lao động của doanh nghiệp được bố trí nhà ở có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật nhà ở; cam kết của doanh nghiệp về giá thuê không  vượt quá giá thuê do UBND tỉnh ban hành… Tuy nhiên, vì không có nhu cầu, hoặc không có điều kiện nên rất nhiều lao động trong Công ty không mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, khi dự án chưa được phân phối hết đồng nghĩa với việc hồ sơ chưa đầy đủ, cơ quan thuế trả lại hồ sơ, doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để miễn tiền sử dụng đất. Điều này đồng nghĩa với việc chủ đầu tư không được cấp “bìa đỏ” do chưa hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Trước những khó khăn vừa nêu trên, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành chức năng trong công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân nguồn vốn ưu đãi… Đặc biệt, doanh nghiệp kiến nghị Quốc hội xem xét, mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội cũng như có những quy định phù hợp với thực tế ở địa phương trong việc hỗ trợ miễn giảm tiền sử dụng đất…