Kiềm chế nợ công - Kinh nghiệm của Đại Từ

17:32, 15/08/2018

Bước vào nhiệm kỳ 2015-2020, nợ công của huyện Đại Từ lên tới 129 tỷ đồng. Đây là một thách thức không nhỏ đối với địa phương, nhất là khi trong giai đoạn mới, huyện còn phải thực hiện nhiều chương trình, dự án phục vụ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm nỗ lực, đến nay, nợ công trên địa bàn huyện đang ở con số rất thấp. Kết quả này đã vượt qua cả sự mong đợi của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Đại Từ: Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện là các nguồn vốn thuộc ngân sách tỉnh hỗ trợ về cho huyện, giao dự toán còn chậm đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình giải ngân. Thêm vào đó, công tác hoàn thiện các thủ tục đầu tư cho các công trình khởi công mới đã được giao vốn còn chậm dẫn đến tỷ lệ giải ngân hằng năm chưa cao.

Một trong những nguyên nhân nữa là thời gian qua, UBND tỉnh thay đổi chủ trương phân bổ nguồn vốn nhiều lần nên ảnh hưởng đến quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB). Đặc biệt là nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Hơn nữa, các chủ đầu tư, UBND một số xã còn thiếu tính chủ động trong triển khai thực hiện các dự án. Một số chủ đầu tư ở cơ sở năng lực còn yếu dẫn đến tiến độ triển khai thi công và quyết toán các công trình XDCB hoàn thành chậm, đặc biệt là các công trình đường bê tông.

Tuy nhiên, những khó khăn nêu trên đã không làm “khó” được các cấp, ngành chức năng của huyện. Minh chứng sống động nhất là kết quả đã đạt được của năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Theo thông tin từ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, tổng khối lượng thực hiện các chương trình, dự án có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện năm 2017 là hơn 200 tỷ đồng. Địa phương đã thực hiện bố trí xử lý nợ đọng và các công trình chuyển tiếp là trên 156 tỷ đồng, đã giảm số nợ đọng so với năm 2016 là trên 62 tỷ đồng, tất toán được 256 công trình. Theo đó, năm 2018, tổng số vốn phân bổ theo kế hoạch là hơn 207 tỷ đồng, trong đó, huyện đã có kế hoạch dành gần 86 tỷ đồng trả nợ, số còn lại để dành cho xây mới các công trình. Với số tiền trả nợ như trên, dự kiến, năm nay, nợ công của huyện chỉ còn lại số tiền là trên 5 tỷ đồng. Đây là một kết quả không phải địa phương nào cũng làm được.

Một kết quả đáng ghi nhận nữa là các công trình có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện được triển khai theo đúng trình tự thủ tục về đầu tư XDCB hiện hành; chất lượng tốt, không có công trình nào bị sự cố xảy ra trong quá trình thi công hoặc đầu tư sai mục đích. Khi đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả. Đáng chú ý là đa số các công trình xây dựng xong đều đã được thanh quyết toán theo quy định.

Ông Phạm Duy Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho hay: Đạt được kết quả này là do địa phương đã có nhiều giải pháp để khắc phục mọi khó khăn. Trong đó, chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn, các chủ đầu tư tập trung tăng cường công tác quản lý, rà soát, cân đối nguồn vốn nhằm giảm thiểu nợ đọng xây dựng cơ bản, triển khai các nguồn vốn đảm bảo kế hoạch đề ra. Cùng với đó là thực hiện lồng ghép và sử dụng hợp lý các nguồn vốn để triển khai các mục tiêu đầu tư tập trung, tránh dàn trải. Nguồn vốn ngân sách của tỉnh, huyện theo từng mục tiêu được tập trung trả nợ các dự án quyết toán, hoàn thành và bố trí cho các dự án chuyển tiếp. Đặc biệt, chỉ đạo hợp lý việc hỗ trợ xi măng cho xây dựng đường giao thông nông thôn theo hướng thống nhất toàn huyện cùng một cơ chế hỗ trợ đối với tất cả các nguồn vốn.

Để thực hiện tốt hơn nữa việc đầu tư công, thời gian tới, huyện tiếp tục chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về quản lý vốn đầu tư, phân bổ các nguồn vốn đảm bảo theo đúng nội dung mục tiêu, chương trình. Nhất là việc chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư công, chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách Nhà nước, xử lý nợ đọng. Làm tốt công tác quản lý, rà soát, theo dõi, báo cáo tiến độ thi công và quyết toán các công trình XDCB. Tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp đột phá về đầu tư để thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội huyện như cân đối vốn để thực hiện công tác quy hoạch, đối ứng các dự án để thực hiện thu hút các nguồn vốn đầu tư vào huyện; tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách để thực hiện đầu tư và trả nợ các công trình thuộc nguồn vốn ngân sách huyện và đối ứng các công trình, chương trình, đề án của tỉnh... Bên cạnh đó, huyện sẽ quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn (công tác quản lý dự án, đấu thầu, giám sát) cho các cán bộ quản lý dự án từ cấp huyện đến cấp xã. Đồng thời, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, phân bổ, điều tiết nguồn vốn hỗ trợ xi măng năm 2018...