Sớm hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tại chợ Ba Hàng

07:49, 29/08/2018

Trước thực trạng khu kinh doanh dịch vụ ăn, uống (diện tích khoảng 400m2) tại chợ Ba Hàng, phường Ba Hàng (T.X Phổ Yên) xuống cấp, không đảm bảo điều kiện kinh doanh cho các tiểu thương, Công ty Trung Tín (đơn vị quản lý chợ) đã tiến hành sửa chữa, nâng cấp. Tuy nhiên, thời gian sửa chữa kéo dài đã khiến hoạt động kinh doanh, buôn bán của các tiểu thương gặp nhiều khó khăn.

Thực tế tại khu kinh doanh ăn, uống của chợ Ba Hàng những ngày này chúng tôi thấy, nhiều tấm bạt lớn, nhỏ được người dân căng lên, ảnh hưởng bởi mưa, nắng đã rách nát, sập xệ trông rất mất mỹ quan. Ngoài ra, nhiều ống dẫn nước, dây điện giăng mắc khắp nơi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Lý giải về việc làm này, người dân cho rằng tuy đã được bắn mái phần đình chợ nhưng vì nắng thì nóng, mưa thì dột ướt nên người kinh doanh buộc phải căng bạt để có thể buôn bán qua ngày.

Được biết năm 2007, Công ty CP Trung Tín (gọi tắt là Công Ty Trung Tín) được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận đầu tư xây dựng chợ Ba Hàng (chợ loại I) với tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồng. Nằm ở vị trí trung tâm của T.X Phổ Yên, có lợi thế về giao thông lại gần các khu, cụm công nghiệp tập trung, đến nay, chợ Ba Hàng thu hút hơn 400 tiểu thương kinh doanh, buôn bán các mặt hàng phục vụ người dân. Riêng khu hàng ăn, hàng giải khát có hơn 40 tiểu thương thường xuyên kinh doanh, buôn bán. Trước khi tiến hành cải tạo các gian hàng này, Công ty Trung Tín có gửi thông báo để người dân thực hiện việc chuyển tài sản, công cụ, hàng hóa và cam kết sẽ hoàn thành việc sửa chữa trong vòng 40 ngày (bắt đầu từ ngày 4-4-2018). Để người dân tiếp tục hoạt động kinh doanh, Công ty đã bố trí cho người dân một khu kinh doanh tạm thời với diện tích khoảng 300m2. Tuy nhiên, khu này chật hẹp, điều kiện kinh doanh không đảm bảo nên nhiều tiểu thương đã chấp nhận tạm dừng việc buôn bán để đợi nâng cấp xong. Song chờ đợi đến nay đã gần 5 tháng mà việc nâng cấp vẫn chưa hoàn thiện, khiến việc kinh doanh của người dân gặp nhiều khó khăn. Nếu hộ nào tiếp tục kinh doanh phải tự mắc nối điện, dẫn nước từ công tơ tổng cách gian hàng của mình hàng chục mét. Bà Nguyễn Thị Nga, chủ một quán bán đồ ăn sáng cho biết: Dù chưa được hoàn thiện nhưng vì hết thời gian thuê lều bạt bên ngoài nên tôi đã dọn về nơi đang cải tạo để tiếp tục bán hàng cho khách. Hằng ngày, tôi phải dòng dây điện, xách nước cách gian hàng của mình 20-50m để sơ chế, nấu ăn và rửa bát, dẫn đến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn nguy mất an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như cháy, chập điện.

Ngoài những khó khăn nêu trên thì điều khiến nhiều hộ kinh doanh bức xúc đó là giá thuê mặt bằng được Công ty đẩy lên cao hơn nhiều so với trước kia. Theo anh Đinh Quang Khanh, tiểu thương kinh doanh quán ăn, trước kia với diện tích 16m2 anh nộp phí 21,7 triệu đồng/năm, tuy nhiên hiện nay với diện tích tương tự anh được gửi thông báo nộp số tiền gần 40 triệu đồng. Cho rằng, do được cải tạo, nâng cấp nên mức phí có thể tăng lên nhưng không thể cao hơn nhiều như vậy. Cùng với đó, người dân cũng phản ánh về việc họ không được thông báo rộng rãi mức phí thuê mặt bằng mới, đơn vị quản lý chỉ gửi thông báo mời từng hộ lên trụ sở, sau đó thỏa thuận mức thu, nộp phí ở từng vị trí ki - ốt khác nhau.

Trước những bất cập đó, trong số hơn 40 tiểu thương kinh doanh tại khu dịch vụ ăn uống vì không thể tiếp tục kinh doanh nên đến nay hơn 10 tiểu thương đã nghỉ bán hàng. Chị Đỗ Minh Hà, chủ một quán cơm tại chợ Ba Hàng thông tin: Hết thời gian thuê lều bạt và hết 40 ngày chủ đầu tư cam kết hoàn thành việc sửa chữa nhưng chợ vẫn chưa xong nên tôi buộc phải nghỉ bán hàng hơn 1 tháng nay. Điều đáng nói là khi ra khu chợ tạm, để tiếp tục kinh doanh, chúng tôi phải thuê lều bạt của Công ty với giá 1,5 triệu đồng/tháng mà không nhận được bất cứ hỗ trợ nào từ phía Công ty và chấp nhận kinh doanh trong điều kiện không đảm bảo. Trong khi đó, tôi đã đóng phí thuê mặt bằng trong năm 2018 là gần 22 triệu đồng mà việc kinh doanh liên tục bị gián đoạn, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập. Dù việc cải tạo chưa xong và hợp đồng thuê mặt bằng cũ của nhiều hộ dân vẫn còn thời hạn nhưng Công ty Trung Tín lại liên tục gửi thông báo, yêu cầu người dân đến trụ sở nộp phí thuê mặt bằng mới. Nhận thấy không hợp lý, đến nay hầu hết người dân chưa nộp tiền và mong muốn Công ty tổ chức một cuộc họp tập trung nhằm giải đáp những vướng mắc của các hộ dân. Còn phía Công ty cho rằng, do người kinh doanh chưa thực hiện nộp tiền nên việc bắn mái vòm, lắp điện, nước chưa thể hoàn thiện. Vì những lý do đó, đến nay khu vực kinh doanh ăn, uống tại chợ Ba Hàng vẫn trong tình trạng dang dở, người dân phải chịu cảnh kinh doanh trong tình trạng thiếu thốn, chật hẹp, dẫn đến buôn bán ế ẩm.

Để tìm hiểu rõ hơn về những vấn đề người dân phản ánh, chúng tôi đã liên hệ nhiều lần với đại diện Công ty Trung Tín nhưng không nhận được phản hồi. Trước thực trạng này, thiết nghĩ Công ty Trung Tín cần khẩn trương hoàn thiện các hạng mục của việc cải tạo, sửa chữa để người dân sớm được kinh doanh trong điều kiện đảm bảo. Đồng thời, phía Công ty cũng cần có những câu trả lời thỏa đáng và điều chỉnh mức giá phù hợp để các tiểu thương tiếp tục việc kinh doanh, tránh tình trạng mất mỹ quan như hiện nay.