Tự hào Thành phố Anh hùng

11:01, 01/09/2018

Những người con của Thành phố Thép không thể không tự hào khi nhìn lại chặng đường 56 năm xây dựng và phát triển (19/10/1962-19/10/2018). Từ một thị xã nghèo nàn, lạc hậu đến nay T.P Thái Nguyên đã phát triển toàn diện theo hướng đô thị hiện đại, xứng tầm với vai trò, vị trí của một đô thị trung tâm vùng Việt Bắc.

Đã bước sang tuổi 81, nhưng bà Nguyễn Thị Như Hải (ở tổ 7, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên còn rất minh mẫn. Từng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thái Nguyên, được chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, sự đổi thay của Thành phố, bà không thể nào quên những thời khắc đáng nhớ bà trong cuộc đời mình. Và điều khắc sâu trong tâm khảm của bà nhất là sự ám ảnh của nạn đói năm 1945. Bà kể, thời đó người ăn xin từ các tỉnh miền xuôi đổ về thị xã Thái Nguyên rất đông, cảnh người ăn xin chết mỗi sáng nằm la liệt, nhiều đến nỗi sáng ra lính Tây phải đưa xe bò đi dọc đường để gom các xác chết rồi mang xuống hố chôn tập thể. Bởi vậy, với bà Hải, sống trong hòa bình không bị bóc lột, áp bức là điều hạnh phúc nhất.

Còn đối với chúng tôi, thế hệ 7X, tuy không được chứng kiến ngày thị xã Thái Nguyên chưa được giải phóng, cũng như ngày thành lập Thành phố nhưng mỗi lần cầm cuốn Lịch sử Đảng bộ T.P Thái Nguyên đọc lại thấy rưng rưng niềm tự hào, xúc động. Năm 1962, T.P Thái Nguyên chính thức được thành lập, lúc đó chỉ có 4 khu phố: Hoàng Văn Thụ, Trưng Vương, Phan Đình Phùng, Quan Triều. 2 thị trấn: Núi Voi, Trại Cau. 6 xã: Đồng Quang, Gia Sàng, Cam Giá, Quang Vinh, Đồng Bẩm, Túc Duyên. Với tổng diện tích vài chục cây số vuông, dân số 6 vạn người. Kinh tế hết sức khó khăn, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chỉ đạt khoảng 2 triệu đồng. Thời kỳ giặc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, cả Thành phố phải oằn mình chống chịu bom đạn. Chỉ trong khoảng thời gian 12 ngày đêm (từ 18 đến 29-12-1972), Thành phố đã phải “nghênh đón” 1.716 lượt máy bay, trong đó có 42 lần chiếc B52, với 115 trận đánh, gần 3.000 quả bom và đạn tên lửa dội xuống mảnh đất Thành phố.

Dù mất mát, đau thương do bom đạn hủy diệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân các dân tộc T.P Thái Nguyên vẫn tích cực đóng góp sức người, sức của cùng với nhân dân trong tỉnh và cả nước làm lên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và đại thắng mùa Xuân năm 1975. Ghi nhận thành tích đó, T.P Thái Nguyên vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Sau 56 năm là một chặng đường dài phát triển, trải qua nhiều thăng trầm và biến cố của lịch sử, từ một thị xã nhỏ bé, nay T.P Thái Nguyên đã trở thành một thành phố phát triển năng động,  hiện đại, đạt được nhiều thành tựu đổi mới quan trọng. GDP liên tục thay đổi qua từng năm; thu nhập bình quân đạt khoảng 80 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách trên địa bàn năm 2017 đạt gần 2.800 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Hiện nay T.P Thái Nguyên không những là đô thị loại I (trực thuộc tỉnh), mà còn là trung tâm giáo dục, đào tạo lớn thứ 3 của cả nước; nơi tập trung nhiều cơ sở y tế khám chữa bệch chất lượng cao.

 Trong lần gặp gỡ giữa lãnh đạo T.P Thái Nguyên với các cơ quan báo chí nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6) mới đây, đồng chí Lê Quang Tiến, Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên vui mừng chia sẻ với chúng tôi:Trên địa bàn Thành phố ngày càng nhiều nhà đầu tư có uy tín đến đầu tư, kinh doanh tại địa bàn. Có thể kể đến: Dự án đầu tư xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bờ sông Cầu, do Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc - CIENCO 8 thực hiện, với tổng mức đầu tư trên 18.000 tỷ đồng; Dự án xây dựng Nghĩa trang An Lạc Viên, với tổng mức đầu tư trên 430 tỷ đồng (giai đoạn I), do Tập đoàn INDEVCO thực hiện; Tập đoàn VINGROUP đầu tư Tổ hợp trung tâm thương mại Vincom Plaza… Chỉ tính riêng trong 2 năm 2016 và 2017, Thành phố đã thu hút gần 40.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng đô thị, trong đó nguồn vốn Nhà nước ngoài ngân sách thu hút khoảng 9.500 tỷ đồng, vốn của các nhà đầu tư gần 28.000 tỷ đồng. Ngoài ra Thành phố còn thu hút trên 10.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn ODA của Vương quốc Bỉ, Cộng hòa Pháp, Ngân hàng thế giới để đầu tư vào các công trình, dự án từ đó tạo bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng hiện đại, đồng bộ.

Để đáp ứng, phù hợp với sự phát triển chung, ngày 20/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 2486/QĐ-TTg Về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung T.P Thái Nguyên đến năm 2035. Theo đó, Thành phố được định hướng phát triển về phía hai bên bờ sông Cầu, theo mô hình đô thị sinh thái, đa trung tâm gắn với việc hình thành các khu chức năng. Với mục tiêu xây dựng T.P Thái Nguyên thành trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực của Quốc gia; trung tâm kinh tế - dịch vụ- du lịch, trung tâm y tế chăm sóc sức khỏe chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học của vùng Trung du miền núi phía Bắc. Theo điều chỉnh quy hoạch chung và điều chỉnh địa giới hành chính hiện nay T.P Thái Nguyên có 32 đơn vị hành chính cấp xã, phường; với diện tích đất tư nhiên là 222,93 km2. Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc điều chỉnh quy hoạch chung T.P Thái Nguyên và địa giới hành chính tiếp tục là cơ hội để T.P Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững những năm tiếp theo, đặc biệt là phát triển đô thị, kinh tế đô thị.

Thành phố thép gang, thành phố Anh hùng vươn lên trong gian khó,với sự vun đắp của bao thế hệ, bằng tinh thần phát huy nội lực và tận dụng thời cơ thiên thời,địa lợi. T.P Thái Nguyên không chỉ đẹp, hiện đại hôm nay mà còn phát triển nhanh và bền vững cả mai sau, xứng danh là trung tâm vùng trung du miền núi Bắc bộ, là thành phố vệ tinh của Thủ đô Hà Nội.