Trước năm 2015, nhắc đến Phú Bình trong tiềm thức của mọi người đều nghĩ ngay đến một huyện thuần nông, thì 5 năm trở lại đây Phú Bình được biết đến là địa phương đã phát huy lợi thế, tranh thủ đón đầu làn sóng đầu tư qua đó chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Thực hiện đồng bộ 3 khâu đột phá
Ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình chia sẻ: Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXVI, UBND huyện đã thực hiện đồng bộ 3 khâu đột phá đó là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư và cải cách hành chính. Trong phát triển kết cấu hạ tầng, huyện tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2016-2020, huyện đã đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 455km đường giao thông, trong đó có các tuyến huyết mạch như đường ĐT 269B, ĐT 269C; tích cực giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn tuyến đi trùng Đại lộ Đông Tây, khu Tổ hợp Yên Bình và cầu vượt sông Cầu với tổng mức đầu tư trên 966 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ, trong đó đi qua địa bàn huyện 5,5km. Đến nay, 100% tuyến đường tỉnh, huyện, xã trên địa bàn đều được nhựa hóa, bê tông; 80% trục đường xóm, liên xóm được cứng hóa. Công tác quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp, đô thị được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình quy định. Ngoài 2 khu công nghiệp Điềm Thụy, Yên Bình, huyện đã xây dựng 4 cụm công nghiệp: Kha Sơn, Điềm Thụy, Bảo Lý - Xuân Phương và Bàn Đạt. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đến huyện nghiên cứu và triển khai dự án, UBND huyện đã thực hiện minh bạch cung cấp thông tin, quy hoạch tổng thể, cùng với doanh nghiệp khảo sát thực địa địa điểm tiềm năng thực hiện dự án. Đồng thời tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư. Đặc biệt, huyện đã tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Trong giai đoạn 2015-2020, huyện đã phối hợp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp giải phóng mặt bằng gần 100ha, với số tiền bồi thường hỗ trợ tái định cư trên 330 tỷ đồng để thu hút các dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp, đáp ứng kịp thời mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư triển khai dự án đảm bảo tiến độ, yêu cầu theo cam kết.
Kinh tế có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện
Tranh thủ cơ hội, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đón đầu làn sóng đầu tư, kết quả thu hút đầu tư phát triển công nghiệp trong giai đoạn 2015-2020 của huyện Phú Bình có nhiều khởi sắc. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kibaco chia sẻ: Ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp của chúng tôi là thu mua, chế biến nông sản, thực phẩm xuất khẩu. Công ty đã có nhà máy chế biến nông sản tại tỉnh Bắc Ninh. Những năm trước, thông qua việc thu mua các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Bình, khi thực tế tại địa phương chúng tôi nhận thấy địa bàn huyện có lợi thế xây dựng vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là giao thông đi lại thuận lợi, các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư, cải cách hành chính được huyện thực hiện khá tốt. Với những lý do đó, Công ty quyết định đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất sang tỉnh Thái Nguyên. Hiện Công ty đã xây dựng 1 xưởng sản xuất tại nông sản tại thị trấn Hương Sơn. Công ty đang tích cực phối hợp cùng UBND huyện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Điềm Thụy với diện tích 170ha. Sau khi giải phóng mặt bằng cơ bản, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến rau, củ, quả xuất khẩu với diện tích trên 10ha.
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền, 5 năm qua, huyện Phú Bình đã thu hút được 51 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Khu công nghiệp Điềm Thụy và các cụm công nghiệp. Số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tăng mạnh so với nhiệm kỳ trước. Đến nay, trên địa bàn huyện có 172 doanh nghiệp, hợp tác xã; trên 8.500 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông nghiệp thu hút trên 20 nghìn lao động. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, hiện có gần 3.000 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, 10 làng nghề, 1 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (tăng 77 doanh nghiệp, 1.528 cơ sở sản xuất kinh doanh, 866 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp so với năm 2015). Hiệu quả của thu hút đầu tư đã góp phần tích cực vào tốc độ phát triển, chuyển dịch cơ cấu của huyện Phú Bình. Kinh tế của huyện có bước tăng trưởng mạnh mẽ và toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng đạt 20.474 tỷ đồng, tăng bình quân 46%/năm, vượt 26% so với mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Đến nay, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm 50,7% (Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 tăng 7,3 lần so với năm 2015), ngành dịch vụ chiếm 30,5%, ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản giảm còn 18,8%.
Công ty TNHH Kibaco đầu tư Xưởng chế biến nông sản xuất khẩu tại thị trấn Hương Sơn. Trong ảnh: Cán bộ Công ty kiểm tra sản phẩm nghệ sấy khô.
Phú Bình hôm nay đã có nhiều đổi mới, từ một huyện thuần nông với 2 vùng kinh tế rõ rệt đó là các xã vùng tứ tân: Tân Khánh, Tân Kim, Tân Hòa, Tân Thành phát triển kinh tế đồi rừng gắn với chăn nuôi gia súc, gia cầm; các xã ven sông máng như: Thanh Ninh, Lương Phú, Dương Thành, Kha Sơn… phát triển cây rau màu thì 5 năm trở lại đây, huyện hình thành khu, cụm công nghiệp tại các xã bên sông Cầu: Điềm Thụy, Nga My, Hà Châu, Thượng Đình…
Ông Hoàng Thanh Giao, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình chia sẻ thêm: Những kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng thời gian qua là tiền đề quan trọng để Phú Bình tiếp tục mời gọi đầu tư vào những lĩnh vực, dự án mà huyện đang quan tâm và có nhiều lợi thế. Chúng tôi cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, đặc biệt về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vì sự phát triển chung của huyện.