Tỉnh ta có diện tích tự nhiên 3.526,64km2, dân số gần 1,3 triệu người. Trên địa bàn tỉnh hiện có 12 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV, 8 đô thị loại V. Có 3 đô thị cấp tỉnh là T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên; 9 đô thị cấp huyện gồm 5 thị trấn huyện lỵ và 4 thị trấn khác thuộc huyện. Việc quy hoạch phát triển các đô thị xứng tầm là vấn đề quan trọng đặt ra đối với tỉnh hiện nay.
Thời gian qua, tỉnh ta đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển các đô thị. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 36%; diện tích sàn nhà ở tại các đô thị bình quân đạt khoảng 28m2/người; tỷ lệ nhà kiên cố đạt 85%; tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị loại I đạt 16%, đô thị từ loại III đến loại IV đạt 11%... Các đô thị của tỉnh đã đảm nhiệm được vai trò là hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng với các đặc trưng rõ rệt.
Điều đáng mừng là trong khâu quy quy hoạch, các đô thị đều được phát triển mở rộng không gian theo hướng đa trung tâm, mở rộng không gian khu vực nội thị. Cụ thể, trong giai đoạn 2010-2020, T.P Thái Nguyên đã được phát triển mở rộng thêm 5.243,8ha (phía Bắc được sáp nhập thêm xã Sơn Cẩm; phía Đông là thị trấn Chùa Hang, xã Linh Sơn, xã Huống Thượng và xã Đồng Liên). T.P Sông Công được phát triển mở rộng thêm xã Lương Sơn (trước đây thuộc T.P Thái Nguyên). Tại T.X Phổ Yên, khu vực nội thị đang được phát triển mở rộng về các hướng, trong đó tập trung mạnh về phía Đông, thuộc đô thị công nghiệp, dịch vụ Yên Bình. Đối với cấp huyện, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) và thị trấn Đu (Phú Lương) đều được thực hiện điều chỉnh không gian đô thị sang các xã lân cận, từng bước phát triển nâng loại đô thị, đáp ứng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa bàn.
Song song với việc phát triển mở rộng về không gian đô thị, việc chuyển đổi hành chính, dân số và phúc lợi đô thị cũng được tỉnh quan tâm thực hiện, cơ bản đảm bảo theo các yêu cầu, quy định. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị từng bước được đầu tư hoàn thiện, đồng bộ theo các tiêu chí của từng đô thị, giữa các khu vực trong đô thị cả hiện hữu cũng như khu vực mở rộng.
Mặc dù đã có những thay đổi rõ rệt, bộ mặt các đô thị của tỉnh nhanh chóng được đổi mới theo hướng hiện đại, tuy nhiên hiện nay, việc phát triển các đô thị trên địa bàn cũng còn những điểm cần bàn. Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội KTS tỉnh chia sẻ: Trước đây, quy hoạch các khu chức năng gần trung tâm T.P Thái Nguyên chưa phù hợp, đơn cử như tại phía Bắc có Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn, các cơ sở này ít nhiều có tác động xấu đến môi trường (gây bụi, ô nhiễm nguồn nước), khi gió từ phía Bắc thổi về thì khu vực trung tâm T.P Thái Nguyên là nơi hứng chịu. Tương tự, ở phía Nam hiện có Khu công nghiệp gang thép (chủ yếu phát sinh khí thải, bụi… trong quá trình sản xuất), gặp gió Nam thổi lên thì khu trung tâm thành phố, nơi có nhiều khu vực thương mại, dịch vụ, giải trí chính là nơi bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, quy hoạch và thiết kế trục giao thông có ý nghĩa hàng đầu trong phát triển đô thị. Đối với khu trung tâm T.P Thái Nguyên, hiện nay mới chỉ có 1 trục giao thông là đường Đội Cấn (từ đường tròn trung tâm đến khu vực chợ Thái) gần đạt đến “tầm” theo các tiêu chí quy định, nhưng trục này chiều dài chỉ vỏn vẹn chưa đến 1km. Diện tích cây xanh, mặt nước hiện hữu cũng chưa đủ theo các tiêu chí của đô thị loại I, có những khu vực trong thành phố hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, còn có nơi theo kiểu thượng tầng làm trước, hạ tầng làm sau” vì thế phát sinh nhiều bất cập.
Theo KTS Nguyễn Văn Cường, đô thị được ví như một “cơ thể sống”, khu trung tâm hành chính là bộ não, trục giao thông là xương sống, diện tích mặt nước và cây xanh là lá phổi, hệ thống ngầm là nơi tiêu thoát…, những bộ phận này được quan tâm quy hoạch đúng tầm và “sống khỏe” thì đô thị sẽ phát triển mạnh mẽ. Điều cần lưu ý ở đây là tầm nhìn chiến lược, lâu dài khi quy hoạch phát triển đô thị, có quy hoạch tốt, phù hợp sẽ tạo được tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.
Dự án xây dựng khu dân cư Phú Đại Cát đang được triển khai tại phường Đồng Tiến (T.X Phổ Yên).
Ảnh: N.H
Theo định hướng phát triển đô thị của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tổng số đô thị trên địa bàn sẽ nâng lên 18 (trong đó có 1 đô thị loại I, 2 đô thị loại II, 10 đô thị loại IV và 5 đô thị loại V), tỷ lệ đô thị hóa đạt 40%. Để hoàn thành mục tiêu này cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân và đặc biệt là của các nhà trí thức, nhà khoa học, KTS. Điều đáng mừng là trong quy hoạch phát triển đô thị gắn với phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, tỉnh chủ trương quy hoạch trên 2.500ha diện tích đất cho lĩnh vực này.
Việc phân bố các khu, cụm, điểm công nghiệp gắn liền với việc tổ chức khung phát triển của các đô thị, phù hợp với các phân vùng chức năng trong tỉnh; di dời các xí nghiệp công nghiệp nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường đến các cụm công nghiệp tập trung; xác lập hệ thống vành đai cây xanh cách ly khu công nghiệp với khu dân cư; nâng cấp hệ thống xử lý nước thải và không khí để đảm bảo vệ sinh môi trường… Đây là một trong những hướng đi phù hợp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các đô thị trên địa bàn.