Tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã lưu ý: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thái Nguyên trong 7 tháng qua đang thấp hơn mức trung bình của cả vùng. Do đó, từ nay đến cuối năm, để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đạt 100%, đòi hỏi địa phương phải có quyết tâm rất cao.
6 tháng đầu năm nay, do chịu tác động của dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế của tỉnh chỉ đạt 2,63%; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3%, giá trị xuất khẩu giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước... Đặc biệt, tỉnh mới triển khai giải ngân vốn đầu tư công đạt 34,7% so với kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Từ nay đến cuối năm, việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn là không hề đơn giản vì có một số nguồn vốn khó có khả năng giải ngân, nhất là vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, cả nước đang quyết tâm đạt 100% kế hoạch nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế trước sự tác động của dịch COVID, nên tỉnh ta cũng đặt quyết tâm đạt mức cao nhất.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, xác định đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm những tháng cuối năm của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và là nhiệm vụ trực tiếp của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương. UBND tỉnh yêu cầu: Đối với các dự án đã có khối lượng, đã được bố trí vốn phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước tỉnh để giải ngân. Đối với các dự án đã bố trí vốn, đã phê duyệt quyết toán yêu cầu hoàn thiện ngay hồ sơ giải ngân. Có văn bản cam kết về giải ngân vốn đầu tư, xác định rõ tiến độ giải ngân chi tiết cho từng dự án gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư và Kho bạc Nhà nước tỉnh để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc.
Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư cần xác định rõ tồn tại, yếu kém trong các khâu từ chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện dự án. Xác định công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư… là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền để từ đó có các giải pháp cụ thể, đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, khơi thông điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Từ nay đến cuối năm thời gian tuy không còn nhiều, nhưng vẫn cần phát động phong trào thi đua ở từng cấp, ngành, cơ quan, đơn vị để tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn. Chủ động rà soát cơ chế, chính sách, trình tự thủ tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân, coi đây là chương trình hành động của từng đơn vị. Quan tâm thực hiện tiết kiệm chi ngân sách để tạo nguồn lực đầu tư xây dựng cơ bản.
Thể hiện rõ quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy dự kiến sẽ ban hành Chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2020; UBND tỉnh sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt như: Không giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư dự án giai đoạn 2021-2025 đối với các địa phương, đơn vị, chủ đầu tư có dự án đến ngày 30/9/2020 chỉ giải ngân đạt tỷ lệ dưới 60%; điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân năm 2020 sang các dự án giải ngân tốt…