Hiệu quả đầu tư cho các xã An toàn khu

15:58, 07/10/2020

Huyện Phú Lương có 6/15 xã, thị trấn được công nhận là xã An toàn khu (ATK). Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, người dân tại các xã ATK đã tích cực phát huy truyền thống lịch sử, khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.

Các xã ATK trên địa bàn huyện Phú Lương gồm: Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Trạch, Yên Đổ, Vô Tranh. Đây là những xã điều kiện kinh tế - xã hội tương đối khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn. Trong đó, các xã Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Trạch, Ôn Lương và 4 xóm thuộc xã Yên Đổ nằm trong vùng 135 với tỷ lệ hộ nghèo cao.

Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các xã ATK, những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Phú Lương đã chú trọng ưu tiên phân bổ các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn. Hàng năm, bên cạnh nguồn hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho các xã ATK với số tiền 2 tỷ đồng/năm, huyện cũng chú trọng lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, vốn sự nghiệp, Chương trình 135… để ưu tiên đầu tư cho các xã trên.

Từ năm 2015 đến nay, các xã ATK đã được đầu tư xây dựng gần 190 công trình giao thông, thủy lợi, thiết chế văn hóa, trường học… với tổng kinh phí hơn 190 tỷ đồng. Qua đó đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn tại các xã này, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương, phát triển kinh tế - xã hội...

Đi liền với việc phát triển hạ tầng, huyện Phú Lương cũng chú trọng thực hiện các giải pháp tạo sinh kế cho người dân. Căn cứ vào thế mạnh của từng xã và nhu cầu của nhu cầu phát triển kinh tế của nhân dân, địa phương, hàng năm huyện giao các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch, đề án phát triển sản xuất; chủ động lồng ghép các nguồn lực, chương trình hỗ trợ Nhà nước. Cụ thể, tập trung hỗ trợ máy móc thiết bị, cây giống, phân bón, xây dựng thương hiệu chè tại xã Vô Tranh - 1 trong 4 xã nằm trong vùng chè trọng điểm của địa phương; hỗ trợ phát triển vùng sản xuất và quảng bá thương hiệu lúa Nếp vải tại 3 xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành…

Bên cạnh các cơ chế hỗ trợ sản xuất, huyện cũng đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; công tác đào tạo nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động; hỗ trợ vay vốn làm nhà ở, sản xuất kinh doanh… Qua đó, góp phần giúp cho người dân ở các xã ATK, vùng đặc biệt khó khăn từng bước vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Văn Biểu, Chủ tịch UBND xã Yên Trạch cho biết: Xã Yên Trạch có lợi thế diện tích đất rừng lớn, thuận lời để phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi đại gia súc. Vì vậy, từ năm 2015 đến nay, trên cơ sở Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020 của huyện, xã đã phân bổ nguồn vốn Chương trình 135 để hỗ trợ mua 16 máy móc phục vụ phát triển kinh tế rừng; 111 con trâu, bò; tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi cho bà con...

Bên cạnh đó, hằng năm, xã phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 3-4 phiên giao dịch, tư vấn việc làm, tạo việc làm ổn định cho 160 đến 180 lao động. Nhờ đó, đời sống của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15,01% (giảm 6,77% so với năm 2015).

Không chỉ Yên Trạch, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng đã tác động mạnh mẽ đến đời sống vật chất, tinh thần của bà con nhân dân tại các xã ATK trên địa bàn huyện Phú Lương. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao giá trị sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững. Từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm của huyện giảm 2,61% (vượt 0,61% so với Nghị quyết). Các xã Ôn Lương, Hợp Thành, Yên Đổ đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và cán đích nông thôn mới. 

Ông Hoàng Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, lồng ghép các nguồn lực để đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại các xã ATK, đặc biệt là tại xã Phủ Lý và Yên Trạch, 2 địa phương chưa về đích nông thôn mới. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng hạ tầng, hỗ trợ sinh kế, máy móc để phục vụ cho hoạt động sản xuất của từng địa phương. Ngoài ra, huyện cũng đang rà soát, lập danh sách các công trình di tích lịch sử cần trùng tu, tôn tạo để đề nghị cấp trên có kế hoạch bảo tồn, sửa chữa và tôn tạo.