Kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai

08:21, 17/12/2020

Trong bài phát biểu tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII (được tổ chức mới đây), tân Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng đã thể hiện rõ quan điểm: Sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, nhất là với các dự án (DA) sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng cũng kiên quyết thu hồi, hủy bỏ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các DA không thực hiện đúng cam kết, quá chậm tiến độ, không có khả năng triển khai. Đặc biệt, người đứng đầu UBND tỉnh còn nhấn mạnh: Không nể nang, né tránh trong việc thu hồi các DA chậm thực hiện. 

Thông thoáng môi trường đầu tư
 
Những năm gần đây, Thái Nguyên đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Bằng chứng là gần chục năm trước, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Nguyên đứng gần cuối bảng xếp hạng của cả nước, nhưng đến năm 2019 đã vươn lên vị trí thứ 12 trên bảng tổng sắp. Đặc biệt, có thời điểm chỉ số PCI của tỉnh có bước chuyển ngoạn mục, từ vị trí thứ 57/63 tỉnh, thành phố (năm 2011) nhảy vọt lên vị trí thứ 17 (năm 2012), vượt tới 40 bậc. Điều đó khẳng định chất lượng điều hành kinh tế hiệu quả của chính quyền tỉnh.
 
Hiện nay, Thái Nguyên là tỉnh đứng ở tốp đầu của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và cả nước về thu hút đầu tư, nhất là với nguồn vốn FDI. Làn sóng đầu tư lớn từ nước ngoài thông qua các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, công nghệ cao đang có xu hướng dịch chuyển đến Việt Nam, trong đó Thái Nguyên lọt vào tầm ngắm của không ít doanh nghiệp (DN). Samsung là một trong những tập đoàn quốc tế có uy tín đã xuất hiện tại Thái Nguyên từ khá sớm cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh rộng mở và thân thiện. Tính đến nay, toàn tỉnh có 7.364 DN hoạt động với tổng số vốn đăng ký gần 100,2 nghìn tỷ đồng. Tỉnh đã thu hút được 160 DA FDI với tổng số vốn đăng ký trên 8,4 tỷ USD…
Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ khách sạn Hồng Hưng tại phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) đã bị thu hồi nhưng chủ đầu tư là Công ty TNHH Hồng Hưng chưa đồng thuận. Ảnh: H.A
 
Cùng với các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, tỉnh chủ trương cải cách hành chính, giảm sách nhiễu, phiền hà và rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Mới đây, tỉnh đã chính thức đưa vào vận hành Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Đây là đầu mối duy nhất trong việc tiếp nhận và trả kết quả, liên thông giải quyết các thủ tục hành chính, góp phần tăng tính công khai, minh bạch và giảm đầu mối các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp sở, ngành. Năm vừa qua, chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của tỉnh xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm trước. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức, DN đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) cũng đạt trên 86%, tăng 0,24% so với năm trước…
 
Sẵn sàng gỡ khó cho DN
 
Hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh dựa trên quan điểm rất rõ là trách nhiệm với nhà đầu tư (NĐT) và thu hút đầu tư có chọn lọc. Trách nhiệm nghĩa là chính quyền đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho NĐT trong suốt quá trình thực hiện DA. Trách nhiệm từ hai phía, cả chính quyền và NĐT để đi đến thành công cuối cùng. Định kỳ hằng tháng, tỉnh làm việc với NĐT để kiểm điểm tiến độ DA; thường xuyên kiểm danh, kiểm diện, đối thoại với NĐT; thiết lập đường dây nóng để trực tiếp nắm bắt thông tin phản hồi từ NĐT, kịp thời chỉ đạo giải quyết.
 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiến hành rà soát các DA đầu tư theo hướng: Các DA chậm tiến độ nhưng vì nguyên nhân khách quan, NĐT có nguyện vọng tiếp tục triển khai, tỉnh sẽ nhắc nhở, vận động, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, yêu cầu cam kết thực hiện theo lộ trình. Qua rà soát tỉnh tiếp nhận thông tin có 43 DA gặp khó khăn cần tháo gỡ, nhất là các DA khu đô thị, khu dân cư mới. Theo đó, đã phối hợp với chủ đầu tư 22 DA để xử lý theo cách thu hồi giấy chứng nhận, quyết định chủ trương đầu tư để chuyển sang hình thức lựa chọn NĐT theo quy định, đồng thời tiến hành giải quyết các vướng mắc về thủ tục giao đất, cách xác định giá đất, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 21 dự án còn lại. 
 
Năm 2020, trước tình trạng dịch COVID-19 gây tác động xấu đến hoạt động đầu tư của các DN, tỉnh đã chỉ đạo rà soát tình hình thực hiện các DA, xác định các khó khăn, vướng mắc của từng DA về thủ tục, đất đai, kế hoạch vốn, thủ tục giải ngân để kịp thời giải quyết và gỡ khó cho DN; phối hợp với nhà thầu lập hồ sơ thanh toán khi có khối lượng nghiệm thu; ưu tiên nguồn lực cho các DA hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm, quản lý chặt chẽ không để phát sinh nợ đọng; kịp thời điều chuyển vốn các DA chậm triển khai hoặc chưa cấp thiết…
 
Kiên quyết thu hồi DA chây ỳ
 
5 DA đã thu hồi nhưng NĐT chưa đồng thuận, có văn bản khiếu nại, kiến nghị gồm: DA đầu tư xây dựng Trung Tín Hotel và DA đầu tư xây dựng Thái Nguyên Building  tại T.P Thái Nguyên, chủ đầu tư là Công ty CP Trung Tín; DA Trung tâm thương mại, dịch vụ khách sạn Hồng Hưng và DA xây dựng Trung tâm Thương mại, nhà nghỉ cho công nhân tại T.P Thái Nguyên, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hồng Hưng; DA Khu nhà ở xã hội, nhà ở cao cấp Hồng Long, tại T.X Phổ Yên, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng Hồng Long. 
Tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký các văn bản hủy bỏ chủ trương đầu tư DA của hai NĐT do thiếu tính khả thi. Đó là DA cải tạo, nâng cấp đường tỉnh ĐT.266 (đoạn từ ngã tư Khu công nghiệp Sông Công đến ngã tư giao cắt với Quốc lộ 37) theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng xây dựng chuyển giao tại Biên bản ghi nhớ đã ký giữa UBND tỉnh và Công ty CP Tập đoàn T&T vào tháng 9-2018. UBND tỉnh yêu cầu Công ty giao hồ sơ báo cáo tiền khả thi của DA về Sở Giao thông - Vận tải. Tiếp đó, UBND tỉnh có văn bản chấm dứt hiệu lực các văn bản do chính UBND tỉnh ban hành về nghiên cứu, khảo sát, đề xuất và lập quy hoạch phân khu DA đầu tư sân golf và khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Ghềnh Chè tại xã Bình Sơn (T.P Sông Công) do Công ty CP Toàn cầu TMS làm chủ đầu tư. Các chi phí liên quan đến quá trình nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch DA do NĐT tự chịu trách nhiệm. 
 
Mặc dù đẩy mạnh thu hút đầu tư nhưng tỉnh luôn thể hiện rõ quan điểm không nể nang, né tránh, kiên quyết thu hồi các DA chậm tiến độ theo cam kết hoặc không có khả năng tiếp tục triển khai DA. Theo thông tin từ UBND tỉnh, từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, rà soát đối với 538/984 DA đầu tư ngoài ngân sách. Kết quả, đã tiến hành thu hồi đối với 153 DA các loại. Cùng với đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư (cơ quan tham mưu cho tỉnh về lĩnh vực đầu tư) cũng đã chủ động rà soát, tham mưu thực hiện thu hồi 99 DA. Như vậy, tổng số DA bị UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư là 252 DA. Trong đó, có 190 DA thu hồi do NĐT chưa triển khai thực hiện hoặc NĐT đã triển khai nhưng không có khả năng hoàn thành; 57 DA đã thu hồi và giao cho NĐT khác tiếp tục triển khai; 5 DA đã thu hồi nhưng NĐT tư có văn bản khiếu nại, kiến nghị, chưa được giải quyết dứt điểm... 
 
Tại kỳ họp thứ 12 của HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng thể hiện rõ quan điểm, thái độ của tỉnh là sẽ kiên quyết thu hồi các DA chậm tiến độ, chây ỳ nhằm làm trong sạch môi trường đầu tư ở địa phương.