Ban Quản lý các khu công nghiệp: Luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

11:08, 15/02/2021

Năm qua, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó điểm nhấn là tham mưu thực hiện công tác quy hoạch; đầu tư xây dựng hạ tầng; thu hút đầu tư và quản lý hoạt động các dự án trong các KCN. Những kết quả đạt được đó đã đồng hành, góp sức cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, trong năm 2020, Ban quản lý đã nghiên cứu, tham mưu, trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng KCN Sông Công II; điều chỉnh cục bộ khu tái định cư xóm Hắng, xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên); phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chi tiết KCN Điềm Thụy khu B, KCN Yên Bình; tham gia Tổ giúp việc cho Hội đồng lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Đề xuất định hướng phát triển quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh); tham mưu mở rộng quy hoạch KCN Sông Công II trên diện tích 300ha; khu công nghiệp đô thị - dịch vụ Phú Bình với 900ha.

Luôn thực hiện tốt công tác quy hoạch, đến nay, Thái Nguyên đã có 6 KCN tập trung với tổng diện tích 1.420 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 981,25ha; 6/6 KCN đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND tỉnh phê duyệt. Hiện, 4/6 KCN đã đi vào hoạt động; 1 KCN đang triển khai xây dựng hạ tầng đồng bộ và 1 KCN đang lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để thực hiện triển khai dự án. Nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển đã đề ra tại Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 13/10/2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban quản lý đã tham mưu với tỉnh Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn Thái Nguyên đến năm 2020 (tăng 1.200ha, từ 1.420ha lên 2.620ha), trình cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt.

Các nhà đầu tư đang tích cực xây dựng các hạng mục công trình, lắp đặt các hạng mục công trình, hoàn thiện dây chuyền sản xuất tại Khu công nghiệp Sông Công II.

Cùng với đó, trong năm 2020, hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng tại các KCN tiếp tục được các chủ đầu tư tích cực triển khai thực hiện, đảm bảo đầy đủ mặt bằng tiếp nhận các dự án vào đầu tư. Theo đó, đã tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại KCN Sông Công II (diện tích 250ha), đến nay đã hoàn thành được khoảng 200ha, phần còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện.

Các khu tái định cư (Tân Tiến, Xóm Hắng, Hồng Tiến) đang thực hiện để cấp cho các hộ dân phải di dời chỗ ở, phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng các KCN. Hiện, khu tái định cư Tân Tiến đã hoàn thành giải phóng mặt bằng được gần 60%; khu tái định cư Xóm Hắng đạt 90%; khu tái định cư Hồng Tiến đạt 80%.

Trong công tác thu hút đầu tư, Ban quản lý tiếp tục tăng cường công tác đối ngoại, đổi mới phương thức vận động, xúc tiến đầu tư gắn với mục tiêu thu hút các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, sản xuất thân thiện với môi trường, các sản phẩm có giá trị sản xuất cao, đặc biệt là các dự án đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan... Trong năm, Ban quản lý đã cấp mới 24 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 19 dự án FDI và 5 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 341,31 triệu USD và 187,13 tỷ đồng. Đồng thời, điều chỉnh vốn đầu tư cho 16 dự án với tổng điều chỉnh tăng thêm là 21,82 triệu USD và 1.514,82 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng trong năm là 293,73 triệu USD và 1.701,95 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án lớn, có khả năng đóng góp vào ngân sách cao như: Dự án Trung tâm công nghiệp GNP Yên Bình (16 triệu USD); dự án Nhà máy Sunny Opotech Việt Nam (9,8 triệu USD); dự án Nhá máy phát triển năng lượng Trina Solar (203 triệu USD); dự án Công ty TNHH DBG Technology Việt Nam (80 triệu USD); dự án Nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ tấm lát sàn PVC sản lượng 6.000.000m2 một năm - Giai đoạn 1 (9,5 triệu USD); dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer Hải Phòng (23 triệu USD)... Bên cạnh đó, Ban cũng thực hiện chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) đối với 6 dự án do nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động dự án, không có khả năng triển khai.

Lũy kế đến nay, trong các KCN trên địa bàn tỉnh có tổng số 240 dự án được cấp GCNĐKĐT còn hiệu lực, trong đó có 122 dự án FDI (tổng vốn đăng ký đầu tư là 8.762,53 triệu USD) và 118 dự án có vốn đầu tư trong nước (tổng số vốn đăng ký đầu tư 15.623,42 tỷ đồng).

Có thể thấy, năm qua, những dự án trong các KCN đều triển khai nhanh, đảm bảo theo tiến độ đăng ký và sử dụng đất hiệu quả. Đến nay, có 169/242 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn thực hiện lũy kế tính đến hết năm 2020 ước đạt 7.130 triệu USD và 10.058 tỷ đồng (bao gồm có 2 dự án xây dựng hạ tầng KCN Điềm Thụy và KCN Sông Công I). Doanh thu năm 2020 ước đạt 28,7 tỷ  USD và 7.500 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu khoảng 22,5 tỷ USD; nhập khẩu ước đạt 17,0 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 7.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 92.000 lao động, với thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng/người/tháng.