Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được các cấp, ngành liên quan của tỉnh xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò rất quan trọng trong thu hút đầu tư và triển khai các dự án. Thực tế, công tác này luôn gặp nhiều khó khăn, phức tạp, thường bị chậm và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chung của các dự án. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc bố trí tái định cư chậm.
Mới đây, trong cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm của huyện Phú Bình, đại diện Công ty CP Đầu tư và Phát triển quốc tế Việt Á, chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp (CCN) Điềm Thụy đã nêu một loạt khó khăn, vướng mắc về mặt bằng. Đại diện Công ty đề nghị lãnh đạo huyện Phú Bình tiếp tục báo cáo, đề xuất các sở, ngành liên quan của tỉnh, đồng thời chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chuyên môn đẩy nhanh việc triển khai các khu tái định cư (TĐC) vì đây đang là “nút thắt” chính khiến tiến độ Dự án bị chậm.
CCN Điềm Thụy có diện tích 44ha, trong đó có 8ha đã được GPMB và bàn giao cho một doanh nghiệp từ trước. 36ha còn lại được chủ đầu tư chia làm 3 giai đoạn, tích cực triển khai từ năm 2017 nhưng đến nay cả 3 giai đoạn đều đang bị vướng mắc mặt bằng. Trong số khoảng 160 hộ phải TĐC thì hiện mới có 3 hộ di chuyển vì tự lo được đất xây nhà. Phần lớn đất nông nghiệp dù đã được GPMB nhưng bị “xôi đỗ” nên chủ đầu tư rất khó triển khai san lấp, xây dựng theo quy hoạch.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển quốc tế Việt Á cho biết: Trước đây, 1 trong số 3 khu vực TĐC phục vụ Dự án do chúng tôi triển khai, khi GPMB và san lấp gần xong thì phải dừng, bị thu hồi chủ trương đầu tư và thực hiện quy trình đấu thầu lựa chọn lại chủ đầu tư theo quy định (vì Khu TĐC này có cả đất thương mại). Việc điều chỉnh quy hoạch, hoàn thiện thủ tục mất rất nhiều thời gian, trong khi các khu vực TĐC còn lại cũng chưa có quỹ đất. Tiến độ chung của dự án bị chậm phần lớn do nguyên nhân đó.
Cũng tại huyện Phú Bình, Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu B - Khu công nghiệp Điềm Thụy (diện tích quy hoạch 170ha, trong đó có một phần thuộc xã Hồng Tiến, T.X Phổ Yên) đã bị chậm trễ nhiều năm do năng lực yếu kém của chủ đầu tư. Vài năm gần đây, khi có một nhà đầu tư mới tiếp quản, Dự án được tái khởi động nhưng công tác GPMB cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Ngoài việc phải giải quyết những tồn tại từ nhiều năm trước, tiến độ GPMB Dự án bị chậm vì chưa có đất TĐC. Theo rà soát thì có khoảng 360 hộ sẽ phải chuyển chỗ ở để phục vụ Dự án nhưng đến nay mới chỉ có vài hộ di chuyển.
Vướng mặt bằng do chậm bố trí tái định cư khiến Dự án Cụm công nghiệp Điềm Thụy không thể được thi công đồng bộ theo quy hoạch.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2016, chủ đầu tư cũ của Dự án đã xây dựng cơ bản hoàn thiện Khu TĐC Đầm Lở nhưng phần lớn người dân không đồng ý chuyển đến vì xã chỗ ở cũ của họ. Sau đó, chủ đầu tư được giao triển khai Dự án Khu TĐC xóm Trạng (phục vụ cho khoảng 150 hộ) để thay thế, tuy nhiên, gần đây Dự án được bàn giao lại cho UBND huyện Phú Bình làm chủ đầu tư. Hiện, các cơ quan chuyên môn của huyện đang triển khai các thủ tục và sẽ phải mất nhiều thời gian nữa mới có thể hoàn thiện Khu TĐC này.
Cũng trong tình trạng tương tự là Dự án CCN Bá Xuyên (T.P Sông Công) do Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Tuân làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích quy hoạch 48,5ha, triển khai từ năm 2018, ban đầu Khu TĐC phục vụ Dự án do chủ đầu tư trực tiếp triển khai nhưng sau đó bàn giao lại cho UBND thành phố theo quy định. Đến nay, Dự án Khu TĐC vẫn đang ở giai đoạn hoàn thiện các thủ tục pháp lý, Công ty Minh Tuân cam kết cho chính quyền vay vốn để triển khai. Anh Lê Văn Khiêm, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Tuân nói: Tiến độ chung của Dự án đang bị chậm (theo kế hoạch phải hoàn thiện trong năm 2022). Chúng tôi rất sốt sắng và mong muốn các cấp, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ GPMB…
Còn không ít dự án đã và đang bị chậm do tiến độ GPMB không đảm bảo mà chúng tôi không thể liệt kê hết ở đây, dù có nhiều nguyên nhân nhưng việc bố trí TĐC chậm thường là “nút thắt” chung (trừ những dự án không quy hoạch vào đất ở). Ông Phạm Bình Công, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết nguyên nhân: Hầu hết các khu TĐC thường được triển khai song song, thậm chí sau dự án chính, trong khi quỹ đất TĐC dự trữ rất hạn chế. Việc triển khai dự án khu TĐC cũng phải tuân thủ đầy đủ các bước, cùng với đó, khi nhận đất TĐC người dân có thêm 6 tháng để xây nhà, di chuyển chỗ ở nên mất nhiều thời gian khiến dự án chính bị chậm tiến độ. Có khu TĐC cũng chưa hoàn thiện hạ tầng nên người dân không nhận đất, không bàn giao mặt bằng cho dự án.
Để giải quyết vấn đề này, Ban Chỉ đạo công tác GPMB tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh dành một nguồn kinh phí để xây dựng các khu TĐC; đồng thời đề nghị UBND cấp huyện ưu tiên xây dựng các khu TĐC, tạo nguồn quỹ đất TĐC dự trữ và vận động các chủ dự án ứng trước vốn làm TĐC…