Trong những ngày gần đây, giá vàng trong nước liên tục được các cơ sở kinh doanh điều chỉnh tăng chóng mặt. Có thời điểm (ngày 16-11), chỉ trong một ngày, mỗi lượng vàng SJC đã tăng thêm cả triệu đồng, lên mức 61,8 triệu đồng/lượng bán ra; 61,1 triệu đồng/lượng mua vào. Đà tăng này tiếp tục lên mức 62,2 triệu đồng/lượng đến hết sáng 18-11, nhưng sang buổi chiều thì giá vàng bất ngờ quay đầu giảm.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Chi nhánh Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Chi nhánh Thái Nguyên: Giá vàng trong nước chịu tác động trực tiếp bởi giá vàng thế giới. Vì thế, khi giá vàng thế giới liên tục được điều chỉnh tăng cũng khiến giá vàng trong nước tăng theo. Trong khi đó, giá vàng thế giới lại bị tác động mạnh mẽ bởi các diễn biến của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của các quốc gia có nền kinh tế lớn, nhất là Mỹ và châu Âu. Nhiều người cho rằng, rất có thể, thế giới sẽ xảy ra lạm phát vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, do đó đã "trú ẩn" vốn vào vàng để phòng ngừa rủi ro khi lạm phát tăng.
Theo các nhà phân tích, trong lần biến động này, giá vàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng gia tăng thất nghiệp tại Mỹ. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tại Mỹ tăng đã lập tức tác động đến giá vàng. Ngược lại, khi tình hình này có dấu hiệu hạ nhiệt thì giá vàng cũng giảm đáng kể.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa giá vàng trong nước luôn tăng theo biên độ biến động của giá vàng thế giới, mà thường tăng hơn khá nhiều so với mức tăng chung. Thậm chí có thời điểm, giá vàng thế giới quay đầu giảm nhưng giá vàng trong nước vẫn tăng thêm một vài ngày rồi mới hạ nhiệt, nếu thời điểm đó, nhu cầu trong nước đang cao.
Điều này thường thấy khá rõ vào dịp đầu năm mới, khi người dân đổ xô đi mua vàng trong ngày Vía thần tài (mùng 10 tháng Giêng). Còn trong những ngày giữa tháng 11 này, giá vàng SJC trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới lên tới 8-10 triệu đồng/lượng.
Vậy trước những diễn biến khó lường đó, thị trường vàng những ngày này tại Thái Nguyên ra sao? Theo đại diện một số cơ sở kinh doanh vàng lớn trên địa bàn, bất cứ khi nào giá vàng biến động nhiều cũng kéo theo nhu cầu mua bán tăng cao. Những ngày này, số lượng giao dịch mặc dù chỉ tăng gấp 2-3 lần so với thời điểm đầu tháng 11, nhưng giá trị giao dịch thì tăng khoảng 10 lần.
Lượng khách mua 5-7 lượng khá nhiều, thậm chí có người còn mua tới 40-50 lượng. Khi thấy sự chênh lệch đủ lớn, họ lập tức bán ra. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến giá vàng trong nước chiều 18-11 giảm mạnh và tiếp tục giảm tính đến chiều nay (19-11).
Ông Nguyễn Trần V., một nhà đầu tư vàng ở T.P Thái Nguyên chia sẻ: Lần tăng giá này khiến tôi nhớ lại thị trường vàng thời điểm tháng 8-2020. Khi đó, giá vàng thế giới vượt mốc 2.068 USD/ounce đã khiến giá vàng SJC trong nước cũng vọt lên 62,2 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, sau đó không lâu, vàng thế giới giảm hàng trăm USD/ounce thì vàng SJC cũng giảm còn 55 triệu đồng/lượng. Đợt tăng giảm đó đã khiến tôi mất một khoản kha khá. Dù vậy, đợt này, tôi vẫn quyết định dành một phần vốn để đầu tư vào vàng vì biên độ mua vào, bán ra của năm nay đã được rút ngắn. Thay vì chênh nhau lên tới trên dưới 2 triệu đồng/lượng như năm ngoài thì năm nay là trên dưới 1 triệu đồng/lượng và đây cũng là năm đầu tiên giá vàng được mua vào vượt ngưỡng 60, thậm chí lên mức trên 61 triệu đồng/lượng.
Hiện tại, vàng rất khó tìm phương hướng do sự thiếu chắc chắn của đồng Đô la và phản ứng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngân hàng trung ương các nước trước lạm phát. Chính vì thế, đầu tư vào vàng lúc này cơ hội cũng lắm mà rủi ro cũng nhiều.
Tính đến 17 giờ 30 phút hôm nay, vàng SJC trong nước được niêm yết với giá 60,9 triệu đồng/lượng bán ra, 59,9 triệu đồng/lượng mua vào. Mức giá này được cho là sẽ ổn định ít nhất đến 8 giờ 30 phút thứ 2, ngày 22-11, khi các phiên giao dịch vàng trên thế giới được mở cửa trở lại sau 2 ngày nghỉ cuối tuần.