Cần siết chặt quản lý rừng ở vùng giáp ranh

10:17, 28/09/2017

Mặc dù đã thực hiện Quy chế phối hợp trong việc tuần tra xử lý các vi phạm về lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng ở khu vực giáp ranh của chính quyền các cấp và lực lượng kiểm lâm của 3 tỉnh (Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn), nhưng tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép vẫn diễn ra ở những khu vực này.

Ông Phan Quốc Thụ, Phó Giám đốc Ban Quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng cho biết: Tình trạng vi phạm lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng trong khu vực của đơn vị quản lý chủ yếu diễn ra vào mùa khô. Đặc biệt, lâm tặc chọn vùng giáp ranh giữa tỉnh Thái Nguyên với huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) để khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Bởi đây là khu vực có địa hình hiểm trở, dễ dàng tẩu tán tang vật và phương tiện. Qua công tác nắm địa bàn, lực lượng Kiểm lâm của Ban Quản lý nhận được thông tin, các đối tượng đã thay đổi phương thức hoạt động. Đó là sử dụng xe ô tô du lịch, chở khách để vận chuyển gỗ thay cho xe mô tô cải biến trước đây. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm của Ban Quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đã phát hiện và xử lý 32 vụ, tịch thu hơn 37m3 gỗ quy tròn và hơn 1 tấn củ bình vôi...

Hiện tại, Ban Quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng có 7 trạm kiểm lâm và 9 chốt trực gác ở các xã để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng đặc dụng. Tuy nhiên, với địa hình hiểm trở, địa bàn rộng nên tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép vẫn xảy ra ở những vùng giáp ranh... Việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn, bởi toàn bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng chỉ có Trạm Kiểm lâm Cúc Đường mới được phép lập barie để kiểm tra các xe ô tô qua đây. Còn đối với các chốt gác vẫn có cán bộ trực 24/24h, nhưng theo quy định, chỉ những xe vi phạm quả tang thì lực lượng kiểm lâm mới được phép dừng xe và phải có từ 2 người trở lên mới được phép lập biên bản. Vì vậy, các đối tượng dùng xe ô tô đóng kín cửa thì rất khó phát hiện...

Từ trước tới nay, xóm Na Hấu, xã Nghinh Tường là nơi được các đối tượng lâm tặc tập kết và vận chuyển gỗ trái phép. Bởi đây là địa bàn giáp ranh với xã Tân Tri huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn), dân cư sinh sống thưa thớt, ít người qua lại. Theo một số người dân xóm Na Hấu, tình trạng vận chuyển gỗ qua xóm diễn ra chủ yếu vào ban đêm. Trước đây, lâm tặc thường vác gỗ đi theo đường mòn, dùng xe mô tô vận chuyển. Còn hiện tại, chúng sử dụng cả loại xe ô tô 16 chỗ và xe ô tô 7 chỗ để vận chuyển gỗ trái phép... Qua 2 đêm, 23 và 24-9, đi thực tế tại địa bàn, chúng tôi cũng phát hiện một số trường hợp vận chuyển gỗ từ rừng đặc dụng Thần Sa sang địa bàn xã Tân Tri... 

Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng đang quản lý gần 20 nghìn héc ta rừng đặc dụng, nằm trên địa bàn 6 xã phía Bắc của huyện Võ Nhai và giáp ranh với huyện Chợ Mới, Na Rì (Bắc Kạn), huyện Bình Gia, Bắc Sơn (Lạng Sơn). Tại những địa bàn giáp ranh thường không có sóng điện thoại liên lạc nên việc phối hợp tuần tra, xử lý thực hiện theo Quy chế phối hợp giữa với lực lượng kiểm lâm của tỉnh bạn gặp không ít khó khăn. Lâm tặc thường lợi dụng ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật và đêm tối để vận chuyển lâm sản trái phép sang xã Tân Tri rồi mang đi tiêu thụ... Cùng với đó, hàng nghìn hộ dân sinh sống tại 6 xã phía Bắc huyện Võ Nhai vẫn còn nhiều khó khăn, một bộ phận người dân vẫn có thói quen vào rừng tìm lâm sản bán kiếm tiền nên việc bảo vệ, quản lý tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đối với lực lượng chức năng không dễ dàng.

Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường, siết chặt hơn nữa việc quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh để ngăn chặn tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép của cơ quan chức năng thì các cấp chính quyền cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Chỉ có như vậy, việc quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng mới có hiệu quả, bền vững.