Từ số vốn vay 20 triệu đồng dành cho người nghèo của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), gia đình anh Hoàng Văn Năm, xóm Na Quán, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) đã có nguồn thu nhập ổn định. Điều đặc biệt hơn là còn đang ấp ủ dự định tập hợp những hộ dân khác của địa phương thành lập hợp tác xã chăn nuôi gà để tìm đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm.
Anh Hoàng Văn Năm sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo khó, thu nhập dựa vào làm ruộng. Sau 3 năm lập gia đình, năm 2005, vợ chồng anh ra ở riêng được bố mẹ cho 4 sào ruộng. Hoàn cảnh gia đình túng thiếu, lại không tìm được hướng phát triển kinh tế tại quê hương nên anh đã đi làm thuê ở nhiều nơi, thậm chí đi đào vàng để mong làm giàu. Nhưng công việc không như ý muốn nên năm 2009, anh đã quyết tâm trở về quê, tìm cách phát triển kinh tế trên chính mảnh đất của gia đình.
Quyết tâm đã có nhưng vì không có vốn nên vợ chồng anh vẫn chưa biết phải làm gì ngoài gieo cấy trên phần ruộng của gia đình. Thế rồi, cơ hội đã đến với anh khi năm 2011, thông qua Hội Phụ nữ xã, vợ chồng anh đã được Tổ Tiết kiệm và vay vốn của xóm bình xét cho vay tín chấp 20 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của NHCSXH huyện. Với số tiền này, anh quyết định đầu tư nuôi 500 con vịt. Anh Năm bảo: Trong lúc gia đình tôi quá khó khăn, chỉ có NHCSXH mới dám cho vay khoản tiền lớn như thế, với lãi suất rất phù hợp. Tôi vẫn bảo với vợ nếu không nhờ có nguồn vốn đó, không biết bao giờ vợ chồng tôi mới “ngóc” đầu lên được. 20 triệu đồng thực sự rất quý giá đối với gia đình tôi lúc đó.
Từ 500 con vịt nuôi ban đầu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, lúc bán lại được giá nên ngay từ lứa nuôi đầu tiên đã cho anh số lãi 20 triệu đồng. Các lứa tiếp theo cũng mang lại hiệu quả rất lớn. Vì thế, đã có lúc anh mở rộng đàn vịt lên tới 3.000 con. Có năm, thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Nhưng rồi, cũng chỉ được 1 thời gian, giá vịt có chiều hướng giảm dần, mặt khác, chăn vịt lâu gây ô nhiễm môi trường và dễ xảy ra dịch bệnh nên năm 2013, anh chuyển sang chăn nuôi trâu. Với số lãi từ vịt, anh đã mua 8 con trâu giống, với giá 9 triệu đồng/con, rồi tăng dần số lượng lên 20 con. Sau một năm, mỗi con trâu bán có giá trên 20 triệu đồng, anh thu về số tiền lãi 250 triệu đồng.
Số lượng trâu lớn, nguồn thức ăn cho trâu ngày một giảm nên năm 2015, anh Năm bắt đầu chuyển sang nuôi gà, với số lượng lúc nhiều nhất lên tới 4.000 con. Ở thời điểm giá cao, cứ 1.000 con gà, anh thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Bên cạnh chăn nuôi, anh còn mở cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi, phục vụ các hộ dân trong xóm, mỗi tháng cho thu lãi khoảng 20 triệu đồng. Với nguồn thu nhập này, từ năm 2015, gia đình anh đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, trở thành một trong những hộ tiêu biểu về phát triển kinh tế của xã Nam Hòa.
Bao năm sống trong cảnh cơ cực, nghèo khó, hơn ai hết, anh Năm hiểu rất rõ giá trị của sự hỗ trợ, giúp đỡ. Bởi thế, trong khả năng có thể, anh luôn sẵn sàng giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn để vươn lên thoát nghèo. Anh Năng Văn Hùng, người cùng xóm cho biết: Tôi mới ra tù đầu năm 2017. Lúc đầu, tôi đi làm vàng nhưng do thu nhập bấp bênh nên đã trở về nhà. Được anh Năm động viên, giúp đỡ nên tôi quyết định xây dựng chuồng trại và đầu tư chăn nuôi gà. Gia đình tôi là hộ nghèo bao năm nay nên toàn bộ số vốn gần 200 triệu đồng để xây chuồng trại, giống, cám, thuốc đều là do anh Năm cho vay không lấy lãi. Hiện, gia đình tôi đang nuôi 2.000 con gà, dự kiến đến cuối năm là được bán, ước tính sẽ thu lãi khoảng trên 70 triệu đồng. Được biết, không chỉ anh Hùng, anh Năm còn giúp đỡ khoảng 20 hộ khác cũng có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế.
Khi được hỏi về dự định trong thời gian tới, anh Năm đã không ngần ngại chia sẻ: Tôi đã mua được hơn 3ha đất. Trong đó có một phần tôi đã trồng keo, số diện tích còn lại, tôi sẽ dành để nuôi gà. Tôi đang ấp ủ thành lập hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP. Khi biết tôi có ý tưởng này, nhiều hộ trên địa bàn đã rất ủng hộ và ngỏ ý muốn tham gia, nhưng trước mắt, tôi thấy chỉ có 15 hộ đủ điều kiện tham gia.
Trước khi chia tay, anh Năm vẫn không quên nhắc lại với chúng tôi về sự biết ơn của mình đối với nguồn vốn chính sách của Đảng, Nhà nước. Anh bảo: Tôi rất mong nguồn vốn đó đến được hết với các hộ cần vốn để tiếp thêm cho họ niềm tin, hy vọng, để họ có đủ điều kiện và khả năng đứng vững trên đôi chân trên chính mảnh đất của mình.