Năm 2016, Chi cục Phát triển nông thôn Thái nguyên phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thực hiện Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo” tại xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Sau hơn 1 năm triển khai, Dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Sau 6 tháng nuôi, 2 con dê của gia đình ông Dương Văn Học, ở xóm Vân Khánh đã sinh sản lứa đầu tiên. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Học phấn khởi nói: Nhà tôi thuộc diện hộ nghèo, gia đình có 4 nhân khẩu chỉ trông vào 2 sào ruộng và 2 sào chè, chỉ đủ ăn chứ không dư dả. Cuối năm 2016, được Nhà nước hỗ trợ 2 con dê cái, được tham gia lớp tập huấn, tôi đã nuôi đàn dê theo đúng kỹ thuật, từ khâu làm chuồng trại đến chuẩn bị thức ăn, nước uống hằng ngày. Đến nay, trọng lượng dê con đã đạt khoảng 10kg, với giá bán trung bình hiện nay là 50.000-55.000 đồng/kg, mỗi con cũng bán được 500.000 đồng. Ngoài ra, tôi nhận thấy, nuôi dê không khó, ít bệnh tật và có thể tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương như các loại lá cây rừng và rau, cỏ vườn nhà, tinh bột ngô, khoai, sắn... Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục nhân rộng đàn đê để tăng hiệu quả kinh tế.
Không chỉ riêng gia đình ông Học, được biết, Dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo” đã triển khai mô hình chăn nuôi dê cỏ sinh sản bán chăn thả tại 4 xóm: Liên Phương, Văn Lăng, Vân Khánh và Tam Va với 26 hộ tham gia, tổng đàn dê là 104 con. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 278 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng, còn 78 triệu đồng do người dân đối ứng. Trung bình mỗi năm, dê cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1-3 con, và sau từ 7-12 tháng, lúc này con dê sẽ đạt trọng lượng từ 30-35 kg/con. Nhận thấy hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân trong xã cũng đã tự bỏ tiền mua dê về nuôi. Hiện nay, tổng đàn dê trên địa bàn xã đã đạt trên 1.300 con, đang sinh trưởng, phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra.
Anh Hoàng Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã cho biết: Văn Lăng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm trên 50%. Toàn xã có trên 4.000ha rừng, đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, trong đó có chăn nuôi dê. Sau gần 1 năm thực hiện Dự án, chúng tôi nhận thấy, nuôi dê phù hợp với điều kiện của các hộ nghèo trong xã, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho hộ nghèo, nhất là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng bền vững. Tham gia Dự án, bà con được hướng dẫn kỹ thuật nuôi dê phù hợp điều kiện tự nhiên, lao động của từng gia đình. Hiện, xã đã thành lập được Tổ hợp tác hợp tác chăn nuôi dê cỏ sinh sản gồm 50 thành viên. Trong thời gian tới, địa phương xác định, mở rộng quy mô tổ hợp tác, thành lập hợp tác xã chăn nuôi dê cỏ sinh sản là hướng đi đúng đắn nhằm chuyển dịch cơ cấu vật nuôi; hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hợp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên cho biết: Ban đầu, khi mới triển khai Dự án, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn rụt rè, e ngại khi tham gia các lớp tập huấn. Tuy nhiên, sau khi được “cầm tay chỉ việc”, được hướng dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông, bà con đã mạnh dạn thay đổi thói quen chăn nuôi thả rông, không có chuồng trại sang nuôi bán chăn thả, có làm chuồng theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, tiêm vắc xin, thuốc thú y để phòng, chống dịch bệnh cho đàn dê. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã phối hợp đơn vị cung ứng dê giống đảm bảo chất lượng và bàn giao cho từng hộ dân dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và các đơn vị chuyên môn.
Nhận thấy hiệu quả của Dự án, năm 2017, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ mô hình chăn nuôi dê sinh sản. Dự kiến, trong tháng 9 này, Chi cục sẽ hỗ trợ 132 con dê cái cho 44 gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở 5 xóm, gồm: Tân Sơn, Vân Khánh, Liên Phương, Mong và Văn Lăng với tổng kinh phí là trên 405 triệu đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 300 triệu đồng, còn lại là nhân dân đối ứng. Hy vọng rằng, sau khi được “tiếp sức”, bà con nơi đây sẽ giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo bền vững.