Những năm qua, xã Hòa Bình luôn dẫn đầu về trồng cây ngô, nhất là cây ngô vụ đông trên đất 2 lúa của huyện Đồng Hỷ. Tuy nhiên, vụ đông năm nay điều kiện thời tiết không thuận lợi khiến cho cây ngô kém phát triển. Hiện tại, người dân trong xã đang tích cực chăm bón cho cây ngô để năng suất ngô vụ đông này vẫn đảm bảo đạt 49 tạ/ha như kế hoạch đã đề ra.
Thời điểm này năm ngoái, những ruộng ngô của xã Hòa Bình đã xanh ngắt, nhiều ruộng ngô đã trổ cờ, thì năm nay ngô mới chỉ cao khoảng 3 đến 4 gang tay. Nguyên nhân là do năm nay đúng thời vụ gieo trồng ngô thì gặp mưa nhiều, kéo dài, gây lụt, đất bị ẩm ướt. Do đó, cây ngô sau khi gieo trồng bị chết do thối rễ hoặc chậm lớn. Tại cánh đồng Đồng Cẩu của xã, chúng tôi gặp anh Lý Văn Chiến đang khơi thông rãnh nước cho ruộng ngô của gia đình. Anh cho biế: Gia đình tôi đã trồng ngô vụ đông khoảng 5 năm nay, nói chung ngô đông cũng dễ chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, năm nay do trời mưa nhiều, đất ẩm ướt, không tơi xốp khiến 3 sào ngô của gia đình có nhiều cây bị úng rễ, hoặc rễ chòi lên mặt đất khiến cây ngô chậm lớn. Được khuyến cáo từ trước của cán bộ khuyến nông xã, gia đình đã làm sẵn bầu ngô để đảm bảo kịp thời trồng dặm thay thế cây ngô chết hoặc còi cọc.
Xã Hòa Bình có 115 ha đất ruộng lúa 2 vụ. Vụ mùa vừa qua, toàn xã có 70ha lúa trà trung và sớm, thì cả 70ha này bà con đều khẩn trương gặt để tiếp tục trồng ngô vụ đông. Chị Vũ Thị Quyên, cán bộ khuyến nông xã cho biết, trước những khó khăn về thời tiết đuợc dự báo trước của sản xuất vụ đông, xã Hòa Bình đã xây dựng phương án sản xuất từ rất sớm. Ngay đầu tháng 9, xã đã vận động bà con thu hoạch lúa mùa và thu hoạch đến đâu đưa bầu ngô ra ruộng đến đấy. Bầu ngô, bà con đều làm trước thời gian thu hoạch lúa mùa từ 10 đến 12 ngày. Khi cây trong bầu có từ 3 đến 4 lá thì đem trồng ra ruộng. Ngoài ra, xã cũng khuyến cáo bà con nên áp dụng mô hình làm đất tối thiểu có hệ thống rãnh thoát nước để trồng ngô vụ đông. Tức là, sau khi phát rạ, bà con đào rãnh thoát nước theo từng lô, rồi đặt ngô bầu xuống nền ruộng, bón phân tiết kiệm thời gian, chứ không cần cày luống, tốn nhiều công sức như trước. Cùng với đó, xã cũng khuyến khích người dân thăm đồng, kịp thời khơi thông rãnh thoát nước, bón phân cung cấp dưỡng chất cho cây ngô. Vì vậy đến thời điểm này, toàn xã vẫn đảm bảo gieo trồng đủ diện tích ngô theo kế hoạch đề ra. Hiện tại, chúng tôi tiếp tục bám sát đồng ruộng, khuyến cáo người dân chăm sóc cây ngô, phòng, trừ bệnh lùn sọc đen có thể gây hại để cuối vụ, cây ngô đạt năng suất như kế hoạch đề ra.
Được biết, xã Hòa Bình có nhiều thế mạnh để phát triển cây ngô vụ đông. Cụ thể như, xã có những cánh đồng lớn, rộng từ 20 đến 50ha. Nhiều diện tích đất nằm dọc hai bên dòng sông màu mỡ, phù hợp với việc thâm canh ngô hàng hóa. Nông dân trong xã rất chăm chỉ với đồng ruộng, có truyền thống canh tác ngô, người dân đã quen với trồng cây ngô vụ đông như: CP333, HN88, CP888, LNV99, P4199, GS9989... Nếu như trước đây, diện tích đất hai vụ lúa của xã đưa vào trồng ngô vụ đông chỉ chiếm khoảng 40%, thì từ năm 2006 đến nay, diện tích ngô vụ đông đã tăng lên trên 80%. Hiệu quả của cây ngô vụ đông đã tương đối ổn định. Với năng suất khoảng 48 tạ ngô/ha thì bà con thu được khoảng 24 triệu đồng/ha/vụ. Lượng ngô này đều được các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi thu mua hết. Hiện tại, xã không cần phải vận động bà con trồng ngô đông nữa mà chỉ cần hướng dẫn cho bà con về khung thời vụ, cách chăm sóc và bảo vệ cho cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt.
Với những thế mạnh nói trên, ông Vũ Duy Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện xây dựng mô hình cánh đồng một giống ngô tại xã Hòa Bình trong các vụ đông sau. Qua đó, giúp nông dân trong xã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần tăng năng suất ngô tại địa phương, làm thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ của nông dân trong việc thâm canh cây trồng.