Đã từ lâu, La Bằng (Đại Từ) nởi tiếng với sản phẩm chè thơm ngon, đậm đà hương vị. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp, thêm sự tâm huyết và dày dạn kinh nghiệm của người dân trong việc sản xuất, chế biến đã tạo nên hương vị đặc biệt riêng có của chè La Bằng.
Từ thế kỷ XIX, cây chè đã xuất hiện ở xã La Bằng. Người dân nơi đây đã sớm nhận ra giá trị đặc biệt của loại cây trồng này đối với quá trình phát triển kinh tế địa phương, nên cây chè được bà con đặc biệt quan tâm, từ khâu lựa chọn giống, kế hoạch thâm canh, trồng thay thế diện tích chè
Hằng năm, Ban chỉ đạo sản xuất xây dựng kế hoạch chăm sóc chè, chống hạn cho chè, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, đồng thời theo dõi sát tình hình sâu bệnh để kịp thời khuyến cáo nhân dân phòng trừ. Từ năm 2000, nhận thấy giá trị của cây chè giống mới, nên bà con đã tích cực chuyển đổi các diện tích chè trung du sang trồng các giống mới, chất lượng cao vào sản xuất như giống LDP1, Phúc Thọ, Long Vân, Keo Am tích… Hiện nay, ở La Bằng có 2 hợp tác xã chè, 10 làng nghề chè truyền thống, 1 nhà máy chè đóng trên địa bàn cùng hàng nghìn hộ sản xuất, kinh doanh chè với trên 430ha, trong đó 55% là giống chè cành. Chỉ tính trong năm 2016, toàn xã trồng mới, trồng thay thế được 20,3ha chè, đạt 169% kế hoạch đề ra. Riêng năm 2017, xã có kế hoạch trồng thay thế 14ha, đến nay, đã nghiệm thu đất và cấp giống, bà con đang tiến hành trồng. Việc chuyển đổi cơ cấu giống chè là yếu tố quan trọng giúp tăng năng suất, sản lượng chè của xã từ 80 lên 115 tạ búp tươi/ha. Bên cạnh đó, xã quan tâm đầu tư mở rộng sản xuất chè vụ đông, bởi đây là thời điểm Tết Nguyên đán nên chè có giá bán cao nhất trong năm. Với lợi thế là có con suối Kẹm chạy dọc chiều dài xã và đổ ra sông Cầu, nguồn nước tưới ở đây khá dồi dào, nên xã đã đầu tư hệ thống tưới chè bằng van xoay tại các xóm: La Nạc, Lau Sau, Đồng Tiến, Rừng Vần, Kẹm, Đồng Đình, Non Bẹo… Hiện nay, diện tích sản xuất chè Đông của xã là 150ha. Nhờ tăng vụ, đã đóng góp không nhỏ vào việc nâng sản lượng chè hằng năm của xã. Đến nay, sản lượng chè toàn xã hiện đạt trên 3.000 tấn/năm.
Cùng với việc trồng thay thế giống chè, để xây dựng được thương hiệu chè La Bằng nổi tiếng như hiện nay, bà con địa phương đặc biệt chú trọng việc nâng cao chất lượng chè, đặc biệt là sản xuất chè an toàn cho sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Cụ thể, những năm gần đây xã liên tục mở rộng các diện tích sản xuất chè theo tiêu chuẩn ViêtGAP. Ông Nguyễn Xuân Nang, một trong những xã viên của HTX chè La Bằng cho biết: Trước đây, thuốc trừ sâu là loại hóa chất không thể thiếu đối với người trồng chè ở đây, các lứa chè đều phải phun, thậm chí không có sâu vẫn phun, phun theo định kỳ. Nhưng từ ngày tham gia vào mô hình sản xuất chè VietGAP, được giáo viên hướng dẫn quy trình sản xuất, trong đó ít có sự xuất hiện của các loại phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, chúng tôi đã quen với cách thức sản xuất này. Gia đình tôi có 2ha, hiện giờ chỉ khi thật cần thiết tôi mới sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật, mà khi sử dụng phải lựa chọn loại thuốc cho phép sử dụng trên cây chè. Khi phun thuốc, tôi tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách, nhằm đảm bảo an toàn cho sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Hải, Giám đốc HTX chè La Bằng cho biết: Chè VietGAP được sử dụng nhiều phân xanh, phân chuồng ủ hoai mục nên cây rất khỏe, hạn chế được nhiều loại sâu bệnh gây hại. Vì thế mà việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trở nên không cần thiết trong sản xuất chè. Điều này vừa đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và quan trọng hơn cả là tạo ra sản phẩm chè an toàn, chất lượng, có thể tiêu thụ ở thị trường ngoài nước.
Từ những lợi ích đó, đến nay, việc áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP ở La Bằng không còn ở quy mô mô hình nữa mà đã lan rộng ra toàn xã. Hiện nay, 10/10 xóm của xã đều sản xuất chè VietGAP, hầu hết người dân đều sản xuất theo hướng VietGAP, trong đó có 50ha đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tập trung ở các xóm: Tiến Thành, Kẹm, Rừng Vần. Hiện nay, đang làm thủ tục cần giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP thêm trên 41ha.
Hiện sản phẩm chè La Bằng đã có vị thế trên thị trường, khẳng định qua sản lượng tiêu thụ và giá bán sản phẩm. Giá chè La Bằng thường ở mức cao hơn nhiều so với một số địa phương, thời điểm hiện tại, giá 1kg chè khô đang được bán với giá từ 150.000-200.000 đồng/kg. Đối với các diện tích được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đang được bán ở mức trên 340.000 đồng/kg. Ngoài ra, vị thế của chè La Bằng còn được khẳng định ở các giải thưởng về chất lượng như: Năm 2012, sản phẩm chè La Bằng được trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể, đây chính là bước đệm thuận lợi cho nghề làm chè và người trồng chè ở đây từng bước xây dựng thương hiệu chè của mình. Sản phẩm chè La Bằng cũng giành được nhiều giải thưởng về chất lượng tại các cuộc thi như: Giải nhất cuộc thi chất lượng chè Thái Nguyên năm 2004 và 2006, giải vàng về chất lượng tại Liên hoan văn hóa trà tỉnh Thái Nguyên năm 2007 và Liên hoan 10 làng nghề chè ngon nhất tỉnh năm 2009. Mới đây, Công ty chè Hà Thái đã giành được giải Bạc về chất lượng chè tại cuộc thi chè Quốc tế được tổ chức tại Canada một lần nữa khẳng định chất lượng chè La Bằng trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Ngọc Thép, Bí thư Đảng ủy xã La Bằng cho biết: Cây chè là cây trồng chủ lực, cây làm giàu của người dân La Bằng, vì thế thời gian tới, xã tiếp tục dành nhiều sự đầu tư cho cây chè. Cụ thể là, sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về thị trường và nâng cao năng lực thị trường cho nông dân. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân liên kết với các gia đình trồng chè trên địa bàn xã quy hoạch và xây dựng vùng chè nguyên liệu ổn định, đảm bảo kiểm soát về cả số lượng, chất lượng và an toàn thực phẩm.