Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và giúp người dân phát triển kinh tế, huyện Võ Nhai đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, có việc thực hiện mô hình trồng nghệ dược liệu theo hình thức liên kết 4 nhà (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp) nhằm góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Võ Nhai là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông, lâm nghiệp nên thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều mô hình trồng dược liệu, nhưng phần lớn không đạt được mục tiêu đề ra, bởi vấn đề tiêu thụ sản phẩm khó khăn, không phù hợp với thổ nhưỡng.
Đầu năm 2017, huyện Võ Nhai đã phối hợp với Công ty cổ phần Dược API triển khai mô hình trồng nghệ dược liệu, với diện tích 13ha ở 4 xã, thị trấn: Đình Cả, Tràng Xá, Phương Giao, Liên Minh theo mô hình liên kết 4 nhà. Sau 10 tháng trồng, chăm sóc, do phù hợp với thổ nhưỡng đến nay cây nghệ phát triển tốt.
Ông Nguyễn Văn Mít, ở xóm Nho, xã Liên Minh chia sẻ: Gia đình tôi có 2ha đất đồi, đã trồng ngô, đỗ tương, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2017, huyện triển khai mô hình trồng nghệ, gừng nên tôi đăng ký tham gia. Được Nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí mua giống và 20% kinh phí mua phân bón, tôi quyết định bỏ thêm hơn 200 triệu đồng để trồng 2ha nghệ và 1ha gừng. Đến nay, cây nghệ và gừng phát triển rất tốt. Mặc dù chưa đến thời điểm thu hoạch, nhưng chúng tôi đã đào lên kiểm tra và cho thấy, một gốc nghệ đạt được khoảng gần 1kg. Dự kiến, đến khi thu hoạch thì năng suất sẽ đạt hơn 35 tấn/ha (đạt so với mục tiêu đề ra).
Còn ông Dương Công Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp và môi trường Phương Giao cho biết: Các thành viên của Hợp tác xã đã trồng nhiều loại cây trồng, nhưng đều không thành công. Sau khi có mô hình trồng nghệ dược liệu, chúng tôi đã nghiên cứu, bàn bạc và quyết định trồng loại cây này, bởi nó gần gũi với bà con nông dân, phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Đặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra đã có đơn vị ký bao tiêu. Mặc dù, từ khi trồng đến khi thu hoạch là 1 năm, nhưng nếu đạt năng suất như mục tiêu đề ra, giá thu mua như cam kết của Công ty cổ phần Dược API thì hiệu quả kinh tế cao gấp 5 lần so với các cây trồng truyền thống ở địa phương. Bên cạnh đó, kĩ thuật trồng cũng không đòi hỏi cao và ít công chăm sóc hơn gieo cấy lúa.
Mặc dù năm nay thời tiết có diễn biến phức tạp, mưa nhiều khiến năng suất của nhiều loại cây trồng trên địa bàn huyện Võ Nhai bị giảm nhưng cây nghệ vẫn phát triển tốt. Anh Bế Văn Tuyên, cán bộ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Đây là mô hình liên kết 4 nhà nên người dân được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Bình thường, từ khi trồng đến lúc thu hoạch nghệ, mất khoảng 3 lần làm cỏ, nhưng năm nay trời mưa nhiều nên người trồng mất nhiều công làm cỏ hơn. Ngoài ra, người dân cũng cần thường xuyên quan tâm tới việc tưới, tiêu nước và vun sới cho cây nghệ.
Theo tính toán, chi phí trồng, chăm sóc 1ha nghệ, gừng hết khoảng 100 triệu đồng. Trong đó, hơn 80 triệu đồng tiền giống còn lại là tiền mua phân bón, công làm cỏ. Với giá thấp nhất mà đơn vị thu mua ký cam kết và Nhà nước hỗ trợ kinh phí, trừ chi phí, người trồng nghệ thu khoảng 200 triệu đồng/ha. Còn người dân tự bỏ kinh phí trồng thì thu khoảng 150 triệu đồng/ha. Với mức thu nhập này sẽ cao hơn khoảng 5 lần so với trồng ngô, lúa. Đặc biệt, bà con có thể trồng cây nghệ ở đất bãi bồi và trên đồi thấp - những diện tích này trồng các loại cây truyền thống của địa phương kém năng suất. Đối với mô hình trồng nghệ, gừng dược liệu này, người dân không được sử dụng thuốc trừ cỏ nên việc làm cỏ mất nhiều công hơn...
Trồng nghệ, gừng dược liệu là 1 trong 3 mô hình kinh tế khép kín đầu tiên của huyện Võ Nhai. Trong đó, người dân được Nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí mua giống, 20% kinh phí mua phân bón. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, sản phẩm được Công ty cổ phần Dược API cam kết thu mua với giá thấp nhất là 7.000 đồng/kg. Còn khi giá thị trường tăng cao thì Công ty sẽ mua với giá bằng 80% giá thị trường. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần dược API cho biết: Khi thực hiện mô hình này, chúng tôi đã nghiên cứu thổ nhưỡng và trồng thử nghiệm.
Để đảm bảo cây nghệ được trồng ở đây phát triển tốt và cho hàm lượng tinh chất cao để chiết xuất làm dược liệu, Công ty đã cung cấp giống đảm bảo chất lượng. Trong quá trình triển khai, đơn vị thường xuyên lên kiểm tra, đánh giá sự phát triển của cây nghệ, gừng. Qua đó cho thấy, phần lớn người dân đều chăm sóc đúng kỹ thuật, chỉ một số ít hộ dân do thiếu nhân lực nên làm cỏ, bón phân chăm sóc chưa kịp thời, do đó, cây nghệ phát triển chưa đạt so với yêu cầu. Còn ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai chia sẻ: Huyện chỉ hỗ trợ 1 lần đối với tất các hộ tham gia mô hình, còn sau đó, người dân sẽ tự bỏ vốn để triển khai tiếp. Sau khi thu hoạch, huyện sẽ đánh giá, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương khác để triển khai mở rộng diện tích.
Với việc trồng cây nghệ, gừng theo mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm sẽ tạo điệu kiện cho người nông dân có cơ hội phát triển kinh tế. Tuy nhiên, huyện Võ Nhai cần chỉ đạo cơ quan khuyến nông, chính quyền các xã tích cực hướng dẫn, giúp đỡ nông dân trồng nghệ đúng kỹ thuật để đảm bảo chất lượng như đã cam kết với doanh nghiệp và giám sát việc thu hoạch để phòng ngừa việc, khi giá nghệ ngoài thị trường cao hơn giá thu mua của doanh nghiệp lại xảy ra việc bán tháo cho tư thương…