Những ngày này, các khu vực trong tỉnh tiếp tục xảy ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 8-10 độ C, vùng núi có nơi từ 6-8 độ C. Đợt rét xảy ra đúng vào thời điểm nông dân đang tập trung sản xuất vụ xuân, lại cận kề Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao nên công tác phòng, chống rét và dịch bệnh để bảo vệ cây trồng, vật nuôi đang được ngành Nông nghiệp cùng các địa phương tích cực triển khai thực hiện.
Võ Nhai là huyện vùng cao có nhiệt độ thấp hơn các địa phương khác trong tỉnh, bà con nông dân ở đây lại có thói quen chăn thả rông gia súc. Vì thế, ngay từ đầu tháng 11-2017, huyện đã triển khai kế hoạch phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi tới 15 xã, thị trấn trên địa bàn. Chính quyền địa phương cũng đôn đốc bà con chuẩn bị sẵn nguồn thức ăn và tiến hành quây bạt, vệ sinh chuồng trại, tập trung chăm sóc các loài gia súc, gia cầm.
Trong đợt rét đậm, rét hại lần này, nhiều hộ dân đã chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình. Ông Lương Văn Vinh, ở xóm Đồng Ẻn, xã Tràng Xá (Võ Nhai) cho biết: Nhà tôi nuôi 6 con trâu sinh sản. Được cán bộ thú y hướng dẫn, gia đình đã đầu tư 17 triệu đồng làm chuồng, quây bạt kín xung quanh để tránh gió lùa, đồng thời dự trữ rơm khô và trồng 3 sào cỏ voi làm thức ăn cho trâu. Vì thế, nếu thời tiết mưa rét kéo dài, nhà tôi vẫn bảo đảm đủ lượng thức ăn và giữ ấm cho đàn trâu..
Còn tại huyện miền núi Định Hóa, những ngày này nhiệt độ giảm xuống thấp, phổ biến từ 8-10 àöå C. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên phát thông tin về thời tiết và các biện pháp phòng, chống rét, bảo vệ cây trồng, vật nuôi trên hệ thống loa truyền thanh để giúp nông dân chủ động ứng phó. Toàn huyện hiện có trên 11 nghìn con trâu, bò; hơn 44 nghìn con lợn, 22 nghìn con dê và trên 650 nghìn con gia cầm. Những ngày qua, cán bộ Trạm Chăn nuôi - Thú y và tổ trưởng tổ thú y đã đến tận các hộ chăn nuôi để tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm như: gia cố, che chắn chuồng trại kín gió bằng bạt, lá cọ; đốt củi, trấu sưởi ấm cho gia súc; dự trữ thức ăn khô và bổ sung thêm thức ăn tinh (cám, ngô, sắn), sử dụng nước muối để tăng sức đề kháng cho vật nuöi trong những ngày rét đậm. Đặc biệt, khuyến cáo người dân không thả rông gia súc trong những ngày nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C.
Rút kinh nghiệm những mùa đông năm trước, ngay từ đầu vụ rét năm nay, gia đình ông Ma Đình Toàn, xóm Nà Mị, xã Linh Thông (Định Hóa) đã chủ động đưa đàn bò từ rừng về nhà nuôi nhốt để tiện chăm sóc. Ông Toàn chia sẻ: Gia đình tôi có 8 con bò, trị giá hơn 100 triệu đồng. Đây là tài sản lớn nhất của gia đình nên ngay khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, tôi đã tiến hành gia cố, che chắn chuồng trại bằng bao tải và bạt cũ để ngăn gió lạnh, sương muối. Bên cạnh đó, sau khi gặt lúa mùa, gia đình tôi cũng tích trữ một lượng lớn rơm khô để làm thức ăn cho đàn bò trong những ngày nhiệt độ xuống thấp, không thể đưa bò ra ngoài chăn thả. Ngoài ra, tôi còn trồng thêm cỏ và chuẩn bị cám gạo, ngô, sắn, nước muối... để bổ sung, tăng sức đề kháng cho bò trong những ngày rét đậm.
Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi - Thú y, trời mưa kèm theo rét đậm, rét hại sẽ làm giảm sức đề kháng của gia súc, gia cầm. Đối với gia súc thường mắc các bệnh như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả; gia cầm thường mắc các bệnh Newcastle, Gumboro, cúm gia cầm… Vì vậy, cùng với việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi, các hộ chăn nuôi cũng cần đặc biệt chú ý công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh chuồng nuôi; nhất là các khu giết mổ gia súc, xử lý tốt các chất thải chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh.
Song song với việc thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi trước ảnh hưởng xấu của thời tiết, bà con nông dân trong tỉnh cũng đang áp dụng các biện pháp bảo vệ cây trồng các loại. Đến xã Động Đạt (Phú Lương), chúng tôi bắt gặp nông dân đang khẩn trương thu hoạch rau màu vụ đông để chuẩn bị đất cho trồng rau và gieo cấy lúa vụ Xuân. Tuy nhiên, với thời tiết rét đậm như hiện nay, bà con ở đây cũng đang tạm dừng việc trồng rau, gieo mạ vụ xuân và chủ động che chắn cho những diện tích rau, mạ mới gieo. Ông Dương Thanh Đao, Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt cho biết: Nếu như năm trước, thời điểm này, bà con đã gieo cấy được khoảng 50-70% diện tích thì năm nay, nông dân mới bắt đầu gieo mạ, để tránh lúa trỗ vào thời điểm rét, gây ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, chúng tôi cũng tập trung chỉ đạo nông dân thu hoạch cây vụ đông đã đến thời kỳ thu hoạch để bảo đảm năng suất và sản lượng theo kế hoạch; chú ý khoanh vùng cây vụ đông để việc lấy nước đổ ải không làm ngập úng, thối nông sản.
Ông Tô Công Minh, một hộ dân ở xóm Đồng Niêng, xã Động Đạt chia sẻ: Gia đình tôi trồng gần 1ha rau các loại và hoa Lily. Tuy nhiên, diện tích su hào, khoai tây đang cho thu hoạch nên thời tiết rét như hiện nay sẽ không lo bị ảnh hưởng mà chỉ lo nhất là hơn 4 sào bắp cải vừa trồng và 2 sào hoa Lily. Để chống rét cho diện tích bắp cải, gia đình tăng cường bón phân lân để cây khỏe, tuyệt đối không bón đạm vì cây sẽ bị táp lá dẫn đến chết cây. Còn với diện tích hoa Lily, tôi đã dùng túi nilon phủ kín và thắp điện vừa để tránh rét cho cây, vừa điều chỉnh thời gian hoa nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán.
Tại huyện Phú Bình, tính đến nay, bà con đã gieo cấy được khoảng 15% diện tích lúa xuân (kế hoạch là 5.000ha). Hiện, bà con đang tạm ngừng việc gieo mạ và cấy lúa xuân vì nhiệt độ xuống thấp. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện đã phối hợp với các địa phương hướng dẫn bà con nông dân triển khai các biện pháp giữ ấm cho cây trồng. Cụ thể, đối với diện tích lúa đã cấy và gieo sạ, cần đưa nước vào ruộng duy trì ở mực nước tối thiểu 2-3cm liên tục để giữ ấm chân. Đối với diện tích lúa mới gieo sạ khöng tháo nước vào ruộng, tăng cường bón tro bếp, phân lân để tăng khả năng chống rét. Đối với cây màu và cây ăn quả, cán bộ khuyến nông huyện cũng hướng dẫn nông dân tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây trồng, đặc biệt bổ sung thêm phân lân và kali để cây tăng khả năng chống rét; những ngày sương muối cần tưới nước trên mặt lá để làm tan sương.
Trao đổi với chúng tôi, öng Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cho biết: Đối với sản xuất lúa vụ xuân, bà con nông dân cần thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ đã được ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, kết thúc thời vụ gieo cấy trong tháng 2. Đối với những diện tích mạ đã gieo, nếu nhiệt độ xuống dưới 15 độ C và thời gian rét kéo dàu thì tuyệt đối không bón phân lân, NPK, chỉ bón lân và tro bếp. Với những ngày có nhiệt độ trên 20 độ C thì mở nilon ở 2 đầu luống để mạ hấp thụ ánh sáng và quang hợp. Đối với những diện tích mạ đã đủ tiêu chuẩn, nhưng do điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại (dưới 15 độ C) thì ngừng cấy, chờ nhiệt độ ấm lại mới cấy. Bà con cần lưu ý, nếu nhiệt đố dưới 15 độ C tuyệt đối không cấy và gieo thẳng lúa.
Có thể thấy, đến thời điểm này, nhiều biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi đã được ngành Nông nghiệp, bà con trong tỉnh triển khai và bước đầu phát huy hiệu quả, giúp người nông dân chủ động hơn khi phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan.