Huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn

10:30, 19/01/2018

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự nỗ lực, chung sức của người dân, năm 2017, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả nổi bật trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Đặc biệt, việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đã góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn.

Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2017-2020:

- Toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 46% (tính trên tổng số 139 xã)

- Có 7 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 59 xã đạt từ 10-14 tiêu chí  và 9 xã đạt từ 8-9 tiêu chí.                               

- Bình quân toàn tỉnh đạt 15,2 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân chung cả nước (13,69 tiêu chí/xã).

- Đến nay, T.P Thái Nguyên đã được công nhận là địa phương hoàn thành chương trình xây dựng NTM; T.P Sông Công đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để được Chính phủ công nhận.

Trở lại xã Phú Cường (Đại Từ) vào một ngày đầu năm 2018, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng quê thuần nông này. Màu xanh của những nương chè hòa cùng sắc xanh bạt ngàn của những vạt rừng. Không còn cảnh nắng bụi, mưa lầy, cơ bản các tuyến đường liên xóm, trục xóm đều đã được đổ bê tông, tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiêu thụ hàng hóa, nông sản. 

Chị Trần Thị Ngọc, một hộ dân ở xóm Chiềng phấn khởi cho biết: Trước đây, đường liên xã, xóm chủ yếu là đường đất khiến cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa của bà con rất vất vả, nhất là vào mùa mưa. Từ khi có chương trình xây dựng NTM, chúng tôi đã đóng góp tiền, công lao động để làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng. Nhờ vậy, máy móc phục vụ sản xuất cũng được đưa đến tận đồng ruộng, góp phần giải phóng sức lao động. Khai thác lâm sản thì có xe tải đến tận chân đồi thu mua. Người dân ai nấy đều phấn khởi.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Kim Chinh, Chủ tịch UBND xã Phú Cường cho biết: Trong quá trình xây dựng NTM, do điều kiện nguồn lực có hạn nên chúng tôi đã bàn bạc, thống nhất lựa chọn những tiêu chí mà đa số người dân thấy cần thiết thì tập trung làm trước. Cụ thể, xã đã ưu tiên thực hiện nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo khí thế phấn khởi trong dân, vừa được lòng dân. Đến nay, 16,5km đường trục xã, liên xã được bê tông hoặc nhựa hóa; 15,5/21km đường trục xóm, liên xóm và 2km đường trục chính nội đồng và 19,5km kênh mương nội đồng được cứng hóa. Không chỉ có vậy, các trường học trên địa bàn xã cũng được đầu tư cải tạo, xây mới khang trang, đạt trường chuẩn quốc gia. Trạm y tế được cải tạo, nâng cấp có đầy đủ các phòng chức năng, phục vụ tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Năm vừa qua, Phú Cường đã về đích NTM.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để huy động nguồn lực đầu tư, tỉnh đã chủ động ban hành cơ chế hỗ trợ linh hoạt, phù hợp điều kiện cụ thể như: Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, giai đoạn 2018-2020; hỗ trợ 100.000 tấn xi măng cho các địa phương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng NTM năm 2017.

Ngoài cơ chế của tỉnh, các địa phương cũng có nhiều cơ chế, chính sách linh hoạt để huy động nguồn lực thực hiện chương trình. Cụ thể, đối với huyện Đại từ, Đồng Hỷ và T.X Phổ Yên đã ban hành quy định hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà văn hóa xóm trên địa bàn giai đoạn 2017-2020. Các huyện Định Hóa, Võ Nhai và T.X Phổ Yên cũng đã có cơ chế hỗ trợ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn giai đoạn 2017-2020. Còn đối với T.P Sông Công thì có quyết định thực hiện thí điểm cơ chế hỗ trợ xây dựng xóm NTM kiểu mẫu, hộ gia đình NTM tại xã Vinh Sơn.

Ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, Chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết: Để huy động tối đa các nguồn lực, tỉnh xác định cần đẩy mạnh, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, chủ động tham gia Chương trình. Văn phòng điều phối NTM tỉnh đã biên soạn, in, cấp phát 9.000 cuốn bản tin NTM; 1.500 cuốn hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình tới thành viên ban chỉ đạo tỉnh, các cơ quan, địa phương để phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, mục tiêu nhiệm vụ thực hiện Chương trình. Các cơ quan, địa phương tổ chức được 43 cuộc phát động hưởng ứng phong trào thi đua“Chung sức xây dựng nông thôn mới”; vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp trên hơn 1,8 tỷ đồng và hiến 65,71 ha đất để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện, ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu Quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn để xây dựng NTM. Vận động các tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia vào Chương trình. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các xã đăng ký đạt chuẩn trong năm 2017 và các năm tới theo đúng kế hoạch giai đoạn 2016-2020 đề ra.

Nhờ vậy, năm 2017, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt trên 8.115 tỷ đồng, tăng 373 tỷ đồng so với năm 2016. Trong đó, nhân dân đóng góp 313 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn của Trung ương; ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Từ những nguồn vốn này, toàn tỉnh đã xây dựng được 603,6km đường giao thông các loại; nâng cấp, cải tạo 50 hồ đập, 87 km kênh mương, 111 trạm biến áp, 323 phòng học, 21 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 179 nhà văn hóa xóm, 8 trạm y tế, 4 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung... Qua đó, đã tạo nên những đột phá rõ rệt về phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần tích cực thay đổi diện mạo nông thôn mới của tỉnh.