Đại Từ là huyện có diện tích chè lớn nhất tỉnh với 6.333ha trải rộng ở hầu hết các xã trên địa bàn, sản lượng chè búp tươi hằng năm đạt trên 6.300 tấn. Nhằm tăng năng suất, sản lượng, giá bán sản phẩm, những năm qua, ngoài việc hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện đặc biệt chú trọng việc phát triển các làng nghề để từng bước xây dựng thương hiệu, tạo thành chuỗi sản xuất liên kết, đưa cây chè phát triển bền vững.
Năm 2017, huyện Đại Từ được công nhận thêm 5 làng nghề về chè là: xóm 3 và xóm 9, thị trấn Quân Chu; xóm Đoàn Kết, Cầu Đá, Cổ Rồng, xã Hoàng Nông. Như vậy đến nay toàn huyện có tổng số 33 làng nghề chè, trong đó có 4 làng nghề và 29 làng nghề truyền thống. Các làng nghề chủ yếu hoạt động dưới dạng tiểu thủ công nghiệp, quy mô hộ gia đình, với sự tham gia của trên 2.500 hộ thuộc các xã: Phú Lạc, Phú Xuyên, Phú Thịnh, La Bằng, Tiên Hội, Yên Lãng, Tân Linh, Hoàng Nông, Phú Cường, thị trấn Quân Chu và thị trấn Hùng Sơn.
Xác định phát triển các làng nghề chè không chỉ giải quyết được việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người dân, mà còn từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người sản xuất, kinh doanh chè, nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm chè. Nên huyện đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các làng nghề được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến… Trong đó nổi bật nhất là các làng nghề được tham gia tập huấn ứng dụng mô hình khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến, chuyển đổi một số giống mới đưa vào sản xuất, kinh doanh, một số đã đưa giống mới vào trồng thay thế cây chè trung du cũ có năng suất thấp, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã được các hộ tại các làng nghề quan tâm và sản xuát chè an toàn theo quy trình VietGAP. Qua đó, đã nâng cao chất lượng sản phẩm chè của các làng nghề.
Chúng tôi đến làng nghề chè Khuôn Gà, thị trấn Hùng Sơn vào những ngày cuối Đông, cái rét cắt da cắt thịt không ngăn được người dân ở đây ra bãi hái chè, chuẩn bị sản phẩm để bán dịp Tết Nguyên đán. Ông Hoàng Văn Thìn cho biết: Làng nghề chè Khuôn Gà thu hút trên 100 hộ tham gia với khoảng 80ha chè kinh doanh. Nhờ được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nên những năm gần đây, chè Khuôn Gà không ngừng nâng cao về năng suất, sản lượng. Đặc biệt là sản phẩm chè Khuôn Gà được biết đến rộng rãi hơn, thương lái tìm đến thu mua sản phẩm, từ lâu người dân không phải tự đem ra chợ bán và giá bán sản phẩm chè ở đây đã tăng lên rất nhiều. Hiện nay, năng suất chè bình quân của làng nghề đạt 115 tạ/ha, giá bán trung bình 200.000 đồng/kg búp khô, một số hộ bán với giá 300.000-400.000 đồng/kg. Riêng gia đình tôi có hơn 20 sào chè, mỗi năm cho thu 6 lứa, thu về khoảng 300 triệu đồng.
Cũng giống như làng nghề chè Khuôn Gà, sau một thời gian hoạt động, Làng nghề chè Chính phú, xã Phú Xuyên đã có nhiều đổi thay trong cách làm chè và đời sống của người làm chè. Ông Phạm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuyên cho biết: Từ khi thành lập làng nghề, người dân trong làng được không những được tập huấn về trồng, chăm sóc chè mà còn được tham gia đào tạo lớp sơ cấp nghề chế biến và bảo quản chè và được hỗ trợ trang thiết bị chế biến chè như: Tôn quay, máy vò, máy sao bằng gas, thiết bị đóng gói… Đặc biệt, Làng nghề còn tham gia các hội chợ triển lãm để giới thiệu sản phẩm, sản phẩm chè của Làng được quảng bá, tuyên truyền dưới nhiều hình thức nên đã được nhiều người biết đến, chè Chính Phú dần có chỗ đứng trên thị trường, thu nhập người làm chè ngày càng nâng cao, nên người dân làng nghề rất yên tâm tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sau khi thành lập, các làng nghề không chỉ các làng nghề được hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, ngành mà bản thân các làng nghề cũng có sự chủ động hơn, mỗi thành viên làng nghề đều có trách nhiệm hơn trong việc tăng năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cây chè của địa phương mình. Sau khi được UBND tỉnh công nhận, hầu hết các làng nghề đều đã xây dựng quy chế hoạt động và thành lập Ban quản lý làng nghề. Một số hộ dân trong làng nghề đã chủ động liên kết, huy động vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), góp phần bao tiêu sản phẩm của làng nghề, tiêu biểu như: Hợp tác xã chè La Bằng, HTX chè an toàn La Bằng, HTX chè Phương Đông, HTX chè an toàn Đại Phú, HTX chè an toàn Sơn Thành.
Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề tăng lên rõ rệt, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao đời sống cho người dân làng nghề. Các làng nghề này đã giải quyết được khoảng 10.000 lao động với mức thu nhập bình quân đạt từ 3,5 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng. Năng suất chè của các làng nghề bình quân đạt 115 tạ/ha, cao hơn bình quân chung của huyện giá bán bình quân 200.000-250.000 đồng/kg chè khô.
Nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các làng nghề phát triển, huyện Đại Từ đang đẩy mạnh các hoạt động khuyến công nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào các làng nghề chè. Cùng với đó, huyện còn tạo điều kiện để các làng nghề ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Qua đó từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các làng nghề, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ chè.