Những ngày qua, thời tiết diễn biến thất thường, rét đậm, rét hại kéo dài khiến đàn vật nuôi giảm sức đề kháng, nguy cơ phát sinh dịch bệnh tăng cao. Do đó, ngành chức năng cùng các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Định Hóa đã và đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi trên địa bàn.
Theo thống kê, hiện nay, huyện Định Hóa có trên 11 nghìn con trâu, bò; hơn 44 nghìn con lợn, 22 nghìn con dê và trên 650 nghìn con gia cầm. Những năm qua, ngành chăn nuôi đã đóng góp quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Vì vậy, để đảm bảo cho đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh, ngay từ đầu năm 2018 huyện đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi - Thú y phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi để người dân chủ động phòng, chống một số bệnh nguy hiểm như: Dịch cúm H7N9, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả… Theo đó, Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện đã cấp trên 3.000 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng; 4.500 liều vắc xin phòng dịch tả và bệnh tụ huyết trùng trên gia súc... Đồng thời, cấp trên 800 lít hóa chất cho các xã, thị trấn phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Đến nay, các xã đang đồng loạt tiến hành tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm, không chỉ ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà còn ở các trang trại với quy mô lớn.
Mặc dù đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên, thời gian gần đây, do thời tiết diễn biến bất thường, trên địa bàn huyện vẫn xảy ra tình trạng gia súc bị nhiễm dịch bệnh rải rác ở một số địa phương. Mới đây, tại 2 xã Kim Phượng và Quy Kỳ, một số trâu bò và lợn của người dân đã bị mắc bệnh lở mồm long móng. Ngay sau khi nhận được thông tin về việc xuất hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi, UBND huyện Định Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp bao vây, khống chế không để bệnh lây lan; đồng thời, hướng dẫn người dân các biện pháp điều trị bệnh cho gia súc bị nhiễm bệnh; vận động các chủ hộ chăn nuôi chủ động giám sát, kiểm tra đàn gia súc kịp thời phát hiện những con mắc bệnh để nuôi nhốt cách ly và điều trị. Tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh lở mồm long móng đang gặp không ít khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại kéo dài khiến cho sức đề kháng của gia súc bị giảm. Bên cạnh đó, một số hộ dân còn tâm lý chủ quan vì cho rằng bệnh này không nguy hiểm, chỉ cần chữa trị bằng cách xát khế chua, chanh, rắc vôi khử trùng là khỏi.
Trao đổi với chúng tôi, ông La Văn Tám, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện Định Hóa cho biết: Từ hôm 20-1 đến nay, đơn vị đã tiến hành tiêm phòng bao vây được trên 3.000 liều vắc xin tại 2 xã Quy Kỳ, Kim Phượng và các xã lân cận để khống chế bệnh lây lan; đồng thời, cấp trên 400 lít hóa chất cho bà con nhân dân phun tiêu độc khử trùng tại khu vực chăn nuôi. Ông Tám cho biết thêm: Đến thời điểm này vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để chữa trị bệnh lở mồm long móng. Vì vậy, những ngày qua, ngoài việc lập tức tiêm thuốc kháng sinh thì chúng tôi đã hướng dẫn người dân dùng dung dịch Biocid hoặc giã nhỏ lá khế rồi trộn với nước chanh để rửa vết thương trên cơ thể đàn trâu, bò bị mắc bệnh một cách thường xuyên.
Anh Hà Văn Đào, trú tại xóm Bản Lanh, xã Kim Phượng (Định Hóa) cho biết: “Sáng 19-1, tôi phát hiện con bò và 13 con lợn của gia đình có hiện tượng bỏ ăn, miệng sưng, chân đi tập tễnh, móng chân có nhiều vết lở loét... Ngay lập tức, tôi đã báo cáo sự việc cán bộ thú y và chính quyền địa phương. Sau khi kiểm tra, cán bộ thú y xã xác định, bò và lợn của gia đình anh Đào bị mắc bệnh lở mồm, long móng”. Để ngăn chặn bệnh lây lan sang các hộ gia đình khác, chính quyền địa phương đã tiến hành lập biên bản tiêu hủy toàn bộ 13 con lợn của gia đình anh Đào và hỗ trợ gia đình anh theo quy định. Đối với con bò bị nhiễm bệnh, cán bộ thú y xã đã yêu cầu gia đình nuôi nhốt cách ly và hướng dẫn các biện pháp điều trị bệnh. Sau 1 tuần điều trị, đến nay, con bò của gia đình anh đã ăn uống trở lại bình thường.
Với sự nỗ lực vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn, tính đến ngày 8-2, bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc ở 2 xã Kim Sơn và Quy Kỳ đã được khoanh vùng và cơ bản khống chế, 1/3 số gia súc bị mắc bệnh được chữa khỏi về triệu chứng lâm sàng. Hiện tại, các cơ quan chuyên môn đang tiếp tục phối hợp với người dân điều trị bệnh cho số trâu, bò bị bệnh còn lại. Đồng thời, hướng dẫn bà con triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm khác nhằm bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi.
Ông Phạm Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh tiềm ẩn trong môi trường, giảm nguy cơ mắc bệnh cho đàn gia súc. Bên cạnh đó, chỉ đạo Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện tập trung tiêm phòng cho đàn vật nuôi một cách triệt để, tăng cường cử cán bộ chuyên môn đi kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn...