Những ngày này, tại các vườn đào của Làng nghề hoa đào Cam giá, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) luôn tấp nập người vào ra tham quan và mua đào. Những khu vườn rực rỡ sắc hoa, lộc biếc đang đem lại cho người dân nơi đây nguồn thu nhập ổn định, góp phần mang lại đời sống khấm khá hơn mỗi độ Xuân về.
Người trồng đào đầu tiên của làng là cụ Nguyễn Văn Trực. Ban đầu, đào chủ yếu được trồng xen với nhiều loại cây khác trong vườn, thường để mọc tự nhiên ít cắt cành, uốn tỉa. Mấy năm nay, do hiệu quả kinh tế vượt trội, người dân chuyển sang trồng đào chuyên canh. Hiện tại, tổng diện tích trồng đào ở Cam Giá đã đạt 8,5ha với gần 300 hộ trồng đào, phân bố từ tổ 7 đến tổ 19. Trong đó, đào cổ thụ có khoảng 6.200 cây, đào thế và đào nhỏ các loại đạt trên 37.000 gốc với các chủng loại chủ yếu là đào Bích, đào Phai, đào Mốc, đào Bạch…
Cả làng trồng đào nhưng có nhà trồng đào cành, có nhà trồng đào cây, đào thế. Tuy nhiên, theo những hộ trồng đào ở đây thì đào cành trồng dễ, được trồng phổ biến, trồng đào thế mất công chăm sóc, tỉ mẩn uốn nắn nhưng lợi nhuận cao hơn. Dù trồng loại đào nào, thì người trồng cũng phải trải qua quá trình chăm sóc công phu, quan trọng nhất là quá trình tuốt lá, khoanh vỏ để điều chỉnh quá trình sinh trưởng của cây. Ông Dương Đình Thi, một hộ trồng đào lâu năm ở Cam Giá chia sẻ: Những năm gần đây, người chơi đào có xu hướng mua đào để trưng Tết sớm. Để đáp ứng nhu cầu của khách, chúng tôi đã có sự thay đổi kỹ thuật, cho đào nở hoa thành 2-3 đợt thu. Cụ thể là ngắt lá sớm, khoanh vỏ giữa thân và chặt bớt rễ phụ xung quanh gốc để hạn chế chất dinh dưỡng đi lên nuôi cây. Nếu không tỉ mỉ, đào ghép mọc xấu, làm nụ, nhú lộc lỡ dịp là mất trắng.
Ngoài giống đào cổ truyền, vài năm trở lại đây, người trồng đào ở Cam Giá đã cất công lên vùng cao để mua những gốc đào rừng cổ thụ ở Sơn La, Lai Châu, Hà Giang… Mỗi gốc đào cổ thụ đẹp được mua với giá từ 2-3 triệu đồng, sau đó người trồng thực hiện ghép mắt đào phai, đào bích hoa đỏ, rồi tạo tán công phu. Có những gốc sau 2-3 năm mới bắt đầu bán và cho thuê được. Trung bình, mỗi gốc đào đẹp có giá từ 5-7 triệu đồng, giá cho thuê bằng 1 nửa giá bán. Giá bán đào cành từ 70.000 -200.000 đồng/cành. Những gốc đào cành vừa cắt, người dân lại tiếp tục chăm sóc, uốn tỉa để phát triển thành đào cây có thế, dáng cho các năm tiếp theo. Tùy vào độ già và độ đẹp mà giá đào gốc dao động từ 300.000-600 .000 đồng/cây. Theo nhận định của một số chủ hộ trồng đào, năm nay thời tiết thuận lợi, là rét đúng đợt “hãm” đào nên khá được mùa, hoa sẽ đẹp và đặc biệt là giá cả không tăng so với mọi năm.
Có mặt tại Làng nghề hoa đào Cam Giá vào những ngày cận Tết Nguyên đán, chúng tôi được tận mắt chứng kiến không khí chuẩn bị Tết đang nhộn nhịp lên từng ngày. Từ cổng UBND phường Cam Giá, biển chỉ dẫn vào làng nghề, từng nhà vườn được treo ngay ngắn hai bên đường. Gặp chúng tôi khi đang mải ngắm các gốc đào cổ thụ, chị Nguyễn Thị Thu Giang, tổ 16, phường Quang Trung cho biết: Khoảng 3-4 năm nay, cứ độ gần Tết là vợ chồng tôi lại cùng nhau đi xem đào tại Làng nghề. Tôi thường thuê cây lớn để đặt tại sân nhà, giá hợp lý hơn là mua đứt rồi qua Tết lại bỏ đi, rất lãng phí. Sau khi đặt cọc, nhà vườn sẽ đánh số, treo biển để chứng tỏ “hoa đã có chủ” rồi chở đến nhà theo yêu cầu. Tham khảo một số nhà vườn, tôi thấy giá đào năm nay tương đối ổn định, một số hộ có tăng nhưng không nhiều. Do vậy, chúng tôi phải đến đây từ rất sớm để không bị lỡ mất cây đẹp.
Nhờ trồng đào mà đời sống người dân Làng đào Cam Giá đi lên trông thấy. Những ngôi biệt thự mới nằm ngay sát vườn đào. Chị Hoàng Thị Hòa, tổ 9, cho biết: Gia đình tôi trồng đào từ năm 1990. Làm ruộng vẫn là nghề chính, thế nhưng trồng đào lại đem đến thu nhập chủ yếu cho gia đình, con cái có điều kiện học hành, nhà cửa cũng khang trang hơn. Với hơn 250 gốc đào, gia đình tôi thu về 150-180 triệu đồng/năm. Được biết, doanh thu từ trồng đào tại Làng nghề hiện đạt gần 1,7 tỷ đồng/ha, nhà trồng nhiều có thể thu từ 600-700 triệu đồng, nhà trồng ít cũng vài chục triệu đồng…