Khi phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ kinh tế gia đình

14:57, 20/02/2018

Thông qua hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số trong tỉnh đã nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương…

Chị Ma Thị Hằng, dân tộc Tày, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch Kim Phượng (xóm Cạm Phước, xã Kim Phượng, Định Hoá) là tấm gương phụ nữ dân tộc thiểu số tiêu biểu trong phát triển kinh tế, làm chủ kinh tế gia đình. Từ hai bàn tay trắng, chị làm nhiều nghề để kiếm sống như đi buôn gạo, mở dịch vụ xay xát kết hợp nuôi lợn; làm thuê cho các công trình giao thông tại Sơn La, Yên Bái… Khi tích luỹ được chút vốn, chị về mở trang trại chăn nuôi lợn kết hợp với kinh doanh thức ăn chăn nuôi.  Khi ngành chăn nuôi gặp khó khăn bị lỗ gần 1 tỷ đồng song chị vẫn không nản lòng và tìm một hướng đi mới.

Nhận thấy Định Hoá có nhiều sản vật ngon song lại rất ít mặt hàng có thương hiệu và đầu ra ổn định nên chị đã bàn với các chị em trong xóm liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo công ăn việc làm ổn định cho mọi người. Đồng thời tham khảo ý kiến, tranh thủ sự giúp đỡ của các ban, ngành của huyện để thành lập HTX chăn nuôi sản xuất, nông sản sạch Kim Phượng. Theo đó, HTX có 17 thành viên, vốn điều lệ gần 2 tỷ đồng, chia thành 5 nhóm đảm nhận các công việc như: làm mỳ, trồng rau, làm bún tươi, làm bánh gio và nhóm giới thiệu sản phẩm. Dù mới đi vào hoạt động, song các sản phẩm của HTX đã được nhiều người biết đến và đặt hàng. Thu nhập bình quân của xã viên đạt 4 triệu đồng/người/tháng. Chị trở thành nữ chủ nhiệm HTX đầu tiên của huyện cũng là người đầu tiên xây dựng được thương hiệu Mỳ gạo Bao thai cũng như đưa các sản vật của Định Hoá ra thị trường. Chị Hằng cho hay: Trong quá trình phát triển kinh tế, tôi được giúp đỡ rất nhiều từ các ban, ngành đặc biệt là cấp Hội Phụ nữ. Song muốn thoát nghèo tôi nghĩ, bản thân mình phải tự nỗ lực trước.

Hay như chị Đàm Thị Quy, dân tộc Nùng,  xóm Non Tranh, xã Tân Thành (Phú Bình), ngoài 30 tuổi đã gây dựng được trang trại chăn nuôi gà ấp trứng chuyên nghiệp trị giá hàng tỷ đồng. Chị thành lập Công ty TNHH giống gia cầm Vạn Phúc, tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng. Không những thế, chị còn tích cực tham gia hoạt động từ thiện, ủng hộ tiền cho xóm làm đường giao thông, ủng hộ cho Chi hội Phụ nữ xóm, các cháu thiếu nhi với số tiền trên 10 triệu đồng, nuôi dạy các con chăm ngoan, học giỏi. Với những thành tích đó, chị được nhận bằng khen hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi cấp tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Để giúp cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, các cấp Hội đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: Vận động chị em thực hiện các phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”,“Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến phát triển kinh tế, các chính sách liên quan đến công tác dân tộc… bằng nhiều hình thức như: Duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ "Trợ giúp pháp lý", “Bình đẳng giới”; “Phụ nữ dân tộc, tôn giáo làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ dân tộc, tôn giáo giúp nhau phát triển kinh tế"; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên phụ nữ dân tộc.

Đặc biệt, thông qua uỷ thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), các cấp Hội đã tạo điều kiện cho chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, hộ nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các nguồn vốn vay thuận lợi và kịp thời. Qua đó giúp chị em phát huy được tính tự chủ trong phát triển kinh tế, khai thác thế mạnh và điều kiện gia đình, địa phương, mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, gắn với sản xuất thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Năm 2017, có hơn 3 nghìn hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số được vay vốn của NHCSXH, Ngân hàng Nöng nghiệp & PTNT và các tổ chức tín dụng khác. Ngoài ra, các cấp Hội vận động chị em tham gia mô hình phát triển kinh tế tập thể tổ hợp tác, hợp tác xã, chăn nuôi thành trang trại, gia traåi... Toàn tỉnh có 3 hợp tác xã do phụ nữ dân tộc thiểu số làm Chủ tịch HĐQT/Giám đốc Hợp tác xã, có 325 phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi các cấp.

Với nỗ lực của bản thân, sự quan tâm của cấp, ngành chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước thoát nghèo, làm giàu, khẳng định vị thế trong gia đình, xã hội góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.


Toàn tỉnh hiện có hơn 250 nghìn hội viên hội phụ nữ, trong đó có hơn 46 nghìn phụ nữ là dân tộc thiểu số (chiếm hơn 18%). Những năm qua, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành đặc biệt là Hội Phụ nữ các cấp, sự nỗ lực của mỗi chị em nên đời sống kinh tế, văn hoá của phụ nữ dân tộc thiểu số nâng lên rõ rệt. Năm 2017, các cấp hội giúp hơn 1.400/4.687 hộ nghèo dân tộc thiểu số, trong đó có 152 hộ đã thoát nghèo.