Khởi sắc trên những miền quê

14:08, 19/02/2018

Trở lại một số xã của huyện Phú Lương, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự phấn khởi của bà con nơi đây. Bởi lẽ, xóm làng đổi mới, giao thông đi lại thuận tiện, kinh tế phát triển… Đó chính là những thành quả mà nhiều năm nay nông dân Phú Lương đóng góp dựng xây khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Trong tiết trời Xuân se lạnh, trở lại xã Động Đạt - địa phương vừa hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM của huyện Phú Lương, chúng tôi cảm thấy sự đổi thay rõ nét ở nơi này. Các tuyến đường trục xóm được trải bê tông phẳng lỳ, trên những cánh đồng là một màu xanh ngát của các loại rau đang vào vụ thu hoachch. Öng Vi Văn Thái, Bí thư Chi bộ xóm Làng Ngòi cho biïët: Vừa rồi, xóm chúng tôi đăng ký làm 1,3km đường trục xóm, dự kiến trong tháng 10 Âm lịch sẽ làm 800m, còn lại để ra Giêng hoàn thiện. Thế nhưng, khi được Nhà nước cấp xi măng cho cả tuyến, sẵn có nguồn nguyên liệu nên chúng tôi quyết định làm luôn cả 1,3km. Tết này, bà con chúng tôi có thể chạy xe trên đường bê tông từ đầu đến cuối xóm mà không phải đi đoạn đường đất nào.

Khoe với chúng tôi, ông Nguyễn Công Hoan, Chủ tịch UBND xã Động Đạt cho biết: Hết năm 2016, trong 19 tiêu chí nông thôn mới, xã còn 5 tiêu chí chưa hoàn thành, trong đó có các tiêu chí cần nguồn vốn lớn để đầu tư như: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa. Do đó, sang năm 2017, khi xã được huyện chọn làm điểm, chúng tôi đã tập trung vào việc hoàn thiện các tiêu chí này. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước về nguồn vốn và xi măng, xã đã vận động nhân dân đối ứng, hiến đất với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Nhờ đó, cuối năm 2017, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Hiện nay, 100% đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; trên 65% đường trục xóm được cứng hóa; 100% đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; gần 54% hệ thống kênh mương được kiên cố hóa…

Không chỉ ở xã Động Đạt, đến các xã khác của huyện Phú Lương như Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô, Hợp Thành… chúng tôi cũng thấy vùng quê nơi đây khác trước rất nhiều. Ở Vô Tranh và Tức Tranh, sau khi về đích NTM (xã Tức Tranh về đích năm 2015, xã Vô Tranh về đích năm 2016), các địa phương này đã tập trung vào nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó chú trọng tiêu chí thu nhập. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã Tức Tranh đạt 30 triệu đồng/người/năm (năm 2015, mới đạt trên 25 triệu đồng/người/năm); xã Vô Tranh đạt 32 triệu đồng/người/năm (tăng 3 triệu đồng/người/năm so với năm 2016).

Người dân làng nghề chè cụm Khe Cốc, xã Tức Tranh được Hiệp Hội Làng nghề tỉnh hỗ trợ máy sao chè nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bà Dương Thị Liên, Chủ tịch UBND xã Tức Tranh cho biết: Năm 2017, Tức Tranh được huyện, tỉnh lựa chọn là xã NTM kiểu mẫu. Khi có quyết định này, chúng tôi đã khẩn trương phổ biến nội dung tới các ban, ngành, đoàn thể của xã và người dân. Mục đích là để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đến năm 2020, xã sẽ đạt kiểu mẫu theo đúng Bộ tiêu chí NTM của tỉnh. Năm qua, xã chúng tôi cũng đã hoàn thiện 7 tuyến đường trục xóm với chiều dài 5,4km, tổng nguồn vốn đầu tư gần 3,3 tỷ đồng. Ngoài ra, xã cũng đã quy hoạch vùng sản xuất chè tập trung tại xóm Gốc Gạo với quy mô 15ha. Mục đích là sẽ chuyển đổi sang trồng một giống chè cành LDP1, sản xuất theo hướng hữu cơ. Theo kế hoạch, trong 5 tiêu chí NTM kiểu mẫu chưa đạt  được (gồm: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, quốc phòng an ninh và giao thông), địa phương sẽ phấn đấu đạt được vào năm 2019, hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch.

Với mục tiêu phấn đấu sẽ có 1 xã đạt chuẩn NTM (xã Động Đạt), 1 xã xây dựng NTM kiểu mẫu (xã Tức Tranh), duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, ngay từ đầu năm 2017, huyện Phú Lương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 của huyện, ra thông báo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo. Đồng thời, tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình tại các xã nhằm đánh giá thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn và đề ra giải pháp thực hiện. Theo đó, trong năm, huyện đã huy động gần 53 tỷ đồng để thực hiện Chương trình, trong đó, ngân sách Nhà nước là hơn 45 tỷ đồng, đóng góp của người dân hơn 7,6 tỷ đồng. Với nguồn vốn trên, huyện đã xây dựng được 70 công trình đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài là 45km; xây mới 18 công trình thủy lợi với chiều dài 5,8km; xây mới và sửa chữa 15 nhà văn hóa…

Không chỉ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, năm qua, huyện Phú Lương đã tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Năm qua, các phòng chuyên môn của huyện đã phối hợp với các xã tổ chức 182 lớp tập huấn với các nội dung như: Sản xuất chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chỉ dẫn địa lý cho lúa nếp vải; kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… thu hút trên 9.100 lượt người tham dự; triển khai 5 mô hình phát triển sản xuất và 1 dự án giảm nghèo; triển khai 2 dự án là trồng cây khôi nhung (quy mô 5ha) và nhân rộng mô hình chăn nuôi ngựa bạch… Từ đó, kinh tế của nhân dân đã có những bước phát triển, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người. Đến nay, đã có 9/13 xã có mức thu nhập bình quân đầu người trên 26 triệu đồng/người/năm, hoàn thành tiêu chí thu nhập.

Với những nỗ lực đó, đến cuối năm 2017, huyện Phú Lương đã đạt được kế hoạch đề ra, xã điểm là Động Đạt đã hoàn thành 19/19 tiêu chí với 98,2/100 điểm; xã Tức Tranh đạt 14/19 tiêu chí NTM kiểu mẫu. Ngoài ra, các xã khác đều đạt được từ 2-3 tiêu chí trở lên. Hiện nay, huyện Phú Lương đã có 6 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí; 2 xã đạt 15-18 tiêu chí; 5 xã đạt từ 10-14 tiêu chí. Ông Ma Tiến Kốp, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình XDNTM huyện Phú Lương cho biết: Năm 2017 là năm đầu tiên các xã thực hiện theo Bộ tiêu chí mới của tỉnh giai đoạn 2017-2020, các nội dung đòi hỏi cao hơn trước. Do đó, các địa phương phải rất nỗ lực mới hoàn thành được kế hoạch đề ra. Nhờ đó, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện mới có được sự đổi thay như hiện nay. Hệ thống điện, đường, trường, trạm ở các xã cơ bản được đầu tư khang trang, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Theo kế hoạch, năm 2018, huyện phấn đấu sẽ có xã Hợp Thành về đích nông thôn mới, ngoài ra, các xã khác đạt từ 2-3 tiêu chí trở lên. Để đạt được mục tiêu này, huyện sẽ cần khoảng 51 tỷ đồng, trong đó, sẽ tranh thủ cả sự đầu tư của Nhà nước và huy động nhân dân đóng góp đối ứng.