Sau những ngày đón Tết Nguyên đán vui vẻ, đầm ấm, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân trong tỉnh đang tất bật xuống đồng gieo cấy lúa xuân với hy vọng có một mùa vàng bội thu.
Mặc dù mới là ngày mùng 5 Tết nhưng trên khắp các cánh đồng ở xã Quy Kỳ (Định Hóa), không khí sản xuất vụ xuân đã rất hối hả. Người be bờ, bơm nước, người san mặt ruộng, cấy lúa. Bà Trần Thị Thìn, ở xóm Tồng Củm cho biết: Vụ xuân này, gia đình tôi cấy hơn 5 sào lúa thuần Khang dân 18. Ngay từ đầu vụ, được cán bộ khuyến nông xã khuyến cáo năm nay vụ xuân sẽ có những diễn biến phức tạp về thời tiết nên gia đình đã chủ động sử dụng giống lúa ngắn ngày, áp dụng hình thức cấy mạ khay, mạ non để bảo đảm năng suất... Được biết, vụ xuân năm nay, huyện Định Hóa có kế hoạch gieo cấy 4.000ha lúa (tương đương với vụ xuân năm 2017), phấn đấu năng suất bình quân đạt 54 tạ/ha, sản lượng đạt trên 21.600 tấn. Là một trong những địa phương thường gặp khó khăn về nguồn nước tưới nên ngay từ đầu năm 2018, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động tích trữ nước tại các hồ, đập thủy lợi, đồng thời khuyến cáo bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ làm đất để kịp thời vụ gieo cấy. Cùng với đó, huyện cũng chủ động triïín khai các biện pháp ứng phó với những bất lợi do thời tiết gây ra đối với sản xuất như hạn hạn, rét đậm, rét hại); xây dựng phương án chống hạn sát với tình hình thực tiễn của địa phương.
Không chỉ ở Định Hóa, hòa chung không khí sản xuất đầu xuân mới, nông dân huyện Đồng Hỷ cũng đang tập trung xuống đồng gieo cấy lúa xuân. Bà Nguyễn Thị Hoa, ở xóm Tân Thái, xã Hóa Thượng cho biết: Theo khuyến cáo của cán bộ khuyến nông, sau ngày 23 tháng Chạp gia đình tôi mới gieo mạ khay và ăn Tết xong, từ ngày mùng 4 Tết nhà tôi bắt đầu xuống đồng và đã hoàn thành việc gieo cấy 5 sào lúa giống Thiên ưu 8. Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng phân bón hữu cơ, bón phân cân đối giúp cây lúa khỏe, chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của thời tiết. Được biết, vụ xuân năm nay, nông dân huyện Đồng Hỷ tập trung gieo mạ từ ngày 15-1 đến 5-2 và cấy từ ngày 10 đến 25-2. Cùng với đó, để cây lúa phát triển tốt, các ngành chức năng của huyện khuyến cáo nông dân tập trung thăm đồng để phát hiện ốc bươu vàng và các loại sâu bệnh đạo ôn, rầy nâu trên cây lúa kịp thời.
Đối với huyện Đại Từ, rút kinh nghiệm từ các vụ sản xuất trước, bước vào sản xuất vụ xuân năm nay cùng với chỉ đạo nông dân gieo mạ đúng theo lịch thời vụ, huyện Đại Từ còn hướng dẫn, đôn đốc nông dân thực hiện che phủ nilon giữ ấm cho mạ trong những ngày nhiệt độ xuống thấp do vậy đã bảo đảm đủ mạ phục vụ gieo cấy lúa xuân. Hiện nay, bà con đang tập trung gieo cấy rộ.
Còn tại T.X Phổ Yên, tính đến thời điểm này đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy trên 4.000ha lúa. Trước Tết Nguyên đán, nông dân trên toàn thị xã đã xuống giống 70% diện tích lúa xuân. Tuy nhiên, do các đợt không khí lạnh tăng cường khiến cho cây lúa phát triển chậm hơn, đồng thời, xuất hiện một số sâu bệnh gây hại như ốc bươu vàng, bọ trĩ, chuột… Anh Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: Để bảo đảm cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, chúng tôi khuyến cáo bà con thường xuyên thăm đồng, giữ nước trong ruộng từ 3-5cm kết hợp bón thêm kali, phân lân hoặc phân chuồng ủ mục để giữ ấm cho cây lúa. Riêng đối với ốc bươu vàng, bà con nên áp dụng phương pháp bắt thủ công hoặc sử dụng một số loại thuốc đặc trị (Dioto 250EC, Deadline Bullet 4%, Snail 700 WP…) để tiêu diệt. Hiện nay, bà con đang tập trung bón phân và làm cỏ đợt 1 để thúc đẩy quá trình đẻ nhánh.
Vụ xuân thường đối mặt với nguy cơ hạn hán do thiếu nước. Vì vậy, để dẫn nước nhanh và thông suốt, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, đơn vị được giao quản lý 42 hồ chứa, 37 đập dâng và 5 trạm bơm trên địa bàn tỉnh đã huy động hơn 50 tỷ đồng để sửa chữa, bảo dưỡng 50 hạng mục, trong đó có các công trình thủy lợi và 10.000m kênh mương thuộc các huyện: Đại Từ, Phú Bình, Đồng Hỷ và Định Hóa. Đối với các trạm bơm, Công ty cũng đã duy tu, sơn sửa, lau dầu mỡ để sẵn sàng hoạt động tốt. Trước mỗi vụ sản xuất, Công ty đều phối hợp với các địa phương tăng cường việc kiểm tra, tu sửa các đập thủy lợi, phát dọn, nạo vét hệ thống kênh mương để bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất. Nhìn chung đến thời điểm này, các điều kiện cho vụ xuân tương đối thuận lợi, dung tích các hồ chứa đạt từ 70-90% công suất thiết kế.
Được biết, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 28.960ha lúa (giảm 40ha so với vụ xuân 2017), trong đó trà xuân sớm chiếm 2-3% diện tích, còn lại 97-98% là trà xuân muộn. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, sản xuất vụ xuân năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, nguồn nước tưới cơ bản đáp ứng nhu cầu, giá giống lúa, vật tư, phân bón ổn định. Đến thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh đã gieo cấy đạt trên 20% diện tích, phấn đấu hoàn thành việc gieo cấy trong tháng 2. Về cơ cấu giống, ngành Nông nghiệp khuyến cáo bà con tiếp tục chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng chất lượng, hiệu quả; tập trung sử dụng các giống ngắn ngày, chất lượng cao, chống chịu khá với sâu bệnh và diễn biến bất thuận của thời tiết. Cụ thể như các giống lúa lai: TH3-3, HKT99, Thịnh dụ 11, Th3-5, BTE1... và các giống lúa thuần: Bắc thơm số 1, Thiên ưu 8, J02, Hồng Đức 9, DQ11... Về cơ chế chính sách, năm nay, bà con tiếp tục được hỗ trợ 30.000 đồng/sào đối với những diện tích gieo cấy giống lúa lai, lúa thuần nằm trong cơ cấu hỗ trợ giá giống của tỉnh.
Trao đổi với chúng tôi, öng Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ ngày 22-2 sẽ có đợt không khí lạnh tăng cường, các khu vực trong tỉnh có mưa, mưa nhỏ rải rác, trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 14-16 độ C, vùng núi từ 12-14 độ C. Đợt rét này trùng với thời điểm bà con đang tập trung gieo cấy, lúa non mới cấy sức chống chịu kém, rất dễ bị thiệt hại. Vì vậy, bà con nông dân trong tỉnh cần chủ động theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để có biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại; đồng thời, chuẩn bị lúa giống để gieo cấy bổ sung khi thời tiết diễn biến cực đoan. Đặc biệt, nếu thời tiết rét dưới 15 độ C, bà con tuyệt đối không gieo sạ hoặc cấy lúa. Đối với diện tích lúa mới cấy, bà con nông dân cần tích cực kiểm tra đồng ruộng, phát sinh sâu bệnh gây hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, nhất là đối với các loại dịch hại như ốc bươu vàng, chuột, sâu cuốn lá... không để ảnh hưởng đến năng suất.