Mặc dù xuất phát điểm thấp nhưng sau 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), Thái Nguyên đã đạt được những kết quả ngoài sự mong đợi. Thời điểm này, toàn tỉnh đã có 64 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 46%. Đặc biệt, T.P Thái Nguyên đã được công nhận là địa phương hoàn thành Chương trình xây dựng NTM; T.P Sông Công đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để được Chính phủ công nhận.
Một ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm Thượng Đình (Phú Bình), là 1 trong 12 xã của tỉnh đã về đích NTM trong năm 2017 vừa qua. Làng quê Thượng Đình thanh bình nằm dọc bên bờ sông Cầu hiền hòa. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây trồng vụ đông phát triển tươi tốt, bà con đang phấn khởi chờ đón ngày thu hoạch. Ông Dương Hồng Thủy, xóm Trại Mới, xã Thượng Đình nói: Nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nên giờ đây người nông dân chúng tôi không còn vất vả như trước nữa. Thay vào đó, từ khâu làm đất, gieo hạt, phun thuốc trừ sâu đến bơm nước tưới rau cũng đều được máy móc hỗ trợ. Còn bà Dương Thị Đào, xóm Dô, xã Thượng Đình cho hay: Từ khi thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội như hệ thống đường điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế đã được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố. Nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm được hỗ trợ phát triển; những cánh đồng chuyên canh được hình thành giúp tăng năng suất, tăng thu nhập cho người dân, nhờ đó, cuộc sống của chúng tôi ngày càng ổn định.
Có thể nói, Chương trình xây dựng NTM đã và đang mang đến luồng sinh khí mới, góp phần tạo nên diện mạo tích cực cho các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2017, toàn tỉnh có 12 xã đạt chuẩn NTM, tăng 2 xã so với kế hoạch. Hiện, tỉnh còn 75 xã đang tích cực hoàn thiện các tiêu chí NTM để phấn đấu “về đích” trước năm 2020. Trong đó, 7 xã đã đạt từ 15-18 tiêu chí; 59 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 9 xã đạt từ 8-9 tiêu chí... Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh cho biết: Từ năm 2017, các địa phương phải thực hiện theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020. Theo đó, hầu hết các tiêu chí đều yêu cầu cao hơn so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cấp chính quyền và đông đảo người dân, Chương trình xây dựng NTM của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần tạo nên những đột phá rõ nét trong phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn.
Toàn tỉnh hiện có 122 xã đạt tiêu chí y tế theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020 (chiếm tỷ lệ 87,8%). Trong ảnh: Khám chữa bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Phú Cường (Đại Từ).
Đạt được những kết quả trên là nhờ các địa phương đã tích cực huy động và lồng ghép các nguồn lực để thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM. Theo đó, năm 2017, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt trên 8.115 tỷ đồng, tăng 373 tỷ đồng so với năm 2016. Trong đó, nhân dân đóng góp 313 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn của Trung ương; ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác. Từ những nguồn vốn này, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 603 km đường giao thông các loại; nâng cấp, cải tạo 50 hồ đập, 87 km kênh mương, 111 trạm biến áp, 323 phòng học, 21 nhà văn hóa và khu thể thao xã, 179 nhà văn hóa xóm, 8 trạm y tế, 4 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung... Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn đã từng bước được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu về sản xuất, dân sinh và đời sống tinh thần cho người dân.
Đặc biệt, trong năm qua, UBND tỉnh đã cân đối, bố trí trên 8,4 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM và 18.112 tấn xi măng để hỗ trợ cho các địa phương thực hiện 11 dự án, mô hình phát triển sản xuất. Ngoài ra, thông qua nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng, người dân nông thôn đã được vay để đầu tư phát triển sản xuất với dư nợ lên tới trên 6.400 tỷ đồng. Tỉnh đã chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như mô hình cánh đồng mẫu lớn tại huyện Phú Bình, mô hình sản xuất rau an toàn, canh tác trong nhà kính tại T.P Thái Nguyên, T.X Phổ Yên và huyện Đại Từ...
Cùng với đó, năm qua, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường ở nông thôn cũng được đặc biệt chú trọng. Các địa phương tích cực đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp học và hệ thống y tế cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 129 xã đạt tiêu chí Giáo dục (chiếm 92,8%); 122 xã đạt tiêu chí y tế (chiếm 87,8%). Phong trào xây dựng xã, xóm, cơ quan và gia đình văn hóa ngày càng phát triển sâu rộng. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh và ngày càng đa dạng. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 106 xã đạt tiêu chí số 16 (có từ 70% trở lên xóm đạt danh hiệu văn hóa), chiếm tỉ lệ 76,3%; 69 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm (chiếm 49,6%).
Mô hình chăn nuôi thỏ cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm của gia đình bà Hoàng Thị Sinh, xóm Đồng Ké, xã Phúc Chu (Định Hóa).
Bước sang năm 2018, tỉnh ta đặt mục tiêu có thêm 10 xã trở lên đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí; tiếp tục xây dựng 9 xã NTM kiểu mẫu; duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM... Để đạt được mục tiêu đó, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM; tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, kết hợp nguồn vốn ngân sách địa phương và sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh cho các địa phương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn...