Chú trọng tuyên truyền tiêm phòng cho vật nuôi

16:25, 19/03/2018

Hiện nay, huyện Phú Lương đang triển khai đợt tiêm phòng lần 1 (từ ngày 18-3 đến 15-4) cho đàn gia súc, gia cầm. Để tỷ lệ tiêm phòng đạt cao, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc thống kê số lượng gia súc, gia cầm, đẩy mạnh tuyên truyền về  tác dụng tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Bà Nịnh Thị Thắng, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Lương cho biết: Lâu nay, một số người dân trên địa bàn huyện còn có tư tưởng chủ quan không đưa vật nuôi đi tiêm phòng. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh dễ phát sinh trên đàn vật nuôi, gây thiệt hại về cả về người và tài sản cho bà con. Vì vậy, thời gian qua, huyện Phú Lương đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, như: Tuyên truyền lưu động, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của huyện, căng treo băng rôn dọc tuyến đường trục xã, liên xã…

Nói về công tác chuẩn bị cho đợt tiêm phòng lần, ông Dương Thanh Đao, Phó Chủ tịch UBND xã Động Đạt cho biết: Khoảng 1 tuần vừa qua, ngoài hệ thống loa truyền thanh của huyện, trên hệ thống loa truyền thanh của xã, chúng tôi đã chỉ đạo phát liên tục 1 lần/ngày yêu cầu người dân đưa vật nuôi đi tiêm phòng theo đúng kế hoạch đã được thông tin. Trước đó, UBND xã đã tổ chức hội nghị triển khai công tác thú y tới các tổ chức hội, đoàn thể của xã, xóm. Ngoài tập trung tuyên truyền, xã đang chỉ đạo cán bộ thú y phối hợp với các xóm thống kê tổng đàn gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng và đăng ký vắc xin với Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện theo đúng thời gian quy định, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng tối thiểu cho vật nuôi đạt 80% trở lên so với tổng đàn trong diện tiêm phòng.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác tiêm phòng vật nuôi, cùng với công tác tuyên truyền, từ nguồn vốn của Trung ương, huyện Phú Lương vừa cấp 1.400 lít thuốc tiêu độc khử trùng cho 15 xã, thị trấn thực hiện việc phun phòng. Theo kế hoạch, sau đợt tiêm phòng lần 1 của năm, huyện Phú Lương sẽ tiếp tục cấp hóa chất, vôi bột để bà con chủ động phun phòng các điểm dễ phát sinh dịch bệnh, như: Ổ dịch cũ, chợ, trường học… Để chủ động phòng bệnh cho gia súc, gia cầm, ngoài công tác tiêm phòng, phun hóa chất, rắc vôi bột khử trùng... huyện cũng đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh, lập chốt kiểm dịch vận chuyển động vật qua địa bàn. Chỉ cho nhập, xuất động vật, sản phẩm động vật khi có giấy chứng nhận kiểm dịch. Trường hợp, nếu gia súc không có nguồn gốc xuất xứ, mắc bệnh sẽ tiến hành thu giữ và tiêu hủy.