Đặt mục tiêu về đích nông thôn mới (NTM) trong năm nay, xã Đào Xá (Phú Bình) đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thiện 4 tiêu chí: giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường để về đích đúng lộ trình.
Những ngày này, các thành viên trong Ban công tác mặt trận xóm Đoàn Kết, xã Đào Xá bận rộn hơn bởi xóm đang chuẩn bị xây nhà văn hóa mới ngay trong tháng 3 này. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, ông Dương Công Khương, Trưởng xóm Đoàn Kết nói: Chúng tôi phấn đấu xây nhà văn hóa đảm bảo tiêu chuẩn. Nhà văn hóa mới dự kiến có tổng diện tích gần 200m2, kinh phí xây dựng trên 560 triệu đồng, khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gần 400 hộ dân trong xóm. Vì xóm đã thông báo kế hoạch này từ cuối năm 2017 nên người dân đều chủ động kinh phí. Hiện xóm đã thu tiền đối ứng của 1/3 số hộ dân, mỗi hộ 1,2 triệu đồng, chỉ đợi cấp trên thẩm định xong phương án thiết kế là xóm khởi công ngay.
Cùng với Đoàn Kết, các xóm còn lại cũng đang chuẩn bị các nguồn lực để xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa, phấn đấu 7/7 xóm đều có nhà văn hóa đạt chuẩn. Các xóm Chám, Dẫy cũng từng bước vận động người dân hiến đất, đóng góp làm đường giao thông. Tất cả các xóm đều đẩy mạnh tuyên truyền, thông báo cụ thể đến người dân về nhiệm vụ, các phần việc cần triển khai hoàn thành từ nay đến cuối năm nhằm củng cố các tiêu chí đã đạt và hoàn thiện 4 tiêu chí còn non. Nói về việc thực hiện xây dựng NTM ở địa phương, bà Vũ Thị Hồng, Chủ tịch UBND xã Đào Xá cho biết: Hằng năm, xã tích cực tuyên truyền, làm cho người dân hiểu được nội dung, ý nghĩa thiết thực của Chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, để có thể huy động sự đóng góp của người dân, xã đã tập trung các giải pháp nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Các hội, đoàn thể của xã triển khai các hoạt động, chương trình giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Các tuyến đường giao thông ở Đào Xá đã dần được cứng hóa, thuận tiện trong đi lại và không lầy lội vào mùa mưa.
Những năm qua, các mô hình lúa lai, ngô lai có năng suất cao đều được triển khai trên địa bàn xã với quy mô 20-30ha/năm; lĩnh vực chăn nuôi duy trì ổn định, không để xảy ra dịch bệnh. Xã cũng luôn tạo điều kiện, khuyến khích các hộ dân phát triển các mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, vận tải… Đến nay, trong xã có trên 100 hộ kinh doanh, buôn bán, gần 10 xưởng sản xuất đồ gỗ, 30 hộ làm dịch vụ vận tải. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 9,5% (giảm 14% so với năm 2011); thu nhập bình quân đầu người đạt 27,4 triệu đồng/người/năm (tăng trên 13 triệu đồng so với năm 2011).
Kinh tế phát triển ổn định, người dân sẵn sàng tham gia đóng góp công sức, tiền của vào các hoạt động chung của địa phương. Minh chứng rõ nhất là trong 6 năm qua, xã đã huy động nhân dân hiến hàng nghìn m2 đất các loại, đóng góp trên 5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Nhiều cá nhân, tập thể đã chủ động trong việc xây dựng nhà cửa, đường làng ngõ xóm, góp phần tạo cảnh quan sạch, đẹp. Đơn cử như xóm Chám, trong năm 2017, dù chưa nhận được tiền hỗ trợ của nhà nước, xóm đã huy động người dân, con em xa quê đóng góp được gần 400 triệu đồng, xây dựng nhà văn hóa khang trang trên tổng diện tích 700m2, có sân, nhà hội họp, khuôn viên, tường rào, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của gần 150 hộ dân trong xóm.
Theo đánh giá của địa phương, trong 4 tiêu chí chưa hoàn thiện thì môi trường được xác định là tiêu chí khó nhất bởi đây là yếu tố động, dễ thay đổi. Do vậy, bên cạnh việc lấy ý kiến người dân, chọn 1 điểm xây dựng khu thu gom chất thải rắn trên địa bàn, xã đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hội, đoàn thể duy trì và nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ tự quản môi trường, tích cực trồng cây xanh, vệ sinh đường làng ngõ xóm… Ngoài ra, tổ chức cho các hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định chung, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường; các hộ chăn nuôi đều phải có phương án xử lý chất thải gia súc, gia cầm… Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Phước, một người dân ở xóm Chám cho biết: Là hộ chăn nuôi lợn với quy mô trên trăm con/lứa nên để tránh gây ô nhiễm môi trường, tôi đã xây dựng chuồng trại kiên cố, có bể xử lý chất thải, căng bạt che chắn và trồng nhiều cây cây xanh quanh nhà. Không riêng gì gia đình tôi, các hộ chăn nuôi khác trong xóm đều có ý thức hạn chế gây ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư. Mỗi quý, xóm chúng tôi đều tổ chức lao động tập thể, dọn dẹp đường làng, vệ sinh cảnh quan chung.