Những ngày này, cùng với các địa phương khác trong tỉnh, bà con nông dân ở huyện vùng cao Võ Nhai đang khẩn trương làm đất, gieo cấy lúa xuân. Tuy nhiên, khác với hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” đã in đậm trong tâm trí mỗi người, hiện nay, trên các cánh đồng của huyện, nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp đã trở nên phổ biến.
Hơn 16 giờ một ngày cuối tháng 2, chúng tôi có mặt tại cánh đồng xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng (Võ Nhai). Đang hì hụi tháo bánh lồng để đưa máy cày về nhà, ông Hoàng Văn Bảo, một nông dân trong xóm phấn khởi cho biết: Trước đây, khi cày bừa bằng trâu, 6 sào ruộng của gia đình tôi phải làm 6 buổi mới xong, giờ thì chỉ cần 2 buổi làm đất bằng máy. Sang ngày mai là nhà tôi có thể cấy lúa được... Với việc sử dụng máy cày, bừa, gia đình ông Bảo cũng như nhiều hộ khác ở huyện vùng cao Võ Nhai đã rút ngắn được thời gian làm đất, bảo đảm gieo cấy lúa kịp thời vụ. Ông Lâm Văn Thắng, ở xóm Là Đông, xã La Hiên chia sẻ: Vụ xuân này, gia đình tôi gieo cấy 10 sào. Nếu dùng sức kéo của trâu như trước thì phải mất một tuần mới cày, bừa xong, rồi còn phải dành thời gian cho trâu nghỉ ngơi, ăn uống sau mỗi buổi cày. Hơn nữa, gia đình có 4 người thì 2 con đã đi làm việc tại khu công nghiệp, chỉ còn vợ chồng tôi ở nhà, nếu không có máy móc thì không thể làm kịp thời vụ. Sử dụng máy, tôi có thể cày được 5-6 sào ruộng/ngày...
Không chỉ có máy cày, nhiều loại máy móc, thiết bị nông nghiệp khác (như máy cắt cỏ, bơm nước, máy sao, vò chè...) cũng đã được người dân Võ Nhai đầu tư mua sắm phục vụ sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất làm việc, hiệu quả kinh tế. Nói về sự tiện ích của một trong những loại máy kể trên, ông Hoàng Văn Thế, ở xóm Thành Tiến, xã Tràng Xá cho biết: Trước đây, khi chưa có máy móc, thu hái chè về không kịp chế biến nên chè thường bị ôi, chất lượng không đảm bảo, giá bán thấp. Từ khi có máy sao, vò chè, chè hái về đến đâu, chế biến đến đó nên chất lượng chè được đảm bảo, giá bán ra cao hơn, cuộc sống của người trồng chè như gia đình tôi vì thế cũng được cải thiện đáng kể.
Mặc dù đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thế nhưng, quá trình đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp ở huyện vùng cao như Võ Nhai lại đang diễn ra một cách mạnh mẽ. Minh chứng là toàn huyện Võ Nhai hiện có gần 2.700 máy cày, xới đất, bừa; hơn 6.200 máy bơm nước các loại, gần 2.900 máy cắt cỏ; hơn 1.700 máy vò chè; hơn 1.600 thùng sao chè có động cơ; trên 3.200 máy phun thuốc trừ sâu bằng ắc-quy điện. Còn các loại máy khác (như máy kéo, máy tẽ hạt ngô, máy vò chè, máy chế biến thức ăn, máy gặt đập liên hoàn…) cũng được bà con sử dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp.
Để có được những nông cụ kể trên, bên cạnh người dân tự mua sắm, những năm qua, nhiều chương trình, dự án triển khai ở huyện Võ Nhai đã và đang đem lại cho người dân cơ hội để đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp từ khâu gieo cấy đến thu hoạch, góp phần thay thế dần sức kéo từ gia súc, tăng năng suất lao động trên một diện tích cây trồng và tăng hiệu quả kinh tế. Đơn cử là mô hình ứng dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp theo Phương án sản xuất của tỉnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2017 với tổng số 17 hộ dân tại các xã Phú Thượng, Tràng Xá, Liên Minh với tổng kinh phí thực hiện gần 980 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ hơn 30%, người dân đối ứng gần 70%. Là một trong những hộ được thụ hưởng, năm vừa qua, gia đình ông Nguyễn Văn Thái, xóm Làng Tràng, xã Tràng Xá đã được hỗ trợ 125 triệu đồng để mua máy gặt đập liên hoàn (trị giá gần 600 triệu đồng). Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình hỗ trợ cơ khí hóa nông nghiệp và làng nghề, năm 2017, huyện đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ 12 bộ tôn quay và máy vò chè bằng inox, 8 máy chế biến nông sản và phun thuốc trừ sâu bằng động cơ cho một số tổ hợp tác và làng nghề trên địa bàn các xã Tràng Xá, Liên Minh, Phú Thượng, La Hiên và thị trấn Đình Cả với tổng kinh phí 160 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 50%. Ngoài ra, hệ thống tưới tự động bằng van xoay cho chè, bưởi diễn cũng đã được đầu tư, hỗ trợ cho người dân đang đem lại hiệu ứng tích cực khi tiết kiệm nhân công và nâng cao năng suất. Không chỉ hỗ trợ cho người dân về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, những năm qua, Chương trình 135 đã hỗ trợ phần lớn kinh phí tạo điều kiện cho bà con đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất. Năm 2017, 11 xã và một số xóm của 4 xã đã được hỗ trợ máy cày, máy làm đất, máy bơm nước… với tổng kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Võ Nhai cho biết: Bên cạnh tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn đưa các loại giống cây trồng mới, chúng tôi đặc biệt chú trọng định hướng cho người dân sử dụng máy móc vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao năng suất cây trồng. Từ các dự án, chương trình hỗ trợ, phòng Nông nghiệp - PTNT đã tham mưu UBND huyện dành sự ưu tiên hàng đầu vào việc hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo mua sắm máy nông cụ, hướng tới mục tiêu tạo điều kiện cho bà con sử dụng lâu dài, bền vững, cải thiện năng suất lao động…
Tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song từ thực tế cho thấy quá trình cơ giới hóa nông nghiệp tại huyện Võ Nhai cũng đang gặp không ít khó khăn, chủ yếu xuất phát từ thực tế địa hình, đồng ruộng. Nhiều khu vực canh tác có độ dốc cao, máy móc rất khó để hoạt động. Ngoài ra, quy mô ruộng đất còn manh mún, nhỏ lẻ, trung bình 2-3 thửa/hộ, thậm chí có thể 11-12 thửa/hộ, mỗi ô thửa chỉ có vài chục đến vài trăm m2. Cùng với đó, trình độ vận hành của người dân không đồng đều cũng gây khó khăn trong việc sử dụng các loại máy móc, thiết bị sản xuất. Do vậy, thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh việc dồn đổi ruộng đất, sắp xếp lại đồng ruộng theo hướng chuyên canh để phát huy cao độ hiệu quả sử dụng máy móc, khai thác hết tiềm năng của đồng ruộng, nhất là khi tỷ lệ lao động làm nông nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch mạnh sang lĩnh vực công nghiệp như hiện nay...