Giúp phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

10:20, 08/03/2018

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng giàu giảm nghèo là một trong các nội dung quan trọng trong hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đại Từ. Những năm qua, Hội LHPN huyện Đại Từ luôn hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ hội viên.

Hội LHPN Đại Từ có 30 cơ sở hội và 2 đơn vị trực thuộc, 526 chi hội với tổng số gần 33.600 hội viên. Đây là con số không hề nhỏ so với các địa phương khác trong tỉnh. Những năm qua, Hội LHPN huyện luôn coi trọng công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Hội đã đề ra nhiều giải pháp nhằm từng bước tăng số hộ giàu, giảm hộ nghèo của huyện. Để công tác hỗ trợ đạt hiệu quả cao, hằng năm, Ban Thường vụ Hội chỉ đạo các cấp hội khảo sát và phân loại hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra các giải pháp giúp đỡ phù hợp.

Một trong những hỗ trợ quan trọng, đạt hiệu quả cao nhất phải kể đến việc cho vay vốn phát triển sản xuất thông qua các kênh như: khai thác và sử dụng các nguồn vốn ngân hàng chính sách - xã hội, ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, các nguồn vốn huy động qua các tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm với tổng số tiền hàng trăm tỷ đồng cho hàng nghìn lượt người vay. Ngoài hai kênh vay vốn trên, các cấp Hội tổ chức phát động ủng hộ “Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo”. Hội cũng triển khai hoạt động quỹ TYM, đang thực hiện tại 4 xã: Mỹ Yên, Tiên Hội, Văn Yên và thị trấn Hùng Sơn, đã giải ngân được trên 1,2 tỷ đồng cho 145 thành viên vay.

Cùng với hỗ trợ về vốn, các cấp Hội phụ nữ trong huyện đã duy trì và thành lập 37 mô hình phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, điển hình là các mô hình trồng trọt, chăn nuôi như: Mô hình chuối tiêu hồng và cam vinh tại xóm Tân Tiến 1, Tân Tiến 2, xã Quân Chu; mô hình chè cành tại xóm Mây, xã Văn Yên; mô hình nuôi dê núi ở xóm Đồng Chãng, xã Yên Lãng; mô hình trồng bưởi xen ổi tại xóm Nương Dâu, xã Cát Nê; mô hình trồng mít Thái tại xóm Chính Tắc, xã Na Mao; 2 mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại thị trấn Hùng Sơn và xã Phú Lạc…

Ngoài ra, để nâng cao kiến thức, năng lực cho phụ nữ trong việc phát triển kinh tế, Hội đã tổ chức các hội nghị tọa đàm giới thiệu việc làm cho hội viên phụ nữ đến làm việc tại các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh. Năm 2017, đã giới thiệu việc làm cho 1.278 lao động nữ, đào tạo nghề cho 315 lao động nữ, trong đó 231 lao động có việc làm sau đào tạo. Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT và Trạm Khuyến nông tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được 33 lớp, cho trên 1.300 lượt người tham gia. Tổ chức 2 lớp sơ cấp đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ: Chế biến rau an toàn tại xã Bình Thuận với 60 thành viên, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi tại Phúc Lương với 35 thành viên. Thông qua các lớp tập huấn này, chị em có thêm kiến thức để đầu tư phát triển sản xuất đúng hướng, mang lại hiệu quả.

Có mặt tại vườn cây ăn quả của gia đình chị Phùng Thị Hưởng, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoàng Nông, chúng tôi thầm phục sự chịu thương, chịu khó cộng với đầu óc tính toán xen canh các loại cây trồng một cách hợp lý để không lãng phí đất, nâng cao hiệu quả trên một diện tích canh tác. Vườn cây với diện tích trên 10.000m2 đất của chị có đủ các loại quả như: nhãn, bưởi diễn, xen cam canh và táo. Ngoài ra, chị còn nuôi ong mật để vừa có thu nhập thêm lại vừa hỗ trợ cho các loại cây trồng thụ phấn kết trái. Mỗi năm, chị Hưởng thu về khoảng 6.000 quả bưởi; gần 4 tấn táo, nhãn, cam và trên 300 lít mật ong, bán được trên 300 triệu đồng. Nhờ mô hình này, không những kinh tế gia đình chị khấm khá lên mà chị còn tạo việc làm cho hơn 10 lao động ở địa phương.

Không riêng mô hình trồng cây ăn quả của chị Hưởng, nhờ được hỗ trợ của các tổ chức Hội, nhiềucấp hội đã xây dựng thành công các mô hình kinh tế khác cho hiệu quả cao và thoát nghèo. Hội LHPN xã Phú Xuyên là một điển hình. Hội có trên 700 hội viên, sinh hoạt ở 18 chi hội. Hội thành lập được 8 câu lạc bộ phụ nữ đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Thông qua các câu lạc bộ, chị em được tập huấn kiến thức khoa học kỹ thuật trong thâm canh cây trồng, phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi, đồng thời trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất. Với những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, hàng năm Hội đều bình xét cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình dưới nhiều hình thức như: Vay thóc, gạo, lợn giống và tiền mặt... Nhờ đó, nhiều người đã tìm được hướng đi phù hợp để vực kinh tế gia đình đi lên. Điển hình là chị Hoàng Thị Phượng, Chi hội Phụ nữ xóm Tân Lập. Gia đình chị Phượng trước thuộc diện khó khăn nhất xóm, năm 2007, chị được Nhà nước hỗ trợ 1 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại, đồng thời được Hội đứng ra tín chấp vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 3 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, chị đã mua lợn giống về chăn nuôi. Chị cũng đầu tư phân bón chăm sóc diện tích chè hiện có của gia đình. Sau hơn 1 năm, gia đình chị đã thoát nghèo, cuộc sống nay đã khá hơn nhiều.

Nhờ thực hiện tốt các hình thức hỗ trợ, các cấp Hội phụ nữ huyện Đại Từ đã và đang phát huy tính cần cù, sáng tạo và khơi dậy tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ nhau giảm nghèo. Trong vài năm gần đây, mỗi năm huyện giảm được 30-50 hộ hội viên nghèo. Riêng năm 2017, Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch giúp 222 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo theo tiêu chí mới. Đến nay, qua rà soát có 96 hộ đã thoát nghèo.