Hãy giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất

17:21, 11/03/2018

Mấy năm gần đây, đã có rất nhiều đợt kêu gọi “giải cứu”, giúp nông dân với lý do nông sản làm ra nhưng không bán được vì rớt giá (từ hoa quả, rau củ đến thịt, sữa…). Mật độ các cuộc "giải cứu" nông sản dường như ngày một dày hơn, thời gian để hỗ trợ tiêu thụ một mặt hàng dài hơn, kéo theo nhiều hệ lụy dây chuyền. Dịp Tết nguyên đán vừa qua, từ Bắc chí Nam, chúng ta chứng kiến cảnh hoa tươi rớt giá, "vỡ trận"  càng thêm xót xa cho bà con nông dân cũng như các tiểu thương đã đầu tư vào lĩnh vực này.

Trước Tết là do cung hơn cầu, sau Tết thì giá hoa lay ơn, hoa ly rớt thảm vì nở không đúng thời điểm làm nhiều nông dân và tiểu thương buồn bã vứt bỏ. Rồi mía ở Hậu Giang, chính quyền tỉnh yêu cầu tất cả các sở, ban, ngành trong tỉnh, mỗi cán bộ công nhân viên phải ủng hộ mua một lượng đường nhất định theo chỉ đạo của UBND tỉnh...

Đã từ lâu, điệp khúc “được mùa mất giá” như một lời nguyền đè nặng lên nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Vậy mới có câu chuyện nông nghiệp "giải cứu”. Câu chuyện "giải cứu" nông sản đã không còn là câu chuyện cũ, cũng không phải là câu chuyện tình thế nữa mà nó đang có nguy cơ trở thành "đại dịch" của sản xuất nông nghiệp nước ta.

Chuyện "được mùa rớt giá" của nông sản Việt đã tồn tại trong nhiều năm qua, nhưng có lẽ phong trào "giải cứu" bắt đầu từ quả vải thiều vào hè 2014. Trước đó, vải thiều chủ yếu bán ở các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi thị trường Trung Quốc ngưng nhập vải thiều, cả nước đã có cuộc "giải cứu" ngoạn mục nhờ sự chung sức của mọi tầng lớp nhân dân. Năm 2017 vừa qua, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất đã diễn ra khi giá thịt lợn xuống thấp nhất thế giới khiến người chăn nuôi mất hàng chục ngàn tỷ đồng. Thực tế, thảm họa này đã được báo trước vào đầu năm 2016, khi người nông dân ồ ạt đua nhau nuôi lợn để xuất sang Trung Quốc. Nếu như những năm trước, cả nước chỉ nuôi 27-28 triệu con heo, năm 2016 đã vọt lên gần 30 triệu con, đặc biệt đàn nái lên tới 4,2 triệu con (đứng thứ tư thế giới). Cung vượt quá xa cầu trong khi Trung Quốc dừng nhập khẩu tiểu ngạch khiến giá thịt lợn trong nước trượt dốc không phanh. Đứng trước tình hình đó, sau lời kêu gọi của Chính phủ, hàng loạt bộ ngành, doanh nghiệp, ngân hàng... cùng chung tay "giải cứu" thịt lợn, giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn.

Điểm nổi bật của những sản phẩm phải "giải cứu" là thiếu công nghệ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến nên bắt buộc phải bán ngay, không thể lưu kho. Vì thế, đến thời điểm thu hoạch rộ, bị ép giá cỡ nào người dân cũng phải bán nếu không muốn mất trắng. Ngay sản phẩm chăn nuôi như trứng, thịt, phần lớn chỉ bán tươi, việc đầu tư vào giết mổ, bảo quản chưa đáng kể nên không thể lưu kho, đợi giá lên mới bán.

Việc "giải cứu" đã góp phần giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt, đó là điều rất đáng trân trọng. Song với những chiến dịch "giải cứu" dưa hấu, thanh long, rồi "giải cứu" chuối… và với thực trạng sản xuất nông nghiệp mang tính tự phát như hiện nay, không biết sẽ còn phải "giải cứu" những gì tiếp theo. Sau mỗi cuộc "giải cứu", người ta lại rút ra rất nhiều bài học nhưng học hình như chẳng ai thuộc, vẫn cứ lặp lại vấn nạn cũ?!.

Cũng đã có những mô hình nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo quy trình và yêu cầu của nhà đầu tư, đảm bảo đầu ra. Song số đó còn quá ít bởi tâm lý làm ăn manh mún và “a dua” theo đám đông. Đã vậy, hầu hết sản phẩm nông sản của Việt Nam được xuất khẩu thô (lợn xuất chuồng lên thẳng xe đi Trung Quốc; chuối, dưa thu hoạch từ ruộng lên xe...).

Nền nông nghiệp nước ta đang tồn tại một nghịch lý đáng buồn. Sản phẩm nông nghiệp đang thất bại ngay trên sân nhà, người Việt dường như chỉ để ý đến sản phẩm của nông dân khi có kêu gọi "giải cứu". Đây là hệ quả của một nền nông nghiệp thiếu chiến lược, thiếu quy hoạch, tổ chức sản xuất thiếu bài bản, không chuyên nghiệp. Hậu quả từ nhiều cuộc "giải cứu" cho thấy, chúng ta yếu kém ngay từ khâu tổ chức sản xuất, chế biến cũng như dự báo, nắm bắt thị trường; khâu trung gian phải qua quá nhiều tầng nấc.

Đã có rất nhiều biện pháp "giải cứu" trong chăn nuôi cũng như trồng trọt. Nhưng có lẽ, đó chỉ là những giải pháp tình thế, mà quan trọng là phải thay đổi từ nhận thức đến cách thức sản xuất của nông dân. Về lâu dài, giải pháp làm thay, bán hộ này sẽ phản tác dụng nếu nông dân ngày càng ỷ lại. Vấn đề ở đây là việc "giải cứu" có đúng là biện pháp thích hợp không? Có thể tồn tại là biện pháp lâu dài không? Có phải là lỗi của người nông dân không? Câu trả lời có lẽ hầu hết là không. Mà lỗi chính có lẽ thuộc về cơ quan xây dựng quy hoạch, phần nhiều là do chính sách từ huyện, tỉnh đã không làm tốt chức năng và nhiệm vụ của mình từ khâu quy hoạch, sản xuất cho đến tiêu thụ. Thị trường cần được điều tiết hài hòa, gắn kết giữa các bộ, ngành nhằm thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp đến được thị trường và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, giảm bớt việc "giải cứu". Bên cạnh đó, người dân cũng cần có thay đổi về tư duy sản xuất.

Hiện nay, nông dân đang đứng trước vận hội mới khi ưu tiên của Chính phủ phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Để nắm bắt được vận hội mới, điều thiết thực nhất ngay bây giờ là phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp mới có thể đem lại hy vọng. Và trước khi nền nông nghiệp công nghệ cao đi vào đời sống thực tiễn, người nông dân rất cần những giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền từ Trung ương đến địa phương.