Tạo điều kiện chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn, học nghề là những giải pháp mà Đoàn xã Tràng Xá (Võ Nhai) thực hiện để tạo sức bật cho thanh niên trong xã phát triển kinh tế. Nhờ vậy, những năm gần đây, trên địa bàn xã xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả do thanh niên làm chủ.
Theo chân cán bộ Đoàn xã, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lương Văn Dương, ở xóm Lò Gạch, một trong những tấm gương tiêu biểu về ý chí và quyết tâm vươn lên làm giàu tại địa phương. Sinh ra trong một gia đình nghèo, anh sớm phải gác lại việc học hành để tập trung phát triển kinh tế. Sau những chuyến về thăm quê tại Văn Giang (Hưng Yên), anh nhận thấy giống bưởi Diễn, cam Vinh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2008, anh mạnh dạn nhờ Đoàn Thanh niên xã đứng ra tín chấp vay 10 triệu đồng để chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng ngô, sắn sang trồng bưởi Diễn, cam Vinh. Nhờ cần cù, chịu khó, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, vườn cây của anh đã đem lại “quả ngọt”, trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Với 300 gốc bưởi Diễn, 150 gốc cam Vinh, trừ chi phí, mỗi năm anh thu lãi gần 200 triệu đồng.
Mạnh dạn tìm các hướng đi mới để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình điểm nổi bật của nhiều thanh niên trong xã Tràng Xá. Anh Chu Văn Hợp, Bí thư Chi đoàn xóm Khuôn Ruộng lại chọn cho mình hướng phát triển cây Thanh long ruột đỏ. Anh bảo: “Năm 2010, đọc được bài báo viết về hiệu quả kinh tế từ cây thanh long ruột đỏ, tôi tìm đến địa chỉ của nhân vật để tìm hiểu cách trồng. Ngay lần đi đầu tiên ấy, tôi đã đặt mua gần 1.000 hom giống, rồi về nhà nhanh chóng làm 200 trụ bê tông để trồng. Vừa trồng, tôi vừa nghiên cứu kiến thức từ sách, báo, mạng internet, học hỏi từ những mô hình đã trồng thành công để áp dụng”. Năm đầu tiên, với sản lượng gần 1 tấn, anh thu về khoảng 60 triệu đồng. Tích lũy kinh nghiệm, năm 2014, anh mở rộng lên 500 trụ Thanh long ruột đỏ. Từ đó đến nay, mỗi năm từ Thanh long ruột đỏ cho gia đình anh thu nhập gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn kết hợp trồng 200 cây bưởi Diễn, chăn nuôi gà, lợn… cũng cho lãi trên 100 đồng/năm. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là Bí thư Chi đoàn xóm, anh đã giới thiệu và truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều người dân và thanh niên trong vùng. Từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh, đến nay đã có 6 gia đình trong xã học tập và làm theo.
Anh Hoàng Ngọc Thịnh, Bí thư Đoàn xã Tràng Xá cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 400 đoàn viên, thanh niên thường xuyên có mặt tại địa phương, đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong xung kích phát triển kinh tế. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, Ban Chấp hành Đoàn xã đã tăng cường tuyên truyền, định hướng cho đoàn viên, thanh niên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương; phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp dạy nghề, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh.
Từ năm 2012 đến nay, Đoàn xã đã phối hợp tổ chức dạy nghề cho 140 đoàn viên, thanh niên; giới thiệu việc làm cho trên 150 thanh niên (cho thu nhập trung bình từ 4 - 7 triệu đồng/tháng). Để tạo điều kiện cho thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay, đến nay, Đoàn Thanh niên xã đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội giải ngân trên 9 tỷ đồng cho hàng trăm hộ dân địa phương được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện, toàn xã có trên 20 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ cho thu nhập ổn định, trong đó có 8 mô hình cho thu nhập từ 100 - 250 triệu đồng.
Đặc biệt thời gian tới, Đoàn xã Tràng Xá tiếp tục tăng cường sự hỗ trợ về chính sách, cơ chế, vật chất, kỹ thuật để giúp đoàn viên, thanh niên vươn lên làm giàu trên quê hương mình; kịp thời biểu dương, nhân rộng những mô hình điển hình tiên tiến; vận động thanh niên giúp nhau lập thân, lập nghiệp, liên kết trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó góp phần tạo nên khí thế thi đua sôi nổi, xứng đáng với vai trò là lực lượng xung kích, tiên phong trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.