Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang bắt đầu vào vụ nuôi trồng thủy sản mới. Nắm bắt được nhu cầu đó, các cơ sở sản xuất giống thủy sản trong tỉnh đang tích cực chăm sóc, cung ứng ra thị trường những mẻ con giống đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Những ngày này, cán bộ, nhân viên của Trại cá giống Cù Vân (Đại Từ) luôn tất bật với việc kéo lưới, vận chuyển cá giống phục vụ nhu cầu của khách hàng. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Chu Huy Tuấn, Trại trưởng Trại cá giống Cù Vân cho biết: Với diện tích gần 6ha, gồm 25 ao, trung bình mỗi năm, Trại cung cấp cho bà con 35 triệu con cá bột, 8,2 triệu con cá giống các loại như: Rô phi đơn tính, trắm, chép… Chất lượng cá giống phụ thuộc chủ yếu vào 2 yếu tố, chất lượng đàn cá bố mẹ, kỹ thuật sinh sản và kỹ thuật ương nuôi. Vì vậy, để có con giống tốt, từ tháng 10 năm trước, chúng tôi tiến hành tuyển chọn cá bố mẹ có thân hình đẹp, không dị tật để tiến hành nuôi vỗ. Đến độ tuổi và kích cỡ phù hợp nhất chúng tôi cho sinh sản và đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật ương nuôi để đến tầm tháng 3, tháng 4 là có thể cung ứng ra thị trường những mẻ cá giống chất lượng. Trong giai đoạn nuôi ương cá bột thì cải tạo ao là khâu quan trọng nhất, bởi lúc này cá mới đẻ, sức đề kháng kém nên cần dọn sạch ao, rắc vôi bột. Trong quá trình lấy nước vào ao phải lọc để loại bỏ tôm tép, cá tạp. Đến giai đoạn cá hương (cá được 2-3cm) cần thả với mật độ thưa hơn cá bột và thường xuyên quan tâm kiểm tra phòng chống dịch bệnh.
Tương tự, tại Trại cá giống Hòa Sơn (Phú Bình) thời điểm này, các cán bộ, công nhân của trạm cũng sẵn sàng trực 24/24 giờ để theo dõi quá trình sinh sản của cá và cung cấp cá giống cho người dân. Anh Lương Văn Luân, Phó Trại trưởng Trại cá giống Hòa Sơn cho biết: Sau Tết Nguyên đán, thời tiết nắng ấm, cấy hái xong là bà con bắt tay vào cải tạo ao nuôi trồng thủy sản. Đối với chúng tôi, đây là thời điểm bận rộn nhất trong năm. Trong quá trình chăm sóc, chúng tôi đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho đàn cá bố mẹ. Bởi, khi gần thành thục, trọng lượng buồng trứng tăng nhanh đòi hỏi tích luỹ trước để huy động dinh dưỡng từ cơ thể. Nếu cho ăn không đúng, không đủ, sức sinh sản thường giảm, cỡ trứng nhỏ và kéo dài vụ đẻ. Ngoài ra, các yếu tố môi trường như nhiệt độ, ôxy hoà tan, kích thích nước... cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình thành thục sinh dục và sinh sản của cá.
Được biết, ngoài hai cơ sở nói trên, tỉnh ta hiện còn có 2 cơ sở sản xuất giống thủy sản lớn, gồm Trại cá của Trung tâm thực nghiệm (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên), Xí nghiệp Thủy sản hồ Núi Cốc và một số trại cá tư nhân nhỏ lẻ. Trung bình mỗi năm, các cơ sở này cung cấp trên 550 triệu con cá bột, 55 triệu con cá giống các loại đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thủy sản của bà con nhân dân trong và ngoài tỉnh. Nhằm nâng cao chất lượng con giống, nhiều cơ sở sản xuất cá giống trong tỉnh đã tiến hành đầu tư thay mới đàn cá giống bố mẹ kém chất lượng trước đây bằng đàn cá giống bố mẹ đạt tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời sử dụng thức ăn công nghiệp, thuốc thú y, chế phẩm sinh học để xử lý, cải tạo môi trường ao, bảo đảm môi trường sống an toàn cho cá bố mẹ. Cùng với đó, đầu tư cơ sở vật chất và đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật ương nuôi. Ngoài ra, các trại cá giống còn hướng dẫn bà con mật độ nuôi, quá trình chăm sóc và quản lý ao nuôi, kỹ thuật vận chuyển giống nhằm đảo bảo đàn cá sống đạt tỷ lệ cao nhất. Theo khảo sát của chúng tôi, giá cá giống năm nay tương đương so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể: Cá rô phi đơn tính có giá 1.000 đồng/con; cá chim 1.000-1.500 đồng/con; cá trắm 80.000-90.000 đồng/kg; cá chép 70.000-80.000 đồng/kg… Nhiều hộ nuôi trên địa bàn đã từng bước chuyển dịch cơ cấu giống thủy sản nuôi thương phẩm theo hướng tăng đối tượng có giá trị kinh tế cao như: cá chép lai, rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá lăng...
Trao đổi với chúng tôi, anh Lý Mạnh Dần, phụ trách Phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Thái Nguyên) cho biết: Năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt hơn 6.000ha, sản lượng đạt trên 12.000 tấn (tăng 1.400 tấn so với năm trước). Để đạt được mục tiêu trên, ngoài làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh thì con giống cũng là một trong những yếu tố quyết định. Nếu con giống kém sẽ tăng thời gian nuôi và chi phí đầu tư, làm giảm hiệu quả kinh tế. Bởi vậy, hằng năm, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất cá giống áp dụng các phương pháp kỹ thuật mới vào sản xuất, thay thế đàn cá bố mẹ để nâng cao chất lượng cá giống góp phần tăng năng suất và chất lượng. Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con khi thả lứa mới cần chọn cá giống từ các cơ sở có uy tín và có kiểm dịch; trong quá trình vận chuyển, thả cá cần thao tác nhẹ nhàng, tránh xây xát; đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường và ký sinh trùng trên cá giống để có biện pháp xử lý kịp thời.