Vụ Xuân năm nay, huyện Phú Bình có kế hoạch gieo cấy gần 5.000ha lúa. Nhưng do trời rét đậm, rét hại, đồng thời người dân chưa tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn nên có khá nhiều diện tích lúa đã bị chết. Vì vậy, ngay sau Tết nguyên đán, nông dân nhiều xã của huyện Phú bình đã xuống đồng để cấy dặm lại.
Có mặt tại cánh đồng Sinh Cầu, xóm Vạn Già, xã Bảo Lý, chúng tôi thấy khá nhiều người dân đang tất bật nhổ cỏ, dặm lại những khóm lúa bị úa chết. Chị Nguyễn Thị Lừng, một người dân trong xóm cho biết: Nhà tôi cấy 9 sào lúa thì có khoảng gần 2 sào lúa bị chết rải rác nên hiện tôi đang tỉa và dặm lại. Nhiều gia đình khác trong xóm Vạn Già cũng phải bừa và cấy lại từ 2-3 sào như gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, chị Nguyễn Thị Điệp…
Đang dẫn nước vào chân ruộng ngay gần đó, chị Điệp giọng không vui: Nhà tôi có 5 sào thì vừa phải cấy lại 3 sào. Trước đó, nhà tôi gieo mạ vào khoảng ngày 25, 26 tháng 11 âm lịch (tức ngày 11 và 12 tháng 12 dương lịch), khi mạ đủ tuổi, trời nắng ấm, mọi người rủ nhau cấy sớm để kịp lo sắm Tết, hội Xuân. Nhưng không ngờ ngay sau đó thì gặp 2 đợt trời rét đậm, rét hại nên lúa bị chết. Thấy vậy, ngày 26 Tết, tôi đã ra chợ mua thóc giống ngắn ngày về gieo để sau Tết có mạ cấy luôn. Ra Giêng ngày mùng 4, tôi đã huy động cả nhà ra đồng cấy để kịp khung thời vụ.
Theo tìm hiểu thực tế của chúng tôi, không chỉ riêng xóm Vạn Già mà nhiều hộ dân ở các xóm: Đại Lễ, Cô Dạ, Đình Thượng, Hóa… cũng có một số diện tích lúa chết phải cấy, dặm lại, tính chung toàn xã lên đến gần 20ha. Còn ở một số xã khác như: Thượng Đình, Lương Phú, Tân Đức, Thanh Ninh, Bàn Đạt, Đào Xá…, trung bình mỗi xã cũng có từ 1-3ha lúa bị chết, bà con nông dân đã phải cấy, dặm lại ngay sau Tết. Theo tính toán của người dân, để cấy lại 1 sào lúa, trung bình mỗi hộ dân tốn khoảng trên 200 nghìn đồng, trong đó bao gồm tiền công cấy, thóc giống, đó là còn chưa kể một số hộ phải cày lại. Ngoài ra, những diện tích lúa phải cấy lại có nguy cơ nhiễm sâu bệnh cao hơn và năng suất lúa cũng có thể bị giảm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Khiêm, Trạm Trưởng Trạm Khuyến nông huyện cho biết: Khi nắm bắt được thông tin, cán bộ khuyến nông huyện đã phối hợp với các xã, xómg hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp khắc phục , các diện tích chết ít thì tiến hành tỉa dặm, chăm sóc, kết hợp phun các chế phẩm kích thích, điều hòa chống rét; các diện tích lúa chết nhiều thì tiến hành gieo cấy lại, sử dụng giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày. Trước đó, để chuẩn bị cho sản xuất vụ Xuân, Trạm Khuyến nông huyện đã hướng dẫn các xã, xóm từ khâu chuẩn bị giống, làm đất, gieo mạ, phòng chống rét cho mạ… cho đến khâu gieo cấy, chăm sóc lúa. Mặc dù đã khuyến cáo bà con nông dân tuyệt đối không được gieo cấy khi mức nhiệt giảm dưới 15ºC, song một bộ phận người dân vẫn chủ quan không thực hiện nên đã xảy ra tình trạng lúa chết.
Kiểm chứng thông tin này tại một số địa phương, người dân đều khẳng định rằng họ có nắm được các thông tin chung về tình hình thời tiết, lịch thời vụ, lịch đóng, xả nước … thông qua loa phát thanh của xóm, xã, nhưng do tâm lý muốn gieo cấy sớm để kịp lo Tết, vui Xuân. Hơn nữa, để tiện cho việc thuê máy cày bừa, dẫn nước sản xuất và thuê máy gặt khi thu hoạch, các hộ có ruộng liền kề đã rủ nhau làm cùng đợt. Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến việc lúa chết nhiều sau khi cấy cũng được người dân chỉ ra như: Việc gieo, cấy không đúng như khung thời vụ địa phương khuyến cáo; lúa đã cấy nhưng không đủ nước dưỡng, lại gặp thời tiết rét đậm, rét hại; khi mở ni lông che phủ mạ, người dân không để mạ thích ứng với thời tiết mà đem đi cấy luôn (không luyện mạ); mạ bị đứt rễ trong quá trình vận chuyển ra ruộng…
Vẫn biết sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng và phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, tuy nhiên với việc nhiều diện tích lúa xuân ở Phú Bình bị chết buộc phải gieo cấy lại, cho thấy một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan, tự phát trong sản xuất. Cùng với đó là một số xã, xóm còn chưa quyết liệt trong việc vào cuộc đôn đốc, nhắc nhở người dân. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Phú Bình xảy ra tình trạng này, do vậy, các cơ quan chuyên môn của huyện cần sát sao hơn nữa trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo, kịp thời định hướng cho người dân để tránh những thiệt hại có thể xảy ra.