Trên địa bàn tỉnh hiện có 430 hợp tác xã (HTX) và 220 làng nghề với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng như: chè; tương nếp; cao, giò ngựa bạch; miến dong; đồ gỗ mỹ nghệ; mây tre đan… Những năm qua, các HTX, làng nghề đã không ngừng cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, qua đó góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, để một sản phẩm có được sức cạnh tranh trên thị trường, được người tiêu dùng đón nhận thì bên cạnh yếu tố giá cả phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng và có mẫu mã đẹp, bắt mắt với đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc. Trao đổi với chúng tôi anh Trần Văn Đảng, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh T&D Tức Tranh (Phú Lương) cho biết: Sau 1 năm thành lập, đến nay, HTX đã có đầy đủ các giấy tờ, tem nhãn để truy xuất nguồn gốc cho 2 sản phẩm là Thanh long và bưởi Diễn. Không chỉ khẳng định về chất lượng, điều này còn mở ra cơ hội cho trái cây của HTX mở rộng thị trường tiêu thụ. Với hơn 10ha trồng cây ăn quả, năm 2017, doanh thu của HTX ước đạt 900 triệu đồng. Riêng Thanh long ruột đỏ có trên 2ha với 600 trụ, năng suất trung bình đạt 13 tấn/ha/năm, giá bán dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg. Hiện, sản phẩm của HTX chủ yếu tiêu thụ cho bếp ăn của các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện và một số cửa hàng hoa quả sạch của T.P Thái Nguyên.
Còn tại Làng nghề ngựa bạch xóm Phẩm, xã Trung Thành (Phú Bình), từ lâu, các sản phẩm từ ngựa bạch đã được nhiều khách hàng xa gần biết tới. Trong đó, giò ngựa đã được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Ông Dương Văn Huyên, Giám đốc HTX Ngựa bạch xóm Phẩm cho biết: Trong thời buổi thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất hiện tràn lan trên thị trường như hiện nay, nếu không chứng minh được chất lượng sản phẩm thì chắc chắn mình sẽ “thua”. Thấy được điều đó, chúng tôi đã làm thủ tục để xin cấp chứng nhận an toàn thực phẩm. Ngoài ra, trên mỗi sản phẩm, chúng tôi để niêm yết rõ ràng các thông tin như: ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần… Qua đây, người tiêu dùng sẽ lấy đó làm cơ sở để chọn lựa, sử dụng. Với những lợi thế đó, chúng tôi cũng “tự tin” cạnh tranh được với các cơ sở sản xuất giò chả trên địa bàn. Với 55 thành viên và khoảng 160 con ngựa bạch được duy trì nuôi thường xuyên, mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường từ 12-13 tấn sản phẩm các loại, trong đó có khoảng 6-7 tấn giò ngựa.
Cùng với các HTX, làng nghề kể trên, hiện nay cũng có khá nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho mình. Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân các HTX, làng nghề thì những năm qua, nhiều các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn đã tích cực vào cuộc, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho nhiều đơn vị. Cụ thể là năm vừa qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đã hoàn thiện hồ sơ công bố phù hợp quy định An toàn thực phẩm cho 4 đơn vị; đăng ký thương hiệu cho 2 đơn vị; đăng ký mã số mã vạch cho 10 đơn vị; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 7 đơn vị; thiết kế, in tem nhãn cho 4 đơn vị; hỗ trợ thiết kế, in tờ rơi, tập gấp cho 4 đơn vị; thiết kế và in bao bì cho 2 đơn vị. Trong đó, các đơn vị được hỗ trợ chủ yếu là các HTX, doanh nghiêp trên địa bàn tỉnh như: HTX Chè Hảo Đạt (T.P Thái Nguyên), HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao (T.X Phổ Yên); HTX Trà Tuyết Tuyết (T.P Thái Nguyên), HTX Chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch Kim Phượng (Định Hóa)…
Bên cạnh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, nhiều dự án, chương trình đặc biệt là các đề án khuyến công, đã hỗ trợ tích cực cho các HTX, làng nghề trong việc cải tiến máy móc, thiết bị chế biến sản phẩm, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Nguyên (Sở Công Thương) đã triển khai 16 đề án khuyến công địa phương, trong đó, 2,6 tỷ đồng từ nguồn vốn khuyến công đã được phân bổ đồng đều giữa các địa phương. Là một trong những đơn vị được hưởng lợi từ đề án khuyến công, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc HTX Chế biến và kinh doanh lâm sản Trà Thịnh, thuộc Làng nghề mộc mỹ nghệ Cẩm Trà, xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) cho biết: Năm vừa qua, HTX được sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, HTX đã đầu tư máy chạm khắc gỗ vi tính CNC trị giá 240 triệu đồng, trong đó nguồn hỗ trợ là 100 triệu đồng. Qua đây, HTX có điều kiện mở rộng sang làm cả những sản phẩm đòi hỏi sự cầu kỳ, tỷ mỷ, chứ không đơn thuần sản xuất gia công như trước nữa. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường hàng trăm sản phẩm, tạo việc làm cho 15 thành viên là lao động cố định và gần 30 lao động thời vụ với mức thu nhập trung bình là 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài đề án khuyến công, hàng năm, các chương trình hỗ trợ phát triển làng nghề, làng nghề điểm của tỉnh đã tạo điều kiện cho người dân tại các làng nghề được ứng dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất. Đơn cử như Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu (Phú Lương) được hỗ trợ nồi luộc chạy điện 3 pha, tủ đông để bảo quản sản phẩm; Làng nghề chè truyền thống xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) được hỗ trợ thiết bị chế biến chè, Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung (T.X Phổ Yên) được hỗ trợ thiết bị chế biến gỗ… Những năm qua, các Hội chợ Xuân, Hội chợ triển lãm “Mỗi xã, phường một sản phẩm” đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp, làng nghề, HTX tham gia. Qua đó, các sản phẩm tiêu biểu của các địa phương, đơn vị, làng nghề có điều kiện đến gần hơn với người dân.
Có thể thấy, sau 9 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã ăn sâu vào tiềm thức của cả người tiêu dùng lẫn người sản xuất và đạt được những hiệu ứng tích cực. Song hành cùng tâm lý ưu tiên lựa chọn hàng Việt của khách hàng, nhiều cơ sở sản xuất, trong đó có các HTX, làng nghề đã chú trọng nhiều hơn đến chất lượng và mẫu mã cho sản phẩm của mình thông qua việc cải tiến kỹ thuật, ứng dụng máy móc vào sản xuất, đăng ký nhãn hiệu. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đã xâm nhập được vào thị trường khó tính, vào các siêu thị… Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn không ít những HTX, làng nghề đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vốn đầu tư và cách tiếp cận thị trường. Do vậy, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi HTX, làng nghề, thiết nghĩ các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm, hỗ trợ sát sao hơn nữa, qua đó, góp phần tăng sức cạnh tranh của các đơn vị này trên thị trường bằng chất lượng sản phẩm và sự đầu tư có định hướng.